Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 8864

   Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra Công an huyện Lâm Bình


Thứ ba - 27/10/2020 23:18
 
Điều tra là hoạt động tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án một cách toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.

 
Hoạt động điều tra được thực hiện bằng các biện pháp điều tra khác nhau theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định như: hỏi cung bị can, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác, đối chất, nhận dạng, khám xét, thu giữ vật chứng, tài liệu, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định và định giá tài sản, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
 
Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra được quy định tại Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), khi tiến hành hỏi cung bị can Điều tra viên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà pháp luật đã đề ra.
 
Điều 183. Hỏi cung bị can
 
“… 6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh.
 
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
 
Để thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của BLTTHS,  Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
 
Như vậy, BLTTHS quy định khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra bắt buộc phải thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh. Theo đó đối với các vụ án có bị can tạm giam hoặc bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (không phải biện pháp ngăn chặn tạm giam) khi Điều tra viên thực hiện việc hỏi cung bị can Nhà Tạm giữ, Trại Tạm giam (đối với bị can bị tạm giam) và tại trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT) đều phải thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh nếu Điều tra viên không thực hiện quy định này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
 
Tuy nhiên trên thực tế tại huyện Lâm Bình nói riêng và các CQĐT cấp huyện nói chung, việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại Nhà Tạm giữ, Trại Tạm giam hoặc tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) kể từ ngày 01/01/2020 gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định này vì những lý do sau:
 
Thứ nhất, CQĐT Công an huyện Lâm Bình chưa được trang bị bất cứ phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, như: Thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác…
 
Thứ hai, Công an huyện Lâm Bình chưa được xây dựng Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở CQĐT…
 
Thứ ba, Về đội ngũ cán bộ, hiện nay CQĐT Công an huyện Lâm Bình chưa có cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật và sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, có trách nhiệm quản lý hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và bảo quản, lưu trữ kết quả dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
 
Do vậy, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại Nhà Tạm giữ, Trại Tạm giam hoặc tại trụ sở CQĐT Công an huyện Lâm Bình là một thách thức lớn, khó có khả năng thực hiện bởi các lý do trên.
 
Hiện nay, CQĐT Công an huyện Lâm Bình chỉ mới thực hiện được việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can trong một số vụ án khi bị can khai báo quanh co, gian dối, chối tội… Để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại Nhà Tạm giữ, trụ sở CQĐT, trước khi thực hiện CQĐT Công an huyện Lâm Bình phải ra văn bản đề nghị Công an tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh cử cán bộ kỹ thuật, sử dụng thiết bị hỗ trợ, thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở CQĐT và Nhà Tạm giữ Công an huyện (đối với các bị can đang bị tạm giam hoặc bị can không tạm giam mà hỏi cung tại trụ sở CQĐT Công an huyện). Sau khi ghi âm hoặc ghi hình, cán bộ kỹ thuật sao lưu ra đĩa CD và giao lại cho Điều tra viên để chuyển theo hồ sơ vụ án, còn bản gốc thì không thể hiện trên hồ sơ là cơ quan nào quản lý và lưu, lưu tại máy chủ nào, thời gian lưu, cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh không thuộc biên chế của CQĐT Công an huyện Lâm Bình… như vậy cách thức thực hiện như hiện nay của CQĐT Công an huyện Lâm Bình chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm và chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ và tại trụ sở CQĐT.
 
Từ những khó khăn, vướng măc trên, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tuyên Quang cần có những biện pháp, giải pháp chỉ đạo CQĐT, Viện kiểm sát cấp huyện để việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can chấp hành đúng quy định tại Điều 183 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BQP.
 
Đàm Như Hiển - VKS Lâm Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top