Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2021, Kế hoạch số 28/KH-VKS-VP ngày 08/01/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) đã tham mưu cho lãnh đạo Viện xác định công tác kiểm sát bản án, quyết định là một trong nhiệm vụ thường xuyên và đề ra mục tiêu phấn đấu: “Nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhân dân” góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..
Công tác Kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án là một trong những hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được quy định tại khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức, góp phần bảo đảm pháp luật được thực hiện thống nhất. Đây là chức năng, nhiệm vụ được giao của phòng ngay từ đầu năm, Phòng chủ động bám sát chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của phòng để triển khai thực hiện, phân công cụ thể công việc cho từng Kiểm sát viên; kiểm sát bản án, theo dõi hướng dẫn cấp huyện; nghiên cứu báo cáo đề xuất xét xử do Viện kiểm sát cấp huyện chuyển đến qua hòm thư điện tử nội bộ.
Từ ngày 01/12/2020 đến nay Phòng đã kiểm sát 591 bản án, quyết định của Tòa án 02 cấp, thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nhưng chưa đến mức hoặc không cần thiết phải kháng nghị hoặc vi phạm mang tính phổ biến, kéo dài để thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Ban hành 07 kiến nghị đối với Tòa án cấp huyện và 01 kiến nghị tổng hợp được Tòa án chấp nhận trả lời bằng văn bản tiếp thu rút kinh nghiệm. Với một số vi phạm điển hình như sau: Vi phạm về gửi chậm; chưa gửi bản án; bản án trùng số; bản án không đóng dấu; chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù theo điểm b khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự; khấu trừ thời hạn tạm giữ không đúng quy định; không tuyên quyền kháng cáo; tuyên quyền kháng cáo không đúng quy định; vụ án có đồng phạm nhưng không áp dụng Điều 58 Bộ luật Hình sự và một số thiếu sót khác trong việc ban hành bản án.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do áp dụng quy định pháp luật còn thiếu thống nhất; một số vụ, việc do tính chất phức tạp, nếu chỉ thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định rất khó phát hiện được vi phạm của Tòa án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị. Bên cạnh đó do trình độ năng lực của Kiểm sát viên còn hạn chế; công tác kiểm sát bản án, quyết định ở nhiều đơn vị cấp huyện chưa được quan tâm, chú trọng.
Nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, thực hiện có hiệu quả chức năng của Ngành, trong thời gian tới Phòng 7 đề ra một số giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự” . Lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; tạo điều kiện để Kiểm sát viên được tập huấn, nghiên cứu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác kiểm sát bản án, quyết định.
Hai là: Để thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định Kiểm sát viên, được phân công: Mở sổ hoặc ứng dụng phần mềm để tiếp nhận, quản lý chặt việc gửi bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 30 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Kiểm sát nội dung của bản án, quyết định chú ý phần nhận định, kết luận của bản án phản ánh đúng bản chất vụ án chưa, có căn cứ đúng pháp luật không? tính có căn cứ, hợp pháp của phần quyết định: Căn cứ áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, về hình phạt, trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào phần chấp hành hính phạt tù có thời hạn của bị cáo, việc tổng hợp hình phạt của nhiều tội, nhiều bản án, áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng tình tiết định khung; tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; trách nhiệm bồi thường dân sự, án phí, xử lý vật chứng và những vấn đề khác của vụ án… hình thức của bản án, quyết định có đúng với mẫu của Tòa án nhân dân tối cao ban hành không; thẩm quyền; thời hạn chuẩn bị xét xử; thành phần hội đồng xét xử; xác định tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng; thời hạn gửi bản án, quyết định.
Ba là: Khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên phải lập phiếu kiểm sát đúng mẫu đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đầy đủ và kịp thời. Nếu phát hiện vi phạm, kịp thời báo cáo lãnh đạo về đường lối xử lý.
Bốn là: Tăng cường kiểm sát bản án, quyết định do Tòa án cấp sơ thẩm gửi lên, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng thì phải kháng nghị phúc thẩm kịp thời. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm thì phải báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Hằng năm tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp huyện đánh giá rút kinh nghiệm thấy được ưu điểm và hạn chế, đề ra giải pháp phù hợp.
Trên đây là một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát bản án, quyết định của Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
Đậu Thị Tuyết Hảo - Phòng 7 VKSND tỉnh