Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự

Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhận thấy: việc kiến nghị khắc phục vi phạm là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiếu sót, tồn tại, đề ra những giải pháp phối hợp tốt hơn, phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhận thấy: Việc kiến nghị khắc phục vi phạm là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiếu sót, tồn tại, đề ra những giải pháp phối hợp tốt hơn, phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.

Năm 2019, ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã kiểm sát 5.763 việc/200.078.827.000đ (trong đó số mới thụ lý là 4.078 việc/110.928.858.000đ). Ủy thác thi hành án 42 việc/6.337.437.000đ. Tổng số phải thi hành 5.721 việc/193.741.390.000đ. Kết quả xác minh, phân loại có 4.218 việc/67.308.501.000đ có điều kiện thi hành và 1.503 việc/126.432.889.000đ chưa có điều kiện thi hành án. Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 3.696 việc/29.970.404.000đ. Số việc chuyển kỳ sau là 2.025 việc/163.770.986.000đ.

Qua công tác kiểm sát đã phát hiện vi phạm và ban hành 07 kiến nghị đối với cơ quan Thi hành án, 04 kiến nghị đối với cơ quan Tòa án. Những vi phạm được phát hiện chủ yếu là: Chậm xác minh điều kiện thi hành án; chậm gửi quyết định về thi hành án cho Viện kiểm sát; vi phạm trong việc ban hành quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; vi phạm cơ quan Tòa án chậm chuyển giao bản án có hiệu lực cho cơ quan Thi hành án và kiến nghị nội dung trong quyết định thi hành án còn nhầm lẫn chưa đầy đủ căn cứ pháp luật.

Các kiến nghị của Viện kiểm sát hai cấp đã chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, tồn tại trong công tác tổ chức, quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự; những dạng vi phạm phổ biến, thường xuyên trong hoạt động thi hành án; phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, qua đó kịp thời kiến nghị đối với cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan Tòa án và các cấp có thẩm quyền xử lý, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Thông qua các kiến nghị Viện kiểm sát hai cấp đã phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến vi phạm và nêu các giải pháp yêu cầu khắc phục được cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án chấp nhận, tiếp thu. Các kiến nghị của Viện kiểm sát đã có những tác động tích cực trong công tác thi hành án dân sự.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm sát tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh

Để nâng cao chất lượng kiến nghị đối với cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan hữu quan trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thông qua hoạt động công tác, tôi nhận thấy cần phải có một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự phải thường xuyên kiểm sát chặt chẽ các quyết định thi hành án ngay từ đầu, xem xét nội dung của quyết định và so sánh nội dung bản án, quyết định của Tòa án có đúng hay không; đối với các việc thi hành án có khiếu nại của đương sự, chủ động kịp thời ban hành văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ để thực hiện kiểm sát. Đối với những trường hợp phát hiện vi phạm thông qua hoạt động trực tiếp kiểm sát cần kịp thời lập biên bản xác định thời điểm xảy ra việc vi phạm. Khi phát hiện có vi phạm, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu phải báo cáo lãnh đạo để có hướng xử lý kịp thời, đồng thời đề xuất quan điểm xử lý và có ý kiến bằng văn bản.

Hai là, Kiểm sát thường xuyên, chặt chẽ quyết định thi hành án và quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên; kịp thời phát hiện vi phạm của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án để kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ba là, Trước khi ban hành kiến nghị cần thu thập đầy đủ, chính xác các tài liệu để xem xét, cân nhắc, chỉ kiến nghị đối với những vi phạm pháp luật đã rõ về căn cứ pháp luật; nội dung kiến nghị cần ngắn gọn, rõ ràng, đề ra các biện pháp để cơ quan Thi hành án dân sự dễ thực hiện. Đối với những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì Viện kiểm sát chưa ban hành kiến nghị mà nên báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên để được hướng dẫn.

Bốn là, Nội dung kiến nghị phải được thực hiện đúng quy định tại Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Văn bản kiến nghị phải có nội dung rõ ràng, phân tích, chứng minh đầy đủ căn cứ. Phần nhận định cần xác định và chỉ rõ vi phạm pháp luật, hệ quả của vi phạm, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức…, vi phạm điều, khoản cụ thể của luật hoặc các văn bản pháp lý có liên quan và viện dẫn chính xác điều khoản này để làm rõ vi phạm. Phần kết luận cần nêu rõ yêu cầu đối với đối tượng bị kiến nghị nhằm khắc phục vi phạm.

Năm là, Tăng cường việc phúc tra thực hiện các kiến nghị của Viện kiểm sát, những nội dung của kiến nghị được chấp nhận phải yêu cầu cơ quan liên quan khắc phục kịp thời, nếu có khó khăn vướng mắc thì phải giải trình bàn biện pháp liên ngành cùng phối hợp giải quyết.

Tăng cường kiểm tra hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố. Tổng hợp theo dõi các văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố để kịp thời phát hiện những sai sót, tồn tại, thông báo rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thi hành án dân sự.

Trên đây là quan điểm cá nhân về một số giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Rất mong nhận dược sự quan tâm đóng góp của các đồng chí, đồng nghiệp.

 
Ngô Thị Hảo - Phòng 11 VKSND tỉnh