Lời mở đầu
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là công tác rất quan trọng, là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự, là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự do Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm quy định tại Điều 159 và khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 160 BLTTHS 2015.
Nhận thấy đây là công tác rất quan trọng của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, yêu cầu kiểm sát viên phải nắm chắc được nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trau dồi kỹ năng của bản thân qua công tác thực tiễn để kiểm sát tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra.
I. Kỹ năng của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Theo Điều 7, Điều 8 của Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định: Viện trưởng Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và theo dõi việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra cùng cấp.
1. Kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra
Hàng ngày Kiểm sát viên được phân công chủ động liên hệ với Cơ quan điều tra để nắm tình hình về tội phạm; theo dõi việc tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố qua báo cáo ngày và sổ thụ lý. Công tác này được thực hiện trong thời gian từ khi tiếp nhận đến khi Cơ quan điều tra ra quyết định phân công giải quyết, kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát như sau:
- Nghiên cứu hồ sơ, tài kiệu ban đầu để nắm được nội dung nguồn tin, việc lập biên bản tiếp nhận có đúng thủ tục tiếp nhận hay không (Thực hiện theo quy định Điều 7 của Thông tư liên tịch 01)? Kiểm sát các văn bản tố tụng của Cơ quan điều tra liên quan đến vật chứng có đúng quy định của BLTTHS hay không?
- Kiểm sát việc phân loại nguồn tin tiếp nhận là tố giác hay tin báo về tội phạm hay kiến nghị khởi tố có đúng hay không?
- Kiểm sát việc xác định thẩm quyền giải quyết? Nếu không đúng thẩm quyền thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra chuyển nguồn tin và tài liệu kèm theo đã thu thập được cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, đồng thời thông báo đến Viện kiểm sát nơi tiếp nhận để thực hiện kiểm sát. Trong trường hợp tranh chấp về thẩm quyền giải quyết thì Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 4 Điều 160 và Điều 150 BLTTHS 2015.
- Kiểm sát việc phân loại nguồn tin, chuyển giao thẩm quyền và việc ra quyết định phân công giải quyết có đúng thời hạn hay không. (Thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Thông tư liên tịch 01). Trong trường hợp quá thời hạn chuyển hồ sơ và tài liệu ban đầu về nguồn tin tội phạm cho cơ quan điều tra khác có thẩm quyền thì phải xem xét điều kiện, hoàn cảnh, lý do chậm chuyển tại thời điểm chuyển thẩm quyền.
- Trong trường hợp cần thiết có thể cùng trao đổi với cơ quan điều tra, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh nhằm tiếp nhận đầy đủ về nguồn tin, thu thập chứng cứ, phân loại, xác định thẩm quyền giải quyết và phải thông báo kết quả cho Viện kiểm sát.
- Nếu phát hiện việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo, yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động: Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin đầy đủ và thông báo cho Viện kiểm sát; cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận nguồn tin; Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; Yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Hoặc ban hành văn bản kiến nghị.
2. Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra
Kiểm sát viên được phân công chủ động yêu cầu cơ quan điều tra thông báo tiến độ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra qua nghiên cứu hồ sơ của Cơ quan điều tra.
- Đề ra yêu cầu xác minh bằng văn bản về những vấn đề cần xác minh ngày từ đầu và trong quá trình giải quyết để cơ quan điều tra thực hiện. Có thể ban hành nhiều bản yêu cầu xác minh khi có vấn đề cần xác minh thêm. Bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ những nội dung cần xác minh để kiểm tra tính xác thực của nguồn tin, thu thập, củng cố chứng cứ để làm rõ tình tiết liên quan đến những vấn đề phải chứng minh có hay không dấu hiệu của tội phạm. Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích nội dung những yêu cầu xác minh cho Cơ quan điều tra để thực hiện.
- Kiểm sát các hoạt động xác minh của cơ quan điều tra đúng pháp luật, bảo đảm yêu cầu xác minh được thực hiện đầy đủ; việc thu thập chứng cứ, tài liệu phải theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.
