Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 4570

   Một số giải pháp nâng cao chất lượng Bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên


Thứ ba - 15/11/2016 08:27

          Yêu cầu điều tra là một quyền năng quan trọng và cơ bản của Kiểm sát viên. Trong quá trình thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, một bản Yêu cầu điều tra có chất lượng giúp ích rất nhiều cho Cơ quan điều tra trong việc thu thập, củng cố chứng cứ và hoàn thiện thủ tục tố tụng, góp phần tích cực vào việc giải quyết vụ án. Điều này được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 37 và Khoản 2 Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003; Điểm e Khoản 1 Điều 42 và Khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 và Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.

          Đồng chí Bùi Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSNDTC đã khái quát đầy đủ, cụ thể, chi tiết và bao quát toàn bộ những việc cần làm của một bản yêu cầu điều tra, đó là: “Bản yêu cầu điều tra là một văn bản tố tụng do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra thực hiện, nêu rõ những vấn đề điều tra cần thu thập, củng cố chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng bảo đảm cho việc điều tra, truy tố được toàn diện, khách quan và triệt để theo đúng quy định của pháp luật”.

          Theo quy định, yêu cầu điều tra được thể hiện dưới hai hình thức: bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Chỉ có thể thực hiện bằng lời nói khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đối chất, thực nghiệm điều tra. Tóm lại là trong các trường hợp Kiểm sát viên không thể hoặc không có điều kiện ra yêu cầu điều tra bằng văn bản. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến yêu cầu điều tra bằng văn bản.

          Việc đề ra yêu cầu điều tra giúp Kiểm sát viên thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc thu thập, củng cố chứng cứ và hoàn thiện thủ tục tố tụng của một vụ án hình sự, đồng thời giúp giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và triệt để, góp phần hạn chế oan sai hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Yêu cầu điều tra phải chỉ ra được những vấn đề liên quan đến việc đánh giá chứng cứ, thủ tục tố tụng và những mâu thuẫn chưa được điều tra làm rõ trong quá trình điều tra.

          Tuy nhiên trên thực tiễn cho thấy, một số Kiểm sát viên chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình kiểm sát điều tra. Kiểm sát viên đã không thường xuyên nghiên cứu hồ sơ để nắm chắc tiến độ điều tra vụ án nên không đề ra những yêu cầu điều tra sát thực, đầy đủ để định hướng điều tra, chỉ đạo điều tra vụ án. Hơn nữa, do chủ quan nên một số Kiểm sát viên đã coi nhẹ yêu cầu điều tra chỉ xem nó như một thủ tục tố tụng cần phải có, vô hình chung làm mất đi quyền năng vốn có mà pháp luật đã trao cho.

          Để có một văn bản yêu cầu điều tra có chất lượng, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trên cơ sở những chứng cứ tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, định hướng đúng và phải suy luận có căn cứ, không suy đoán hoặc suy diễn một cách tùy tiện. Kinh nghiệm cho thấy, khi đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần tập trung vào hai vấn đề chính đó là về thủ tục tố tụng và về thu thập chứng cứ.

          Về thủ tục tố tụng: Yêu cầu điều tra đặt ra là việc thu thập chứng cứ phải đảm bảo đúng thủ tục tố tụng là một yêu cầu bắt buộc để đảm bảo giá trị pháp lý, giá trị chứng minh của chứng cứ trong vụ án hình sự. Do vậy Kiểm sát viên phải hết sức chú ý, khi kiểm tra tài liệu chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã thu thập, nếu phát hiện có vi phạm thì kiên quyết phải yêu cầu bổ sung cho đúng thủ tục.

          Về chứng cứ vụ án: Yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; khám xét dấu vết trên thân thể; trưng cầu giám định; giám định bổ sung; giám định lại; khám xét, thu giữ đồ vật tài sản; yêu cầu lấy lời khai người tham gia tố tụng, hỏi cung bị can về những nội dung cần chứng minh, làm rõ; yêu cầu tiến hành đối chất, nhận dạng...

          Làm rõ có hành vi phạm tội, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và những đặc điểm về nhân thân của bị can; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…

          Qua thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, để có một bản yêu cầu điều tra hiệu quả, thật sự có chất lượng, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

          Thứ nhất, cần quán triệt cho Kiểm sát viên có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của bản yêu cầu điều tra; phải xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, đối với bất kỳ vụ án nào, bắt đầu ngay từ giai đoạn tin báo.

          Thứ hai, nắm chắc các bước quan trọng trong việc xây dựng bản yêu cầu điều tra. Cụ thể:

          - Bước 1: Nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để áp dụng giải quyết các vấn đề cụ thể.

          - Bước 2: Đặt các giả thuyết để hình dung toàn bộ diễn biến của vụ án, rồi đặt ra các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án (đánh giá chứng cứ để xác định về câu hỏi đó có thể trả lời được không? Có chắc chắn đủ căn cứ không? Nếu không, thì phải làm gì để có câu trả lời chính xác?...).

          - Bước 3: Xem xét kỹ những nội dung nào về thủ tục tố tụng chưa thực hiện hay đã thực hiện nhưng chưa đúng quy định của BLTTHS thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện và khắc phục bổ sung.

          - Bước 4: Soạn thảo yêu cầu điều tra đảm bảo đúng hình thức, nội dung quy định và phải thông qua lãnh đạo phụ trách trước khi ban hành.

          Kiểm sát viên phải thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra, nắm những vấn đề phát sinh cần điều tra tiếp thì trao đổi trực tiếp bằng lời nói với Cơ quan điều tra hoặc ra bản yêu cầu điều tra bổ sung. Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ lại một lần cuối để xác định những nội dung trong bản yêu cầu điều tra đã thực hiện hết chưa, nếu chưa hoàn thiện thì yêu cầu hoàn thiện trước khi ban hành kết luận điều tra.

          Thứ ba, làm tốt công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trong việc thực hiện bản yêu cầu điều tra nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Trong những trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can, lấy lời khai, tiến hành xác minh… 

          Thứ tư, Kiểm sát viên phải tích cực học tập, nghiên cứu và nắm chắc lý luận về tội phạm, các văn bản luật và các văn bản khác có liên quan về xử lý các tội phạm cụ thể. Đồng thời phải rèn luyện kỹ năng tư duy tổng hợp, phân tích đánh giá và xây dựng văn bản để nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản yêu cầu điều tra.

          Thứ năm, Lãnh đạo phụ trách cần giám sát, kiểm tra đối với Kiểm sát viên trong quá trình đề ra yêu cầu điều tra, việc thực hiện yêu cầu điều tra của Cơ quan điều tra để có những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

          Nếu làm tốt được những nội dung nêu trên chắc chắn chất lượng bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên sẽ được nâng cao, xứng đáng là sản phẩm của ý chí, thể hiện năng lực, trình độ cá nhân của Kiểm sát viên và đại diện cho quyền năng của đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

 
Phùng Gia Tự
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top