Trang nhất » Tin Tức » Tin tức cập nhật » Tin bầu cử

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 1522

   Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam


Thứ năm - 13/05/2021 10:59
       
      Ngày 17/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về ngày bầu cử đại biểu Quốc Hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là ngày chủ nhật, ngày 23/5/2021. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, là ngày hội toàn dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở việc lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
      Xác định quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân nên Đảng, Nhà nước luôn luôn tôn trọng, bảo vệ quyền được bầu cử, lợi ích hợp pháp của người dân trong đó có những người bị tạm giữ, tạm giam cũng thực hiện quyền bầu cử. 
      Quyền bầu cử của công dân được quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 như sau“Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”  và  Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.
      Với tính chất quan trọng của việc bầu cử, các quy định pháp luật về quyền bầu cử rất rõ ràng nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong việc tham gia bầu cử đặc biệt đối với những người đang bị tạm giữ, tạm giam. Về pháp lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa bị coi là có tội theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
      Để đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật cũng như thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Quan tâm, bảo vệ quyền của con người thông qua công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hình án hình sự…”, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam (cơ sở giam giữ) như sau:
      Thứ nhất: Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải xác định rõ kiểm sát đảm bảo quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2021. Khi tiến hành kiểm sát cần lưu ý kiểm sát cơ sở giam giữ trong việc phổ biến, hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người, trong đó có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, kiểm sát kỹ việc thông tin của cơ sở giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngay từ khi tiếp nhận người bị tạm giữ tạm giam vào cơ sở giam giữ và trong quá trình quản lý giam giữ. Việc phổ biến, hướng dẫn, thông tin phải được thể hiện trong hồ sơ sổ sách, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
      Thứ hai: Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát thường xuyên, định kỳ tại cơ sở giam giữ, cán bộ, Kiểm sát viên cần chú trọng kiểm sát việc đảm bảo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử của mình theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Về quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định tại điểm b,  Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân”.
      Về danh sách cử tri được quy định tại khoản 5, Điều 29 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đai biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”
      Về nguyên tắc bỏ phiếu được quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 “Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”.
      Quá trình kiểm sát, cán bộ, Kiêm sát viên cần có sự phối hợp và kiểm sát chặt chẽ đối với cơ sở giam giữ trong việc đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam ngay từ khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho đến ngày bầu cử để đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam; việc cơ sở giam giữ phối hợp với địa phương thực hiện các trình tự, thủ tục theo các bước cuộc bầu cử có đúng quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 hay không. Lưu ý kiểm sát việc đảm bảo an toàn khi tổ chức bầu cử và đảm bảo các cử tri đang bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền lợi chính đáng như người bị tạm giữ, tạm giam có được nắm rõ các thông tin, danh sách người ứng cử, quy định, thể lệ bầu cử và thực hiện bỏ phiếu đúng quy định công bằng dân chủ không.
      Thứ ba: Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; Hội đồng bầu cử địa phương trong việc kiểm sát cơ sở giam giữ lập danh sách cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, niêm yết danh sách cử tri và danh sách người ứng cử tại cơ sở giam giữ theo quy định tại Điều 29, 30, 32, 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; đối chiếu danh sách người bị tạm giữ tạm giam hiện có trong hồ sơ, sổ sách với Danh sách cử tri để phát hiện những trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có quyền bầu cử nhưng không có tên trong danh sách cử tri hoặc những người không có quyền bầu cử lại đưa vào danh sách cử tri. Kịp thời yêu cầu cơ sở giam giữ đưa vào danh sách cử tri hoặc xoá tên trong danh sách cử tri. Nhất là gần đến ngày bầu cử phải kiểm sát chặt chẽ danh sách cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam không cố định cho đến ngày bầu cử, do tính chất đặc thù sự thay đổi từng ngày như nhập mới hoặc xóa tên khi bản án có hiệu lực hay được thay đổi biện pháp ngăn chặn khác vì vậy phải thường xuyên kiểm sát, theo dõi thay đổi danh sách cử tri đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
      Lưu ý khi kiểm sát cần kiểm tra kỹ những trường hợp phải xoá tên trong danh sách cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam mà trước đó đã bị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật Toà án tước quyền bầu cử; là phạm nhân được trích xuất về cơ sở giam giữ để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; là người mất năng lực hành vi dân sự; người bị tạm giữ, tạm giam được trả tự do trước thời điểm tiến hành bỏ phiếu.

      Quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Người bị tạm giam, tạm giữ là những người bị tình nghi và đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tạm giữ, tạm giam và chưa bị xem là tội phạm, vì vậy kiểm sát việc bảo đảm quyền bầu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt chức năng, vai trò của Ngành kiểm sát nhân dân. Nâng cao chất lượng kiểm sát đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam của ngành Kiểm sát sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả về quyền con người, quyền công dân được pháp luật quy định, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử sắp tới trên cả nước. Hướng đến ngày 23/5/2021, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mỗi một người dân được thực hiện quyền nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, trong đó có các cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo quyền bầu cử theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
                               
                                                 Đào Thị Hảo - Phòng 8, Viện KSND tỉnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top