- Trong các vụ việc có tiến hành khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải tham gia, ghi chép lại quá trình khám nghiệm; Chủ động trao đổi, yêu cầu Cơ quan điều tra phải thực hiện hoạt động cụ thể để xác minh tình tiết của vụ việc.
- Trong trường hợp Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng trong vụ việc cần xác minh thì phải xem xét đến tình hình của sự việc, nhân thân đối tượng đó để ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, gia hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế. Trong trường hợp xét thấy cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với đối tượng thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo để yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế.
- Kiểm sát viên trực tiếp hoặc tham gia cùng Điều tra viên lấy lời khai ban đầu của các đối tượng, người làm chứng, bị hại,… để nắm rõ hơn về nội dung vụ việc, đảm bảo tính khách quan và kiểm sát chặt chẽ hơn hoạt động của cơ quan điều tra, để tránh việc bức cung, nhục hình, thay đổi lời khai, nhất là đối với các đối tượng bị bắt quả tang vào ban đêm.
- Kiểm sát thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết là 20 ngày, có thể được kéo dài và gia hạn tối đa là 04 tháng.
- Trong trường hợp quá thời hạn luật định mà tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa được giải quyết thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
+ Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
+ Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp; gửi quyết định tạm đình chỉ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác,báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Khi lý do tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không còn thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết. Thời hạn phục hồi giải quyết không quá 01 tháng.
Nếu phát hiện việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không được thực hiện đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo, yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động: Kiểm tra việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận nguồn tin; Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm; Yêu cầu thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Hoặc ban hành văn bản kiến nghị.
3. Lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Việc lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện song song trong quá trình giải quyết nhằm nắm chắc nội dung và tiến độ giải quyết của Cơ quan điều tra, bảo đảm các hoạt động kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự. Hồ sơ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm:
- Vản bản thể hiện nguồn tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố (như văn bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; văn bản kiến nghị khởi tố ); các tài liệu, chứng được cung cấp ban đầu.
- Quyết định chuyển tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để giải quyết theo thẩm quyền (đối với các tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố do nơi khác chuyển đến);
- Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố;
- Quyết định phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố;
- Bản yêu cầu xác minh.
- Các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh
- Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố;
- Văn bản đề xuất quan điểm của Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố (nếu có).
- Văn bản thống nhất hoặc không thống nhất quan điểm của Lãnh đạo Viện kiểm sát đối với kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra;
- Biên bản khám nghiệm hiện trường hoặc xác định hiện trường và sơ đồ hiện trường; Văn bản kéo dài thời hạn giải quyết; Biên bản khám phương tiện có liên quan; Quyết định trưng cầu giám định và Kết luận giám định; Văn bản trả lời của Cơ quan có thẩm quyền giải đáp một số vướng mắc do Cơ quan điều tra yêu cầu trả lời (nếu có).
- Trích cứu các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập trong hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
- Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra.
II. Thực trạng
Đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình trong năm 2017 đã kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết 19 tin báo về tội phạm, tố giác và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra; Đã giải quyết xong 17 tin, còn tồn 02 tin. Về cơ bản đã kiểm sát đẩy đủ việc tiếp nhận và giải quyết, không xảy ra vi phạm, sai xót nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tế còn những tồn tại, hạn chế sau:
- Huyện Lâm Bình là địa bàn còn nhiều khó khăn về thiết bị thông tin liên lạc và đường xá giao thông nên việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn chậm trễ hoặc đã tiếp nhận nhưng thời gian xác minh ban đầu còn mất nhiều thời gian dẫn đến hầu hết mọi tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố dù là đơn giản nhưng vẫn phải kéo dài thời gian giải quyết hơn 20 ngày.
- Đơn vị phụ trách địa bàn tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và KNKT rất ít so với các huyện trong tỉnh, kinh nghiệm và kỹ năng công tác của Kiểm sát viên chưa nhiều, nên việc trao đổi, phối hợp, đề ra yêu cầu xác minh còn chậm, chưa linh hoạt.
