Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Chuyên đề nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3375

   Chuyên viên VKSND huyện Sơn Dương báo cáo chuyên đề kỹ năng kiểm sát các Bản án, Quyết định về HNGĐ của Tòa án.


Thứ sáu - 09/02/2018 16:00

          Kinh tế - Xã hội ngày càng phát triển kéo theo các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình cũng có chiều hướng gia tăng, số lượng vụ việc dân sự Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương thụ lý hằng năm tăng, cụ thể: năm 2015 thụ lý 312 vụ, năm 2016 thụ lý 362 vụ, năm 2017 thụ lý 391 vụ. Để nâng cao chất lượng khâu công tác này, tôi chọn chuyên đề “Kĩ năng kiểm sát các Bản án, Quyết định HNGĐ của Tòa án” để nghiên cứu. Thông qua chuyên đề, tôi sẽ làm rõ hơn những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, đồng thời tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc để đề xuất các biện pháp thực hiện tốt chức năng Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

          I. CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN

          Tại Điều 107 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

          Tại Khoản 4, Điều 27 Luật tổ chức Viện kiểm sát quy định về: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Khoản 5 Điều 58 BLTTDS năm 2015 cũng quy định rõ về Nhiệm vụ, Quyền hạn của Kiểm sát viên là:  Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

          Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

        Thông tư liên tịch số 02 ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao Quy định về “Việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

          II. THỰC TRẠNG NHỮNG THIẾU SÓT CỦA TÒA ÁN THƯỜNG GẶP

         Các vấn đề phải giải quyết đối với loại án hôn nhân và gia đình gồm: quan hệ hôn nhân, con chung, quan hệ tài sản.

         Tòa án thường gặp thiếu sót trong việc giải quyết phần tài sản; về thời hạn chuyển giao quyết định, bản án giải quyết vụ án hôn nhân gia đình cho VKS cùng cấp; lãi suất nếu Đương sự chậm nộp tiền cấp dưỡng nuôi con; quyền và nghĩa vụ của Đương sự đối với con chung sau khi li hôn.

          III. K NĂNG CÔNG TÁC KIỂM SÁT BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC HNGĐ CỦA TÒA ÁN

          Khi kiểm sát Bản án, Quyết định cần chú ý: Hình thức, nội dung của BA, QĐ.

          1. Đối với Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và thoả thuận của các đương sự (Điều 212 BLTTDS năm 2015)

          “Công nhận” nghĩa là việc mọi người đều thừa nhận, đều cho là đúng. Khi phiên hòa giải kết thúc, các bên Đương sự đã tìm ra tiếng nói chung, đã thỏa thuận được với nhau việc giải quyết vụ việc một cách phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên và đã được ghi trong biên bản hòa giải. Trong thời hạn 07 kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có Đương sự nào thay đổi ý kiến thì Thẩm phán ban hành Quyết định công nhận sự thuận tình li hôn và thoả thuận của các đương sự.

        Đối với loại QĐ này, cần chú ý như sau:

          - Thứ nhất: Thẩm quyền ban hành Quyết định là Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải chứ không nhất thiết là Thẩm phán được Chánh án phân công thụ lí vụ việc dân sự đó. Còn tại phiên tòa thì thẩm quyền ban hành Quyết định này là Hội đồng xét xử;

        - Thứ hai: Trong thời hạn 05 ngày làm việc TA phải gửi Quyết định này cho VKS cùng cấp và các đương sự;

        - Thứ ba: Cần lưu ý là Thẩm phán chỉ được ban hành Quyết định này nếu Đương sự thỏa thuận được với nhau toàn bộ nội dung vụ án; Mặt khác, việc hòa giải nếu thỏa thuận được với nhau về toàn bộ nội dung vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những Đương sự có mặt trong phiên hòa giải mà việc thỏa thuận này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Đương sự vắng mặt thì TP mới được quyền ban hành loại QĐ này;

          - Thứ tư: QĐ này được TP ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí so với quy định; Còn QĐ này được HĐXX ban hành trong giai đoạn xét xử thì Đương sự vẫn phải chịu toàn bộ  mức án phí theo pháp luật quy định, trừ trường hợp được miễn, giảm án phí. Cần lưu ý thêm nữa là Nguyên đơn trong vụ án ly hôn là người bắt buộc phải chịu án phí ly hôn, còn trong vụ án có tài sản chung thì án phí được tính theo phần án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch (việc tính án phí được thực hiện theo quy định tại Nghị Quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí của Tòa án).

          - Thứ năm: Đối với QĐ này VKS cùng cấp chỉ có quyền Kiến nghị khi phát hiện vi phạm chứ không có thẩm quyền Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Đương sự thì VKS cùng cấp phải báo cáo VKS cấp trên để thực hiện thủ tục kháng nghị theo thẩm quyền.

