Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 17644

   Một số bất cập về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 và đề xuất hướng giải quyết


Thứ ba - 30/03/2021 09:51
      Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông. Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn chưa thuyên giảm, nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Do đó chính sách pháp luật về hình sự cũng được thay đổi theo nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên bên cạnh những thay đổi tích cực thì tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) lại có những bất cập, gây khó khăn khi xử lý, giải quyết các vụ án gây tai nạn giao thông.
      1. Những quy định mới của Điều 260 BLHS năm 2015 so với Điều 202 BLHS năm 1999
      1.1. Mở rộng về chủ thể của tội phạm
      Theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đển 5 năm”. Ta thấy chủ thể của điều luật quy định chỉ là những người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
      Theo BLHS năm 2015 chủ thể của tội này đã được mở rộng hơn. Cụ thể Điều 260 BLHS năm 2015 quy định “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm”.
Ta có thể thấy rằng chủ thể của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 là những người tham gia giao thông đường bộ.
      Mặt khác theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người tham gia giao thông gồm: người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”.
      1.2. Về khung hình phạt
      So với Điều 202 BLHS năm 1999, thì Điều 260 BLHS năm 2015 tăng mức phạt tiền là hình phạt chính; tăng mức khởi điểm hình phạt tù (khoản 1); quy định hình phạt tiền là hình phạt chính; giảm mức tối đa hình phạt tù (khoản 4).
      2. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
      2.1. Theo các quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 đều quy định:
      “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” những quy định trên đây mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 đo là: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
      Như vậy, cần quy định lại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 cho phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019.
      * Đề xuất: Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 thành: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”.
      2.2. Bất cập khi căn cứ vào hậu quả
      Kế thừa Điều 202 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, Điều 260 BLHS năm 2015 đã liệt kê cụ thể các tình tiết định tội và định khung hình phạt thành các điểm, khoản tương ứng. Tuy nhiên việc quy định như vậy theo quan điểm cá nhân vẫn còn một số thiếu sót.
      Theo quy định tại điểm a, c khoản 1, điểm đ, e khoản 2, điểm a, b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015:
      “1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
      a) Làm chết người;
      …
      c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
      …
      2. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
      …
      đ) Làm chết 02 người;
      e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
      …
      3. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
      a) Làm chết 03 người trở lên;
      b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
      …”.
      Như vậy bị can phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà hậu quả làm 01 người chết và 01 người bị thương (tổn thương 50% sức khỏe) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS, còn bị can phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà hậu quả 02 người bị thương (01 người tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS. Như vậy bị can gây hậu quả lớn hơn (chết 01 người, 01 người bị tổn thương 50% sức khỏe) lại phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ hơn bị can gây hậu quả ít hơn (01 người bị tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe).
      Ví dụ cụ thể: Ngày 01/01/2020, A lái xe ôtô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm 01 người chết và 01 người bị tổn thương 50% sức khỏe. Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Cùng ngày, B lái xe ô tô đi sai phần đường nên đâm vào xe ô tô đi người chiều gây tại nạn làm 01 người bị tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 130%). Hành vi nêu trên của B đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS.
      Từ ví dụ trên ta thấy hành vi của A gây hậu quả nghiêm trọng hơn hành vi của B nhưng A lại chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn so với B. Do đó sẽ tạo động cơ xấu cho các đối tượng phạm tội như sau khi gây tai nạn đối tượng phạm tội sẽ không chủ động đưa người bị nạn đi cấp cứu mà có thể bỏ mặc hoặc cố tình làm cho người bị nạn chết nhằm đuợc hưởng mức hình phạt nhẹ hơn.
Tương tự với trường hợp 02 người chết, 01 người bị thương theo điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS và 03 người bị thương (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 220%) theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS. Đây cũng là một bất cập của Điều 260 BLHS 2015.
      * Đề xuất: Liên ngành trung ương có hướng dẫn cụ thể Điều 260 BLHS theo hướng quy định nạn nhân bị chết được tính tỷ lệ tổn thương cơ thể là 100% để có thể cộng với tỷ lệ tổn thương cơ thể với các nạn nhân khác.
      2.3. Khó khăn trong áp dụng điểm, khoản của Điều 260-BLHS
      Trong trường hợp 1 người điều khiển ô tô tham gia giao thông gây tai nạn làm chết 1 người và bị thương 2 người với tổng tỷ lệ thuơng tật 122 % khi khởi tố và truy tố thì áp dụng điểm nào, khoản nào của Điều 260 BLHS, vì nếu áp dụng điểm a khoản 1 thì bỏ lọt hành vi gây thưong tích, còn nếu áp dụng điểm e khoản 2 thì bỏ lọt hành vi làm chết người nhưng lại không thể áp dụng cả khoản 1 và khoản 2 trong quyết định khởi tố, truy tố.
      2.4. Bất cập trong xử lý đối với giấy phép lái xe trong các vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

      Trong cấu thành của Điều 202 BLHS năm 1999 và Điều 260 BLHS năm 2015 đều chỉ đề cập đến việc người phạm tội không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý ở khoản 2 của những điều luật này nếu gây hậu quả tương đương ở khoản 1 của điều này. Như vậy nhà làm luật đã xác định việc không có giấy phép lái xe là một tình tiết có tính chất nguy hiểm đối với loại hành vi phạm tội này. Quy định như vậy là hợp lý và rõ ràng để đảm bảo mọi người khi tham gia giao thông buộc phải có giấy phép lái xe để đảm bảo họ hiểu rõ quy tắc giao thông khi điều khiển các phương tiện giao thông và khi xẩy ra các hành vi phạm tội thì họ sẽ chỉ bị xử lý ở khung hình phạt thấp hơn so với không có giấy phép lái xe.
      Bên cạnh đó tại Khoản 6, Điều 260 BLHS 2015 chỉ quy định về cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm một công việc nhất định. Như vậy việc cấm này cũng chỉ nhằm vào các đối tượng liên quan đến yếu tố điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là nghề nghiệp mà không đề cập đến việc hạn chế quyền điều khiển phương tiện của người phạm tội mà không đề cập đến quyền điều khiển phương tiện của họ. Như vậy họ vẫn hoàn toàn có thể điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ không được phép làm nghề nghiệp liên quan đến hoạt động điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Mặt khác theo quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định về việc người tham gia giao thông đường bộ vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe.
      * Đề xuất: Từ những phân tích đánh giá trên đây, đề xuất bổ sung thêm nội dung “Tước giấy phép lái xe” vào quy định tại Khoản 5 Điều 260 BLHS. Tuy nhiên do phần các hình phạt của BLHS năm 2015 không có quy định hình phạt này nên cần bổ sung hình phạt tước giấy phép lái xe vào Điều 41 BLHS.
      Trên đây là một số vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết từ thực tiễn áp dụng Điều 260 BLHS 2015, để việc áp dụng điều luật thật sự chính xác và hiệu quả thì rất cần sự quan tâm của các cơ quan liên ngành Trung ương, để sớm ban hành hướng dẫn thống nhất trong áp dụng. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn mới đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.


                                        Phạm Việt Hùng - VKSND huyện Sơn Dương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top