Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020, có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2020 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2020), đã kịp thời hướng dẫn Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động như: (1) Quản lý, giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi tắt là vụ việc tạm đình chỉ); (2) Quản lý, giải quyết vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án (gọi tắt là vụ án tạm đình chỉ); (3) Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; (4) Áp dụng, hủy bỏ, thay đổi, thay thế biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Đồng thời, Thông tư liên tịch số 01/2020 cũng quy định được áp dụng đối với 7 chủ thể như: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát; Tòa án nhân dân; Cơ quan thi hành án dân sự; Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan và 9 nội cơ bản như (1) Quản lý, giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ (Điều 5 TTLT số 01); (2) Tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra, đình chỉ điều tra (Điều 6,7 TTLT số 01/2020); (3) Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố, phục hồi vụ án, đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố (Điều 8, 9); (4) Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử, phục hồi vụ án, đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử (Điều 10, 11); (5) Áp dụng, hủy bỏ, thay đổi, thay thế biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Điều 12); (6) Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Điều 13); (7) Lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Điều 14); (8) Chế độ thông tin, thống kê, báo cáo (Điều 15); (9) Tổ chức thực hiện (Điều 17).
Như vậy, Thông tư liên tịch số 01/2020 với mục tiêu kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan tới số lượng vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, tạm dừng xác minh tồn đọng, đặc biệt là các vụ án tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, còn quy định rõ nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số điều của BLTTHS năm 2015 về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Có thể nói từ khi có Thông tư liên tịch số 01/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng pháp luật cũng như việc phối hợp rà soát, thống kê các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, tạm dừng giải quyết thuộc trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng, trong từng giai đoạn tố tụng, đặc biệt là đối với các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, tạm dừng giải quyết hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để ra quyết định không khởi tố hoặc đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn kiểm chứng cho thấy qua rà soát nhiều hồ sơ vụ án tam đình chỉ, thời gian đã quá lâu đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không được xử lý dứt điểm, công tác quản lý hồ sơ, luân chuyển cán bộ công tác, nhiều đồng chí đã nghỉ hưu, quá trình lưu trữ bảo quản các hệ thống sổ sách, theo dõi các vụ án, vụ việc còn nhiều tồn tại, thiếu sót, hệ thống sổ sách bị thất lạc, một số hồ sơ không rõ số đăng ký nộp hồ sơ; nhiều vụ án tạm đình chỉ có nhiều vi phạm về tố tụng như không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, không có quyết định phân công điều tra viên, kiểm sát viên; vật chứng không biết rõ ai quản lý hoặc đã bị thất lạc, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án sơ sài hoặc không có lưu trong hồ sơ, không xác định được địa chỉ của người tố giác, người bị tố giác, các nhân chứng, người liên quan đã chuyển đi hiện nay không xác định được đang ở đâu.., nên việc khắc phục hồ sơ cũng như xác minh rất khó khăn, thậm chí có vụ án vụ việc không thể khắc phục được.
Mặt khác, việc nhận thức và thực hiện TTLT số 01/2020 còn một số vướng mắc có nội dung không thống nhất được trong quá trình thực hiện như:
Trường hợp trên sổ thụ lý (CQĐT, VKS) đều thể hiện vụ án được khởi tố, tuy nhiên quá trình rà soát cả hai Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không tìm thấy hồ sơ (hồ sơ chính và hồ sơ kiểm sát) từ đó dẫn đến có hai quan điểm khác nhau trong việc giải quyết: Quan điểm 1, căn cứ quy định của TTLT số 01/2020 Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra; Quan điểm 2, Cơ quan điều tra không ra quyết định đình chỉ điều tra do không có hồ sơ vụ án do đó không thể nộp lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Đối với vụ việc đã tạm dừng giải quyết, theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 5 TTLT số 01/2020 khi tiến hành giải quyết Cơ quan điều tra phải ra Quyết định phục hồi và ra quyết định để phân công Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên tiến hành điều tra không? Do hiện nay, có sự vướng mắc theo sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Công văn số 3324/VKSTC-V4 ngày 31/7/2020 và tài liệu giải đáp trực tuyến tại Hội nghị triển khai TTLT số 06/2020 tổ chức vào ngày 10/11/2020 “Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện TTLT số 02/2020/TTLT” đề nghị liên ngành Trung ương sớm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện TTLT số 01/2020 để việc giải quyết vụ án, vụ việc tạm dừng, tạm đình chỉ được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trước mắt chờ văn bản của liên ngành Trung ương hướng dẫn thống nhất các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện TTLT số 01/2020 và khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên theo tác giả nhận thấy cần có một số giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 01/2020, các quy định của BLTTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện quản lý và giải quyết kịp thời các vụ án, vụ việc tạm dừng, tạm đình chỉ;
Hai là: Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có kinh nghiệm làm đầu mối theo dõi thường xuyên trao đổi các vấn đề phát sinh liên quan đến vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vụ án, vụ việc tạm đình chỉ do từng cơ quan tiến hành tố tụng theo dõi;
Ba là: Lập sổ theo dõi quản lý, thẩm định chặt chẽ hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo đúng trình tự thủ tục tố tụng quy định; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của mỗi vụ án, vụ việc; việc bổ sung tài liệu, chứng cứ vào hồ sơ vụ án, vụ việc (nếu có); việc khắc phục lý do tạm đình chỉ không có căn cứ; kịp thời ra các quyết định giải quyết vụ án, vụ việc khi có đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; thống kê số liệu án tạm đình chỉ, nay được đình chỉ phải đưa ra khỏi số liệu theo dõi án tạm đình chỉ theo các biểu mẫu thống kê hiện hành.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Năm là: Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ (hằng tháng, 6 tháng, 01 năm) các cơ quan tiến tố tụng (Công an, Kiểm sát, Tòa án) cùng cấp phải phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu các vụ án đình chỉ vì lý do vụ án đang tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, số vụ không khởi tố vụ án hình sự do vụ việc đang tạm đình chỉ nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phân tích số liệu theo từng nhóm vướng mắc, khó khăn cụ thể để kịp thời cùng phối hợp giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.
Cấn Văn Tuấn - VKSND huyện Hàm Yên