Yên Sơn là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh Tuyên Quang, phía Đông giáp các huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn); phía Tây giáp huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái); phía Nam giáp huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang); phía Bắc giáp huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang). Toàn huyện có 28 đơn vị hành chính cấp xã, tổng diện tích tự nhiên 1.060,7 km2; dân số hơn 145.000 người. Là địa bàn bao quanh Thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn huyện đã hình thành các cụm xã và những trung tâm tập trung buôn bán, nơi cung cấp, trao đổi hàng hóa, như: khu vực ATK, khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm... Do vậy, ngoài những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì Yên Sơn luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn.
Trong những năm gần đây tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Yên Sơn diễn biến theo chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số bị can; tính chất, thủ đoạn thực hiện hành vi ngày càng phức tạp tập trung chủ yếu ở một số loại tội như: Cố ý gây thương tích, Trộm cắp tài sản, Đánh bạc, Tàng trữ trái phép chất ma túy … Chỉ tính từ 01/12/2019 đến 30/9/2020, Viện KSND huyện Yên Sơn đã kiểm sát việc tiếp nhận trên 130 tố giác, tin báo về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trên 110 vụ… Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự, cán bộ, Kiểm sát viên khi được phân công luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc nghiên cứu kỹ hồ sơ ngay từ khi Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn bắt khẩn cấp, phê chuẩn khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam. Các trường hợp Viện kiểm sát phê chuẩn đều đúng theo quy định pháp luật, tại phiên tòa Kiểm sát viên bảo vệ được Cáo trạng truy tố, đề nghị xét xử tội danh, hình phạt và các vấn đề khác có liên quan trong vụ án hầu hết được Hội đồng xét xử chấp nhận; không có trường hợp nào bị Tòa tuyên không phạm tội. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết vụ án hình sự của Viện KSND huyện Yên Sơn còn một số tồn tại, thiếu sót như: có 01 vụ án bị Tòa phúc thẩm hủy án điều tra lại do lọt tội; 01 vụ bị Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác; 01 vụ bị Viện KSND tỉnh Tuyên Quang kháng nghị theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại đối với bị cáo về tội danh khác... Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần do Kiểm sát viên, Kiểm tra viên là cán bộ trẻ mặc dù được đào tạo chính quy, đúng chuyên môn nhưng thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc. Mặt khác vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, thụ động, không kịp thời phát hiện được những mâu thuẫn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện. Bên cạnh đó, Lãnh đạo đơn vị chưa thật sự sát sao trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; chưa kịp thời đề ra những biện pháp để kiểm tra, đôn đốc Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết vụ án hình sự trong thời gian tới, đảm bảo việc khởi tố, truy tố đúng người, đúng tội; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật Viện KSND huyện Yên Sơn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự, cụ thể như sau:
- Một là, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ. Ngay từ khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho đến khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Kiểm sát viên luôn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, khẩn trương đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra để Cơ quan điều tra kịp thời thu thập chứng cứ, làm rõ đối tượng; nghiên cứu kỹ, toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu phải thực hiện theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, phải chú ý đến các chứng cứ buộc tội và cả chứng cứ gỡ tội. Phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải trao đổi tìm giải pháp đồng thời báo cáo ngay với Lãnh đạo hai ngành để kịp thời giải quyết vướng mắc. Đối với các vụ án phức tạp trong việc xác định tội danh, người thực hiện hành vi trong vụ án đồng phạm thì Kiểm sát viên cần báo cáo lãnh đạo tổ chức họp liên ngành để thống nhất, đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
- Hai là, nâng cao ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Bản thân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra nói riêng và cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị nói chung phải tích cực nghiên cứu, học tập nắm vững các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, các luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn; nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thường xuyên rèn luyện lỹ năng nghiệp vụ về nghiên cứu hồ sơ, đề ra yêu cầu điều tra, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường…Tự đánh giá lại kết quả hoạt động sau mỗi vụ án, không ngừng học tập hoàn thiện hơn kỹ năng nghiệp vụ của mình.
Đơn vị chú trọng tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện khâu công tác này được nâng cao trình độ nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Ngành, cấp trên tổ chức. Qua đó, kịp thời bổ sung lượng kiến thức mới đáp ứng được với sự thay đổi của tình hình mới, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay áp dụng các bộ luật mới.
- Ba là, nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự. Với số lượng án ngày càng tăng và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp thì việc phân bổ số lượng cán bộ rất quan trọng. Với số lượng biên chế phẩn bổ về đơn vị có hạn, từng khâu công tác nghiệp vụ nào cũng có vai trò quan trọng nhất định, cho nên Lãnh đạo Viện đã có định hướng đào tạo nguồn hiện có của các bộ phận khác, tránh tình trạng một cán bộ, Kiểm sát viên chỉ biết một khâu công tác. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự thông qua chế độ họp giao ban định kỳ và bất thường, nắm bắt đầy đủ, kịp thời, cụ thể những khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó có biện pháp xử lý, giải quyết đúng pháp luật. Đối với các vụ án phức tạp, cần phân công Kiểm sát viên có năng lực trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra. Lãnh đạo Viện được phân công phụ trách khâu công tác phải sâu sát nắm tình hình, tiến độ và kết quả điều tra thu thập chứng cứ. Đối với các vụ án phức tạp, Lãnh đạo Viện phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, chỉ đạo việc đề ra yêu cầu điều tra, đồng thời chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra thống nhất biện pháp điều tra, giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Viện cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên đối với công việc được giao. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, kết hợp nghe báo cáo, đề xuất của Kiểm sát viên với việc trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, từ đó kịp thời phát hiện những thiếu sót để khắc phục, bảo đảm hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ, đúng pháp luật.
Trên đây là một số nhiệm vụ, giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự tại Viện KSND huyện Yên Sơn trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Tú Anh - Viện KSND huyện Yên Sơn