- Kiểm sát viên chưa chủ động trao đổi với cơ quan điều tra để nắm tình hình tội phạm, còn bị động và phụ thuộc vào báo cáo, biên bản lấy lời khai của cơ quan điều tra, nhất là đối với các vụ việc phạm tội bị bắt quả tang vào ban đêm.
- Công tác kiểm sát từ thời điểm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến khi Cơ quan điều tra ra quyết định phân công giải quyết chưa được chú trọng, tuy nhiên Cơ quan điều tra Công an huyện Lâm Bình chưa có vi phạm, sai xót trong công tác tiếp nhận, phân loại và ra quyết định phân công giải quyết.
- Hoạt động xác minh ban đầu như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập tài liệu, đồ vật, chứng cứ chưa kiểm sát chặt chẽ và thiếu sự chủ động, chưa xác minh được đầy đủ tình tiết sự việc nên có một số vụ việc phải xác minh lại hiện trường.
- Tại Điều 7, Khoản 5 Điều 8 của TTLT số 01 và khoản 3 Điều 146 BLTTHS 2015 quy định về trách nhiệm và thủ tục tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an. Tuy nhiên quyền hạn kiểm sát của Viện kiểm sát chỉ quy định là kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt điều tra (cấp huyện). Nên quy định này làm hạn chế quyền hạn kiểm sát của Viện kiểm sát.
III. Giải pháp
Từ những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Bình, cần có những giải pháp sau:
- Kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên được phân công nhiệm vụ kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thường xuyên chủ động liên hệ với cơ quan điều tra để nắm bắt việc tiếp nhận nguồn tin.
- Cập nhật, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm sát, phối hợp trong việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; nắm chắc quy định của pháp luật tố tụng hình sự về quyền hạn, nhiệm vụ của Kiểm sát viên; Nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm về công tác này.
- Trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kiểm sát viên cần chủ động, trực tiếp lấy lời khai của các đối tượng, người tố giác, người làm chứng, bị hại,… ngay từ ban đầu, nhất là đối với các đối tượng bị bắt quả tang vào ban đêm để nắm rõ tình hình, nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tránh trường hợp lời khai của đối tượng bị thay đổi; Lên kế hoạch xác minh tạo tiền đề để ban hành yêu cầu điều tra; Kiểm sát chặt ché, chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập chứng cứ đủ để xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm.
- Cần chú trọng hơn đến khâu công tác kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra để kịp thời phát hiện vi phạm và khắc phục vi phạm.
- Cấp chính quyền quan tâm đầu tư vào thiết bị liên lạc cho các bộ phận chủ chốt trong việc tiếp nhận, xác minh thông tin ban đầu về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ở địa bàn cá xã như: Công an cấp xã, trưởng thôn, bản, ấp,…
- Ngành Kiểm sát cần có các đợt tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Kiểm sát viên; thực hiện tăng cường công tác bồi dưỡng tại chỗ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên về kỹ năng xây dựng kế hoạch kiểm sát việc giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và xây dựng bản Yêu cầu điều tra.
- Cần có sự điều động công tác thường kỳ đối với kiểm sát viên đến các địa phương khác nhau trong tỉnh để kiểm sát viên được học hỏi lẫn nhau, trau dồi kinh nghiệm, tiếp xúc, giải quyết đa dạng các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Cần có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng hơn về quyền hạn kiểm sát của Viện kiểm sát trong công tác tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an.
Lời kết
Công tác kiểm sát việc giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là một nhiệm vụ khó khăn yêu cầu mỗi kiểm sát viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng trọng việc đề ra yêu cầu xác minh, bên cạnh đó là phải nắm chắc quy định của tố tụng hình sự để đảm bảo việc giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiến hành một cách nhanh chóng, khách quan, đúng quy định pháp luật, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững ổn định, trật tự xã hội.
Vũ Thị Diệu Ngọc.