Hoãn chấp hành án phạt tù là một chế định được quy định pháp luật hình sự của nước ta, thể hiện sự khoan hồng của chính sách pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo quy định thì khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án phải chấp hành. Tuy nhiên, trên thực tế có những lý do khách quan đặc biệt mà người bị phạt tù chưa thể đi chấp hành hình phạt tù ngay được và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù trong một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe không những của chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình, người thân của họ, do đó pháp luật có quy định chặt chẽ đối với một số đối tượng thuộc các trường hợp nhất định mới được cơ quan có thẩm quyền cho hoãn chấp hành án phạt tù:
Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định gồm các trường hợp sau:
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Như vậy, có thể hiểu hoãn chấp hành án phạt tù là việc Tòa án có thẩm quyền tạm thời chưa quyết định buộc người bị kết án phải chấp hành ngay hình phạt tù của bản án đã có hiệu lực pháp luật vì những lý do nhất định khi thỏa mãn một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (khoản 1 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019).
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cấp đến điều kiện hoãn chấp hành hình phạt từ thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 67 BLHS.
- Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt quy định “Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”. Ngoài ra, còn được quy định tại khoản 7 Điều 25 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Như vậy, khi xem xét cho người bị xử phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do bị bệnh nặng, không thể đi chấp hành hình phạt tù được với điều kiện là “Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”, thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
Tuy nhiên, trong thực tiễn qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự trên địa bàn huyện Yên Sơn phát sinh một số trường hợp người bị xử phạt tù đang tại ngoại do bị tai nạn rủi do (Tai nạn giao thông, tai nạn lao động), mắc bệnh hiểm nghèo…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ như bị hoại tử chân, liệt chân không thể đi lại được, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn người phải thi hành án không đến điều trị tại một cơ sở y tế nào do đó không có hồ sơ bệnh án, kết luận theo quy định để Tòa án ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho họ, nhưng nếu cứ cứng nhắc bắt họ phải đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của họ.
- Cụ thể, người bị xử phạt tù: TXH, trú tại thôn N, xã MB, huyện Yên Sơn là người phải chấp hành án phạt tù có đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù do bị tai nạn giao thông, đến thời điểm hiện tại chân phải của H bị hoại tử nặng không thể đi lại được. Quá trình giải quyết, Tòa án xem xét hồ sơ và yêu cầu người phải thi hành án bổ sung hồ sơ bệnh án, tuy nhiên do H không đến điều trị tại một cơ sở y tế nào do đó không có hồ sơ bệnh án, kết luận theo quy định để cung cấp cho Tòa án. Do đó Tòa án không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù và đã có văn bản trả lời người phải thi hành án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định và yêu cầu H phải có mặt tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Yên Sơn để chấp hành án, nếu không tự nguyện đi chấp hành án sẽ bị áp giải theo quy định. Khi Cơ quan thi hành án hình sự tiến hành đôn đốc, xác minh thực tế tại địa phương và xác định tình trạng thương tích của TXH “chân phải bị hoại tử nặng, khó khăn trong việc đi lại và tự phục vụ bản thân” nên Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện đã có văn bản đề nghị Tòa án huyện xem xét ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với TXH. Trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Tòa án tiến hành xác minh và đã ra quyết định hoãn thi hành án đối với TXH.
- Qua kiểm sát quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù của Tòa án, Viện kiểm sát tiến hành xác minh đối với trường hợp trên, xác định: TXH chân phải bị hoại tử do bị tai nạn giao thông, bản thân H không có thu nhập; vợ H bị tai nạn lao động (chấn thương đốt sống cổ) nằm bất động một chỗ; gia đình thuộc hộ nghèo của xã, hiện sống dựa vào nguồn hỗ trợ của nhà nước, do đó H không có điều kiện đi chữa trị thương tích tại Bệnh viện nên không có hồ sơ bệnh án và kết luận của bệnh viện.
Từ trường hợp nêu trên thấy rằng: nếu chỉ căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp TXH không đủ điều kiện để được hoãn thi hành án. Nhưng nếu bắt TXH phải đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của H và Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Yên Sơn cũng không tiếp nhận theo yêu cầu. Nhưng nếu đối chiếu các quy định của pháp luật với trường hợp thực tiễn nêu trên thấy rằng Quyết hoãn thi hành án đối với TXH của Tòa án nhân dân huyện Yên Sơn là chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn cũng không thể ban hành văn bản kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định trên.
Trên quan điểm, lập trường cá nhân tôi lại thấy quyết định trên là hợp tình, nhân văn, thể hiện được tính nhân đạo, sự khoan hồng của chính sách pháp luật, tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Kính mong nhận được sự trao đổi và góp ý của các độc giả.
Lê Hải Dũng, Kiểm tra viên, Viện KSND huyện Yên Sơn