Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận
TCCSĐT - Trong di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh có một nội dung hết sức quan trọng, đó là lý luận và công tác lý luận của Đảng. Quan niệm về lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng ngôn từ “kinh viện”, nhưng lại rất chuẩn xác, lột tả được bản chất của khái niệm này.
Theo Người, “lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(1). Từ quan niệm chung về lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến một định nghĩa khái quát về lý luận Mác - Lê-nin với tư cách “là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nó là khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(2). Xuất phát từ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3).
Đối với sự phát triển xã hội và lịch sử cách mạng Việt Nam, lý luận Mác - Lê-nin có vai trò cực kỳ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại câu nói của Lê-nin “không có lý luận cách mạng thì không có cách mệnh vận động”. Sự vận động của cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua đều chịu sự tác động trực tiếp của lý luận Mác - Lê-nin. Học thuyết vĩ đại này đã dạy cho những người cộng sản Việt Nam hành động theo xu hướng tiến bộ trên cơ sở nắm vững bản chất và quy luật vận động của toàn bộ tiến trình lịch sử. Lý luận trang bị cho con người tinh thần, cách thức và phương pháp xử lý công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cái cốt lõi, hàng đầu mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đem lại cho chúng ta là phương pháp hành động đúng để nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan.
Giáo dục lý luận là truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối và quan điểm tư tưởng của Đảng vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó là quá trình tác động vào đối tượng bằng cách trình bày, giải thích một cách khoa học những khái niệm, những quy luật, những quan điểm… nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nắm được những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về đường lối, quan điểm của Đảng, nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống.
1. Về sự cần thiết của giáo dục lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục lý luận là nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, yêu cầu xây dựng và phát triển Đảng và yêu cầu xây dựng con người mới.
Ngay từ rất sớm, trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”(4). Giáo dục lý luận là để “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”(5). Như vậy, trên cơ sở tình hình thực tiễn Việt Nam, để đưa cách mạng đến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc phải giảng giải lý luận cách mạng và chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho mọi người dân, nhằm hướng dẫn họ tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Giáo dục lý luận rất cần thiết trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta tiến hành là một cuộc cách mạng phức tạp và nhiều khó khăn. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử,... phải thay đổi triệt để những nếp sống và thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm, phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột, áp bức. Do đó, muốn đỡ mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm thì một mặt chúng ta phải học tập và vận dụng kinh nghiệm của các nước anh em, mặt khác, chúng ta phải không ngừng học tập và vận dụng một cách sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam để tìm ra quy luật vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Tổng kết kinh nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta giành được những thắng lợi to lớn, trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Là người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết của lý luận đối với Đảng. Người chỉ rõ cách mạng muốn thành công tất yếu phải có Đảng lãnh đạo. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm “cốt”, mọi cán bộ, đảng viên phải hiểu và theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa làm cốt giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(6). Để làm tốt vai trò lãnh đạo của mình, Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác xây dựng Đảng về lý luận, nhằm nâng cao trình độ lý luận của Đảng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và để Đảng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Muốn vậy, Đảng phải tổ chức học tập lý luận, để mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý luận cách mạng, đặng hoàn thành tốt công việc của mình. Đồng thời, việc quán triệt, thấu hiểu sâu sắc lý luận Mác - Lê-nin sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chống lại quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Từ quan điểm muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bao gồm đủ cả đức và tài. Một trong những biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất là thông qua giáo dục. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục con người phải toàn diện, bao gồm: giáo dục lý luận, giáo dục văn hóa, đạo đức, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, thể chất. Như vậy, giáo dục lý luận góp phần xây dựng con người mới Việt Nam phát triển toàn diện.
2. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của giáo dục lý luận:
Một là, để trang bị lập trường giai cấp vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn thắng được thực dân, đế quốc phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng, phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lê-nin, học tập đường lối, chính sách của Đảng. Bởi “có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao phó cho mình”(7). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục lý luận là nhằm trang bị và củng cố lập trường giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất trong xã hội, góp phần “rửa sạch ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể”; cung cấp các cơ sở khoa học, các phương pháp nhận thức khoa học giúp con người nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là mù chính trị, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(8).
