Công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có vai trò hết sức quan trọng; đây là giai đoạn mở đầu cho các giai đoạn và hoạt động tố tụng tiếp theo; các hoạt động tố tụng ban đầu ở đây như: Thu thập thông tin, tài liệu ban đầu; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản (khoản 3 điều 147). Việc thu thập dấu vết, chứng cứ khách quan ban đầu có ý nghĩa quyết định trong việc chứng minh tội phạm; thực tế cho thấy có vụ việc làm sơ sài công tác này dẫn đến giai đoạn sau khó có thể khắc phục được, thậm chí không thể khắc phục được; đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, quy định rất nhiều điểm mới, chi tiết về quy trình, thời gian, thời hạn, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (từ điều 144 đến điều 150, điều 159, 160); đặc biệt Viện kiểm sát có trách nhiệm trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan Điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục (điểm c khoản 3 điều 145).
Viện kiểm sát Thành phố là đơn vị trung tâm của tỉnh, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang; là đơn vị có số lượng thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhiều hơn so với các huyện trong tỉnh. Năm 2017 thụ lý kiểm sát 263 tin, đã giải quyết 241 tin (đạt 91,63%); không có tin quá hạn; trong năm, đã tiến hành trực tiếp kiểm sát 01 cuộc; qua công tác kiểm sát phát hiện thiếu sót, vi phạm đã kịp thời ban hành 02 kiến nghị đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố.
Công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng quan tâm, thực hiện sự chỉ đạo chung của toàn ngành, trực tiếp đồng chí Viện trưởng phụ trách công tác này; đơn vị phân công 01 đồng chí Kiểm sát viên có năng lực thường xuyên nắm tình hình, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam (hằng ngày) với đồng chí Kiểm sát viên kiểm sát tố giác, tin báo tội phạm; thực hiện nghiêm việc trực nghiệp vụ đối với lãnh đạo và Kiểm sát viên, đảm bảo tham gia kiểm sát 100% các cuộc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; phân loại xử lý kịp thời; những vụ việc phức tạp, Kiểm sát viên thực hiện tham gia lấy lời khai ngay từ giai đoạn này. Kết quả năm 2017, 100% các vụ án được Viện kiểm sát phê chuẩn đều đảm bảo đúng quy định, không có án oan, sai (tổng thụ lý kiểm sát điều tra 277 vụ/261 bị can).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, cũng nghiêm túc nhìn nhận hạn chế trong trong công tác này cần khắc phục; năm 2017 đơn vị phải giải quyết 01 vụ việc tai nạn giao thông xảy ra từ những năm trước, trên cơ sở những tài liệu chứng cứ thu thập ban đầu, xác định chất lượng khám nghiệm hiện trường chưa cao: Không phản ảnh và thu thập hết các dấu vết, dẫn đến phải thực nghiệm nhiều lần, khó khăn trong việc xác định lỗi. Đây là lỗi chủ quan của Điều tra viên và Kiểm sát viên, thiếu sót xuất phát từ nhận định ban đầu, cho rằng va chạm nhẹ, hậu quả không lớn, chỉ dừng ở mức hành chính, dẫn đến làm sơ sài. Qua giải quyết vụ việc trên, đơn vị đã họp kiểm điểm xác định nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân và coi đây là bài học sâu sắc trong việc thu thập các dấu vết, chứng cứ khách quan ban đầu.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và hạn chế nêu trên, đặc biệt gắn với việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Ngay từ đầu năm, VKSND thành phố Tuyên Quang đã đưa ra những giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử án hình sự. Trong đó xác định giải pháp “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố - Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” là quan trọng nhất, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các giải pháp cụ thể như sau:
1. Trước hết, tổ chức sinh hoạt chuyên đề để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nắm chắc các quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; gắn với tổng hợp các thiếu sót đã xảy ra và dễ xảy ra trong công tác này để rút kinh nghiệm. Đồng thời quán triệt thực hiện Quy chế của ngành, Quy chế phối hợp về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của ngành, trực tiếp Viện trưởng phụ trách công tác này. Phân công Kiểm sát viên có năng lực nắm tình hình, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam (hằng ngày) với đồng chí Kiểm sát viên kiểm sát tố giác, tin báo tội phạm.
3. Đảm bảo 100% các cuộc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi có Kiểm sát viên tham gia; nâng cao chất lượng khám nghiệm, ngay sau mỗi cuộc khám nghiệm, Kiểm sát viên thực hiện báo cáo kết quả bằng phiếu đề xuất, lãnh đạo nghe trực tiếp và có ý kiến chỉ đạo cụ thể.
4. Đối với những vụ việc phức tạp: Kiểm sát viên tham gia lấy lời khai ngay từ giai đoạn này; lãnh đạo Viện, ngoài việc nghe báo cáo, phải trực tiếp đọc hồ sơ, gắn với kiểm tra việc lập hồ sơ và nhật ký kiểm sát. Thực hiện chủ trương “nhiều người làm việc khó, ít người làm việc dễ”- tăng cường số lượng, chất lượng Kiểm sát viên tham gia kiểm sát; khi Kiểm sát viên báo cáo đề xuất giải quyết, đồng thời gửi 01 bản đề xuất cho các đồng chí lãnh đạo phụ trách các khâu công tác khác cho ý kiến phản biện (phương pháp đang thực hiện: Chỉ giữa Kiểm sát viên và đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách).
5. Hằng tháng, nắm tình hình 13/13 Công an xã, phường trên địa bàn thành phố về việc thực hiện tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (khoản 3 điều 146); trên cơ sở đó đối khớp vụ việc thụ lý, giải quyết với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố. Quá trình tiến hành trực tiếp kiểm sát, mở rộng tới Công an xã, phường.
6. Đối với những vụ việc thuộc trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết: Phân công Kiểm sát viên có năng lực; xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh - lãnh đạo duyệt; mọi nội dung xác minh thực hiện báo cáo ngay kết quả trong ngày (trường hợp cần thiết thực hiện báo cáo nhanh). Phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân dân tỉnh trong suốt quá trình giải quyết, báo cáo và bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện tỉnh.
7. Quá trình kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và chuyển ngay thông tin, tài liệu các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của Viện kiểm sát.
9. Định kỳ hằng quý, tổ chức họp liên ngành đánh giá rút kinh nghiệm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Trên đây là nội dung về “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố - Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tuyên Quang. Tôi xin được trao đổi cùng các đồng chí.
Nguyễn Tiến Đường