Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 4600

   Những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong việc định giá tài sản


Thứ tư - 04/05/2016 21:24
 
          Theo quy định tại khoản 1, điều 3 Bộ luật hình sự thì “mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Trên thực tế hiện nay còn có hành vi vi phạm pháp luật chưa xử lý được do sự bất cập trong áp dụng pháp luật. Cụ thể trên địa bàn huyện Yên Sơn xảy ra một số vụ việc về cố ý hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác tuy có dấu hiệu của vụ án hình sự nhưng do vướng mắc trong việc định giá tài sản dẫn đến không thể xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính được mặc dù giá trị tài sản thực tế là tương đối lớn. Ở khía cạnh bài viết này, tôi xin đưa ra một vụ việc cụ thể để bạn đọc cùng tham khảo, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm xử lý đối với những vụ việc như sau hoặc những vụ việc tương tự.
 
          Về nội dung vụ việc: Ngày 14/12/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Yên Sơn nhận được đơn tố giác tội phạm của anh Trần Văn B, trú tại xóm phố Lang Quán, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang với nội dung: Anh B có một chiếc máy trò chơi điện tử (máy bắn cá) gửi tại nhà anh Lê Xuân T, trú tại xóm 14, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng 08 giờ ngày 11/12/2015, Nguyễn Văn A, trú tại xóm 11, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn đến nhà T chơi, do phát sinh mâu thuẫn, Nguyễn Văn A đã có hành vi dùng búa đinh đập làm vỡ màn hình máy bắn cá. Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành điều tra xác minh và đủ cơ sở kết luận Nguyễn Văn A có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của anh B.
 
          Tuy nhiên trong quá trình giải quyết đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trưng cầu định giá tài sản ở cả hai cấp. Qua hai lần tiến hành trưng cầu định giá, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp huyện và cấp tỉnh không có căn cứ để xác định được giá trị của tài sản bị thiệt hại do qua thực tế khảo sát trên thị trường hiện nay không có chủng loại hàng hóa (máy điện tử bắn cá); tài sản không có nguồn gốc hợp pháp, không có hóa đơn, chứng từ mua bán.
 
          Do không định giá được tài sản nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để khởi tố Nguyễn Văn A về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS và cũng không có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính đối với A về hành vi vi phạm, bởi vì theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản ngoại trừ các yếu tố cấu thành cơ bản của điều luật thì yếu tố giá trị tài sản phải là từ hai triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu trị giá tài sản dưới hai triệu đồng và không có các yếu tố cấu thành cơ bản khác thì hành vi đó phải bị xử phạt vi phạm hành chính.      
 
          Đối với thiệt hại về tài sản của anh Trần Văn B, anh B khai mua chiếc máy điện tử bắn cá ở Hà Nội vào tháng 02/2015 với giá 33.000.000đ (không có giấy tờ). Trước khi bị A đập vỡ, máy vẫn hoạt động bình thường.
 
          Như vậy, hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của Nguyễn Văn A trên thực tế đã xảy ra. Nhưng do không thể định giá được giá trị tài sản nên không có căn cứ để xử lý A cả về hình sự lẫn hành chính, mặc dù giá trị tài sản thực tế là có và đã bị xâm hại. Đây chính là vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải có những hướng dẫn cụ thể bởi vì trên thực tế có rất nhiều loại tài sản có giá trị nhưng do thiếu hóa đơn, chứng từ hoặc là loại tài sản, hàng hóa đặc chủng, không phổ biến dẫn đến không thể định giá được. Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của Nguyễn Văn A sau đó được chuyển giải quyết bằng một vụ việc dân sự.
 
          Vậy, hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của Nguyễn Văn A sẽ phải xử lý như thế nào cho thỏa đáng? Theo quy định của pháp luật, hành vi của Nguyễn Văn A là nguy hiểm cho xã hội, tải sản đã bị xâm hại và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự... nhưng do không xác định được giá trị tài sản dẫn đến phải giải quyết bằng một vụ kiện dân sự… và trong trường hợp này quyền sở hữu về tài sản của công dân sẽ được pháp luật bảo vệ như thế nào? Theo tôi, cấp có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn cụ thể về loại tội phạm này để có những biện pháp xử lý thống nhất, triệt để, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và cần có sự điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ và Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế.
 
          Trên đây là một số nhưng vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật, chúng tôi xin đưa ra để bạn đọc cùng tham khảo, trao đổi.
 
Nguyễn Xuân Hùng     
Tổng số điểm của bài viết là: 37 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top