Hai là, để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Xuất phát từ quan điểm “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(9), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hy sinh, tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi. Người chỉ rõ: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước, tận hiếu với dân”(10). Để có đạo đức cách mạng và giữ vững đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải học lý luận và nắm vững lý luận, từ đó, nhận thức rõ đúng, sai, đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai, không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Ba là, để tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đây là mục tiêu quan trọng của giáo dục lý luận. Thực tiễn cho thấy, niềm tin là một yếu tố tinh thần rất cơ bản, tạo nên động lực phấn đấu trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết hy sinh”(11). Cuộc đấu tranh với chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thói quen và truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh khó khăn, lâu dài, đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như cả dân tộc phải kiên quyết, không chịu khuất phục. Để làm được điều đó phải có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc. Muốn vậy, phải học lý luận để nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, để thực hành trong thực tế. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học lý luận không nhằm mục đích lý luận đơn thuần mà nhằm đem vào thực hành trong thực tế. Học lý luận là để vận dụng, chứ không phải học lý luận để tạo cho mình một cái “vốn” để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Học lý luận là để giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Người chỉ rõ: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”(12). Học lý luận Mác - Lê-nin là để phân tích, giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng cho hợp với điều kiện, đặc điểm Việt Nam. Khi vận dụng thì bổ sung làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn của Việt Nam.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những nội dung giáo dục lý luận rất cụ thể:
Một là, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chỉ dẫn mang tính phương pháp luận trong việc học tập, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó là: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”(13). Người căn dặn: Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao thì lại không hoàn thành.
Hai là, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”(14). Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và hình thành ý thức, thái độ chấp hành pháp luật.
Ba là, giáo dục đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối. Đạo đức giúp cho con người vững vàng trước mọi thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước, lúc gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, khiêm tốn.
Bốn là, giáo dục những bài học kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản trên thế giới. Từ quan điểm “lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhấn mạnh phải học tập kinh nghiệm của các đảng anh em, của quá trình vận động cách mạng thế giới, bởi, đó cũng có nghĩa là học tập những vấn đề mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Mục đích là để “học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”(15). Song, Người cũng lưu ý trong khi học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình để vận dụng cho phù hợp, không máy móc dập khuôn, giáo điều, phải sáng tạo, có tinh thần độc lập tự chủ.
4. Cũng như bất kỳ một hoạt động nào, giáo dục lý luận cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc mang tính định hướng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hai nguyên tắc cơ bản trong giáo dục lý luận:
Nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học. Trong giáo dục lý luận phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, phải luôn giữ vững lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và của Đảng trong dạy và học lý luận. Xa rời nền tảng lý luận sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều và xét lại. Lý luận Mác - Lê-nin là học thuyết khoa học, nó ra đời trên cơ sở những thành tựu khoa học của nhân loại và được xây dựng thành hệ thống lý luận. Do đó, giáo dục lý luận phải trên cơ sở khách quan, khoa học, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa lý luận. Tính Đảng và tính khoa học trong giáo dục lý luận là thống nhất và có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn. Đây là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phản ánh đặc trưng của quá trình nhận thức biện chứng từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường nhận thức chân lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông; thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng... Tách rời lý luận và thực tiễn, tức là phá vỡ quy luật lô-gíc và chắc chắn sẽ dẫn đến sai lầm.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một số phương pháp cơ bản về giáo dục lý luận:
Phải thiết thực, cụ thể. Nội dung, phương pháp giáo dục lý luận phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước, của địa phương, của từng ngành, từng lĩnh vực, phù hợp với từng đối tượng, có như vậy mới đạt hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những khuyết điểm trong mở lớp huấn luyện là “tham làm nhiều mà không chu đáo, “mở lớp lung tung”, “lớp quá đông” dẫn đến “dạy và học ít kết quả”.
Gắn giáo dục với tự giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong giáo dục lý luận “huấn” và “luyện” phải đi liền với nhau. Người giải thích “Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa”, nghĩa là việc dạy dỗ phải đi liền với việc rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Hay nói cách khác, giáo dục và tự giáo dục phải kết hợp chặt chẽ với nhau thì việc giáo dục mới có hiệu quả.
Có trọng tâm, trọng điểm. Phương pháp này đặt ra yêu cầu phải nắm được nội dung cốt lõi trong toàn bộ chương trình. Chỉ có trên cơ sở bao quát toàn bộ chương trình mới xác định được đâu là cái cốt lõi, trọng tâm cần nắm vững và vận dụng. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện, nhìn cây mà không thấy rừng, chung chung, đại khái.
Là nhà lý luận vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của lý luận và giáo dục lý luận đối với sự nghiệp cách mạng. Người đã có những quan điểm mang tính chỉ dẫn cho công tác giáo dục lý luận của Đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, trước sự suy thoái về nhận thức lý luận, tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên (coi thường lý luận, ngại học lý luận, chạy theo bằng cấp, học chiếu lệ, học chắp vá...) và yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác giáo dục lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước mắt là đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Hơn lúc nào hết, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận cần phải được quán triệt một cách thấu đáo và vận dụng một cách sáng tạo./.
Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn tin: Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đang truy cập : 51
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 50
Hôm nay : 345
Tháng hiện tại : 104225
Tổng lượt truy cập : 14325585