          2. Bản án sơ thẩm (Quy định tại Điều 266 BLTTDS năm 2015)

          BA dân sự sơ thẩm là văn kiện được tuyên nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, khi có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

          Khi thực hiện chức năng Kiểm sát BA dân sự cần lưu ý những điểm sau:

          - Thứ nhất: Thẩm quyền ban hành BA thuộc về HĐXX;

          - Thứ hai: Thời hạn TA gửi BA cho VKS cùng cấp và các Đương sự là 10 ngày, kể từ ngày tuyên án.

          - Thứ ba: Kiểm sát phần mở đầu của BA như số BA, ngày tháng năm ban hành BA, ngày tháng năm mở phiên tòa; Thông tin người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; Quan hệ pháp luật tranh chấp; Sự có mặt của người tham gia tố tụng,…

          Thực tế thiếu sót của Tòa án thường gặp là không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vào tham gia tố tụng khi giải quyết vụ án. Đặc biệt các vụ án li hôn có tranh chấp về tài sản chung có liên quan đến việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án thường không đưa UBND huyện vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra Tòa án cũng thường nhầm lẫn trong việc ngày tháng năm Tòa án ban hành Bản án và ngày tháng năm Tòa án mở phiên tòa (trong trường hợp phiên tòa kéo dài nhiều ngày).

          Ví dụ: Trường hợp của ông Nông Văn B và bà Nguyễn Thị C, ông B trong quá trình hòa giải có yêu cầu tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông B và bà C với lí do là thửa đất đó là tài sản riêng của ông, quá trình giải quyết, Tòa án đã không đưa UBND huyện vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chỉ đến khi VKS cùng cấp yêu cầu Tòa án mới thực hiện.

          - Thứ tư: Kiểm sát phần nội dung của bản án thì cần lưu ý: TA trình bày lời khai của các đương sự có phù hợp không, các biên bản xác minh, thẩm định, định giá, hòa giải có đúng ngày tháng năm, nội dung hay không; Nhận định của HĐXX có phù hợp, có căn cứ hay không;

          Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không tồn tại, mục đích hôn nhân không đạt được, thì phải căn cứ vào tình trạng cuộc sống hôn nhân hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng hay chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được (theo Khoản 3, Điều 56 luật HNGĐ).

          Ví dụ: Ông Nguyễn Văn S khởi kiện yêu cầu ly hôn với bà Vi Thị L, quá trình hòa giải, bà L không nhất trí ly hôn với ông S. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông S do xác định không có mâu thuẫn, cuộc sống hôn nhân vẫn còn tồn tại. Ông S có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau khi kháng cáo, ông S đưa ra các chứng cứ như: Ông S đi làm xa nhà khoảng 03 năm nay, không mấy khi về nhà, không quan tâm, chăm sóc bà L nữa. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy rằng, trong quá trình giải quyết sơ thẩm, Tòa án chỉ xác minh tại địa phương nơi bà L sinh sống về cuộc sống hôn nhân giữa bà L và ông S thể hiện không có mâu thuẫn gì, không thể hiện được việc ông S và bà L đã có cuộc sống li thân trong thời gian 03 năm. Như vậy, Tòa án tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông S là không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông S.

          Ngoài ra, thực tiễn tại địa phương, rất nhiều trường hợp Tòa án phải qua hai lần giải quyết, phải bằng hai quyết định hoặc bản án của Tòa mới giải quyết dứt điểm một vụ án Hôn nhân và Gia đình, chưa tính đến vụ án phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Bởi khi đương sự làm đơn xin ly hôn, hoặc là do đương sự tự nguyện, hoặc là do ngại vụ án phức tạp, kéo dài nên thường Tòa án hướng dẫn đương sự yêu cầu giải quyết mối quan hệ hôn nhân và con chung trước, còn phần tài sản thì hoặc là không yêu cầu giải quyết hoặc là để lại giải quyết sau. Về nguyên tắc của pháp luật dân sự ở nước ta và nhiều nước cho thấy, Tòa án phải tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, đương sự yêu cầu đến đâu, Tòa án giải quyết đến đó. Vấn đề ở chỗ, nhiều trường hợp do người dân không am hiểu pháp luật, cán bộ Tòa án đã giải thích cho đương sự theo hướng giải quyết từng phần (điều này có lợi cho cán bộ TA được phân công giải quyết), dẫn đến bản án không giải quyết hết những nội dung còn tranh chấp.

          Ví dụ: Ngày 25/8/2016 Tòa án địa phương S ra quyết định thuận tình ly hôn và công nhận sự thỏa thuận của các Đương sự giữa ông Nông Văn B và bà Nguyễn Thị C, theo đó công nhận sự thuận tình ly hôn giữa ông B và bà C; về phần tài sản chung ghi: Không yêu cầu Tòa án giải quyết, chúng tôi tự thỏa thuận; Ngày 01/12/2017, ông Nông Văn B có yêu cầu phân chia lại tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tòa án tiếp tục thụ lý vụ việc tranh chấp với quan hệ pháp luật là Kiện chia tài sản trong thời kì hôn nhân. Kiểm tra lại hồ sơ vụ án ban đầu thì không có chứng cứ phản ánh việc các đương sự không yêu cầu giải quyết đối với khối tài sản chung. Việc giải quyết của Tòa án không triệt để đã dẫn đến vụ việc trên kéo dài và phải giải quyết bằng hai Quyết định, bản án khác nhau.

