Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 6139

   Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về tiếp nhận, thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm tai nạn giao thông đường bộ


Thứ năm - 17/06/2021 04:37
 
Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (Thay thế Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an) quy định về Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (sau đây gọi chung là tai nạn giao thông) của lực lượng Cảnh sát giao thông (sau đây gọi chung là cán bộ Cảnh sát giao thông) đảm bảo nguyên tắc tất cả các vụ tai nạn giao thông phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý tin báo về tai nạn giao thông phải khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường để giải quyết theo quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Sau khi Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực. Ngày 02/6/2021, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC về trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy do Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thụ lý, giải quyết.

 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hành quyền công tố kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm các vụ, việc về tai nạn giao thông đường bộ nhận thấy còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện một số quy định tại Thông tư 63/2020/TT-BCA và Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 như sau:
 
Theo quy định tại khoản 7, Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, của Bộ Công an quy định: khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này:
 
a) Nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt rời tay, chân, bị mù hai mắt, vỡ nền sọ, có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì thực hiện như sau:
 
Đối với Cảnh sát giao thông cấp huyện, báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra giải quyết; Đối với cán bộ Cục Cảnh sát giao thông thì báo cáo Cục trưởng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh thì báo cáo Trưởng phòng để chuyển cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra, giải quyết;
 
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản này thì phân công cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết theo quy định của Thông tư này.
 
Khoản 8, Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA Quy định: “Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, xác minh phải thường xuyên kiểm tra thông tin về tình trạng tổn thương cơ thể, đánh giá sơ bộ thiệt hại về tài sản, báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị chỉ đạo phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để đảm bảo việc giải quyết theo đúng quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.
 
Như vậy, theo quy định điểm b, khoản 7 và khoản 8 Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA nêu trên, thì vụ việc tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì công tác khám nghiệm hiện trường đều do cán bộ Cảnh sát giao thông tiến hành (thành phần khám nghiệm hiện trường đều không có kiểm sát viên tham gia khám nghiệm) theo Thông tư và theo thủ tục hành chính năm 2012. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều trường hợp sau thời hạn 07 ngày người bị hại chết hoặc có kết luận giám định bị tổn hại 01 người từ 61% sức khỏe trở lên hoặc 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % sức khỏe trở lên hoặc có kết luận định giá tài sản bị thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (đối với Cơ quan điều tra cấp huyện) hoặc đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông) để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, các tài liệu điều tra, xác minh ban đầu đều không được thực hiện đúng trình tự, thủ tục tại Chương VI “Chứng minh và chứng cứ” và Chương XIV “Khám nghiệm hiện trường” của BLTTHS năm 2015 và điểm a, khoản 7 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA.
 
Ví dụ: tại khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử kiểm sát viên viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để khám nghiệm hiện trường”. Như vậy, trong trường hợp việc tổ chức khám nghiệm hiện trường không có điều tra viên chủ trì, kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường có thể dẫn đến nhiều sai sót trong việc thu thập xác định vị trí tang vật, phương tiện, dấu vết…, liên quan đến tai nạn giao thông mà hiện trường đã bị xáo trộn, vật chứng, dấu vết không thu giữ được dẫn đến khó khăn trong công tác điều tra, xác minh và thực nghiệm điều tra sau này theo Điều 204 BLTTHS.
 
Tại điểm k, l khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSTC-TANDTC- BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là TTLT số 02/2017) về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:
 
“k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
 
l) Biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà không chuyển cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 của Bộ luật Tố tụng Hình sự”.
 
Từ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, thụ lý, phân loại xử lý nguồn tin về tội phạm ban đầu không đúng dẫn đến tình trạng việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án hình sự không đúng trình tự, thủ tục, vi phạm nghiêm trọng các quy định của BLTTHS. Liên ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhận thức thống nhất trong việc phối hợp tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ, việc tai nạn giao thông đường bộ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
 
                 Cấn Văn Tuấn - VKSND huyện Hàm Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top