Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3153

   Một số bất cập trong việc áp dụng pháp luật xử lý người chưa thành niên phạm tội


Thứ năm - 31/03/2022 22:11
 
Theo khoản 1, Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết  nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”; Theo khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Việc xử lý người dưới 18 phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành người công dân có ích cho xã hội…”. Đây là những nguyên tắc cơ bản được thể hiện chính sách hành chính, chính sách pháp luật về hình sự đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội là hết sức cần thiết.

 
Trên thực tế việc áp dụng nhận thấy còn một số quy định của pháp luật áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn bất cập, chưa thực sự phù hợp trong việc sử dụng tiền sự của người chưa thành niên “đã bị xử lý hành chính về hành vi này” hoặc tiền án của người dưới 18 tuổi“đã bị kết án về tội này” để định tội, tội phạm chủ yếu thuộc về các nhóm tội được quy định trong BLHS như “Các tội phạm xâm phạm sở hữu”, “Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng”…; Để làm rõ những vướng mắc bất cập này, tác giả đưa ra tình huống cụ thể để đánh giá, phân tích như sau:
 
Tình huống thứ nhất: Ngày 01/10/2019 Nguyễn Văn A, sinh ngày 01/9/2003 trộm cắp tài sản của người khác trị giá 3.000.000đ. Bản án số 123/2019/HSST ngày 01/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện X xử phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm kể từ ngày tuyên án. Ngày 02/12/2020, sau khi chấp hành xong thời gian thử thách án treo, A tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá 500.000 đồng;
 
Điều 107 BLHS quy định về xóa án tích
 
“1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
a) …;
 
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
 
Như vậy, căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 107 BLHS quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi thì Bản án số 123/2019/HSST ngày 01/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện X xử phạt Nguyễn Văn A 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm kể từ ngày tuyên án không bị coi là đã có án tích vì khi thực hiện hành vi phạm tội A mới 16 tuổi 01 tháng.
 
Do đó hành vi trộm cắp ngày 02/12/2020 của A chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
 
Tình huống thứ hai: Cùng ngày 01/10/2019 Nguyễn Văn B, cũng sinh ngày 01/9/2003 trộm cắp tài sản của người khác trị giá 1.000.000 đồng, tại Quyết định số 231 ngày 02/11/2019 của Trưởng Công an huyện X xử phạt vi phạm hành chính đối với B về hành vi trộm cắp tài sản bằng hình thức phạt tiền 1.000.000 đồng, ngày 03/11/2019 B chấp hành xong tiền phạt. Ngày 01/02/2020, A tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng.
 
Trong tình huống này, ở lần trộm cắp tài sản thứ nhất của B chưa đủ định lượng cấu thành tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Ở lần trộm cắp tài sản thứ hai (ngày 01/02/2020), B trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng, nhưng khoản 1 Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định“Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm”, trong tình huống này B chấp hành nộp phạt theo Quyết định xử phạt hành chính số 231 ngày 02/11/2019 là ngày 03/11/2019, đến ngày thực hiện hành vi trộm cắp thứ hai (ngày 01/02/2020) không được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
 
Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 173 BLHS thì hành vi trộm cắp lần thứ hai của B cấu thành tội Trộm cắp tài sản “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”.
Với hai tình huống nêu trên có thể nhận thấy về chủ thể, khách thể là như nhau (cùng là người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản). Điểm khác biệt ở đây là tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự, lần phạm tội thứ nhất của Nguyễn Văn A được pháp luật hình sự quy định là tội phạm và bị kết tội bằng một bản án; hành vi của Nguyễn Văn B không coi là tội phạm chỉ bị xử phạt hành chính là phù hợp với quy định của pháp luật.

 
Tuy nhiên, điểm bất cập sẽ không phát sinh nếu A và B không thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lần thứ hai, nhưng A và B tiếp tục cùng có hành vi trộm cắp tài sản, giá trị tài sản đều dưới 2.000.000 đồng. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 107 BLHS hành vi của A lại không cấu thành tội phạm do bản án đã tuyên đối với A không được coi là đã có án tích. Đối với hành vi của B cùng tính chất, mức độ nhưng lại cấu thành tội Trộm cắp tài sản do đã bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
 
Chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật giữa Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 phải mang tính đồng bộ và đảm bảo tính công bằng, hợp lý theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội dưới 18 tuổi để phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính “Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính đối với người chưa thành niên”, theo hướng “Người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị xử phạt hành chính được coi là chưa bị xử phạt hành chính”. Như vậy, mới đảm bảo tính công bằng và phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS nêu trên. 
 
Trên đây là một số ý kiến của tác giả, rất mong sự tham gia đóng góp ý kiến của bạn đọc.
 
                                                  Cấn Văn Tuấn - VKSND huyện Hàm Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top