          Về tranh chấp là công nợ chung, Tòa án thường có vi phạm là không xác định số công nợ chung đó được các đương sự hay một đương sự vay, được vay trong thời gian nào,vay trong thời gian cuộc sống hôn nhân còn tồn tại hay trong thời gian đã sống li thân, Tòa án thường vi phạm vấn đề này trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến một thói quen thường gặp là cứ có tranh chấp về công nợ chung thì Tòa án giải quyết bằng cách mỗi người chịu một nửa. Cũng tương tự như vậy đối với khối tài sản chung được tạo lập sau thời kì ly thân.

          Ví dụ: Tại yêu cầu khởi kiện trong vụ án ông B và bà C nói trên, ông B yêu cầu chia số tiền 97.000.000đ là số tiền bán mía mà bà C đã bán cho nhà máy đường SD. Tòa án đã nhận định chia đôi số tiền trên theo quy định nhưng không xét đến số mía mà bà C đã bán là khối tài sản mà bà C tự tạo lập trong thời kì sống ly thân. Như vậy, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bà C.

          - Thứ năm: Kiểm sát phần Quyết định của BA cần lưu ý các căn cứ pháp luật có chính xác không; có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn hay không, yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không; Lưu ý về quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự, lưu ý về án phí và các chi phí tố tụng, quyền kháng cáo của các đương sự được quy định tại Điều 271, 273 BLTTDS, quyền kháng nghị của VKS cùng cấp.

          Thực tiễn tại địa phương, Tòa án thường áp dụng thiếu các căn cứ pháp luật như: Thuận tình ly hôn (Điều 55 Luật HNGĐ) và Ly hôn theo yêu cầu của một bên (Điều 56 luật HNGĐ), áp dụng thiếu căn cứ về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ sau khi ly hôn (Quy định tại Điều 81, 82, 83 luật HNGĐ), hay thiếu các căn cứ về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con chung sau khi ly hôn (Điều 110, Điều 116, Điều 117 Luật HNGĐ). Ngoài ra Tòa án áp dụng thiếu các căn cứ về lãi suất nếu chậm nộp tiền cấp dưỡng (Quy định tại Điều 357, 468 BLDS).

          III. Những khó khăn, vướng mắc trong việc Kiểm sát các Quyết định, Bản án dân sự của TA và giải pháp 

          1. Khó khăn, vướng mắc

          Giữa VKS và TA cùng cấp, giữa VKS và các cơ quan, đơn vị hữu quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là việc chuyển giao BA, QĐ đến VKS của TA dẫn đến việc không phát hiện kịp thời những vi phạm hoặc có phát hiện thì cũng hết thời hạn kháng nghị theo quy định.

        Mặt khác, có một số Quyết định Pháp luật quy định không phải gửi cho VKS cùng cấp, VKS chỉ phát hiện được khi trực tiếp nghiên cứu hồ sơ hay khi HĐXX ban hành Quyết định ngay tại phiên tòa có KSV tham gia, việc này dẫn đến công tác Kiểm sát không được thực hiện một cách hiệu quả. Khi TA tiến hành thẩm định, định giá tài sản, KSV cùng cấp không trong thành phần tham gia thẩm định, định giá tài sản dẫn đến việc nghiên cứu giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các trường hợp vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về tài sản chung Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

          2. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng trong khâu công tác này

          Kiến nghị sửa đổi bổ sung BLTTDS năm 2015 theo hướng TA phải gửi tất cả các Quyết Định giải quyết vụ việc dân sự cho VKS cùng cấp.

          Tăng cường sự phối hợp giữa VKS và TA cùng cấp, phối hợp chặt chẽ khi TA tiến hành xem xét thẩm định, định giá tài sản có sự tham gia của KSV cùng cấp để việc giải quyết vụ án được khách quan, đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

          Thực hiện nghiêm Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự; Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; Chỉ thị số 10/CT – VKSTC ngày 06/4/2016 của VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; Kế hoạch số 45/KH-VKS-P9 ngày 08/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang về những giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của Viện kiểm nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong lĩnh vực công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

          Nâng cao ý thức, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp cũng như kiểm sát các bản án, quyết định để kịp thời phát hiện vi phạm.

         Trong phạm vi chuyên đề với thời gian nghiên cứu có hạn, không thể tránh được sai sót, đồng thời Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 mới được áp dụng nên việc triển khai, thực hiện còn chưa được đồng bộ, rất mong các đồng chí, đồng nghiệp đóng góp ý kiến để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
 
                  Hoàng Văn Thái.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top