Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3079

   Vướng mắc, bất cập trong việc kiểm sát về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí; nghĩa vụ chịu án phí các vụ án dân sự


Thứ ba - 04/05/2021 19:59
      Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự nhận thấy việc kiểm sát về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí;  nghĩa vụ chịu án phí theo quy định tại Điều 146 và Điều 147 BLTTDS, đặc biệt là các trường hợp được miễn, giảm nộp tiền tạm ứng án phí, án phí… và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án còn một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể:
      Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
      1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
      …
      đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
      2. …
      Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
      Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án, án phí, lệ phí Toà án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp cho Toà án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn giảm.
      Như vậy theo quy định nêu trên thì những trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí bắt buộc phải có đơn đề nghị nộp cho Toà án, tuy nhiên trên thực tiễn thì những trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 là trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… họ không hiểu biết hoặc nhận thức pháp luật còn hạn chế, không được hướng dẫn, giải thích nên đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm nhưng không có đơn dẫn đến không được xem xét miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án, án phí, lệ phí Toà án theo quy định.
Khi thụ lý, giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công không giải thích, hướng dẫn cho đương sự, nhưng không có quy định nào ràng buộc đối với trách nhiệm của thẩm phán dẫn đến có vụ án đương sự chỉ cần nộp tài liệu chứng minh là hộ nghèo, người cao tuổi, người có công với cách mạng … thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã xét miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí cho họ, nhưng có Thẩm phán thì xác định do đương sự không có đơn nên không xem xét miễn, giảm.
      Tại công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao, thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử đã nêu “…nếu đương sự không có đơn đề nghị thì việc Toà án quyết định đương sự phải chịu án phí là không vi phạm”.
      Do đó công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự còn gặp khó khăn nhất định như:
      - Trường hợp: Đương sự nộp sổ hộ nghèo, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để xác định đương sự là người cao tuổi; giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ … Đây chính là tài liệu thể hiện đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, do vậy căn cứ vào các tài liệu trên Thẩm phán xét miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí cho họ là có căn cứ.
      - Trường  hợp: Những tài liệu mà đương sự đã nộp nêu trên nhưng đương sự không có đơn (do không hiểu biết, không được giải thích) Thẩm phán không xét miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí cho họ vì không đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Những trường hợp nêu trên, Viện kiểm sát không thể thực hiện việc kiến nghị hoặc kháng nghị vì trường hợp không có đơn nhưng đương sự có đủ căn cứ chứng minh họ thuộc đối tượng được miễn giảm tạm ứng án phí, án phí theo quy định. Trường hợp không có đơn đề nghị, thẩm phán không xem xét miễn giảm tạm ứng án phí, án phí là không vi phạm, nhưng quyền lợi của đương sự sẽ bị ảnh hưởng.
      Từ những thực tiễn nêu trên, thấy rằng việc xem xét miễn giảm tạm ứng án phí, án phí Toà án trong từng vụ án được các thẩm phán áp dụng khác nhau, đề nghị các cơ quan liên ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn có ràng buộc trách nhiệm đối với thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án để các đương sự được hướng dẫn, giải thích đảm bảo quyền lợi cho đương sự và việc thực hiện áp dụng pháp luật được thống nhất.
         
Ngô Thị Vỹ -  Phòng 9, Viện KSND tỉnh
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top