Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của ngành, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự đã được tăng cường; việc nghiên cứu, học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật của Kiểm sát viên được chú trọng nên chất lượng công tác kiểm sát các vụ, việc dân sự được nâng lên, đảm bảo quá trình giải quyết các vụ việc kịp thời, đúng quy định của pháp luật và góp phần nâng cao vai trò của Kiểm sát viên và ngành Kiểm sát nhân dân.
Năm 2022, đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Sơn đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt khâu công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, thụ lý giải quyết 476 vụ, việc, đã giải quyết 325 vụ, 04 việc (đình chỉ 83 vụ; công nhận sự thỏa thuận của đương sự 144 vụ; xét xử 98 vụ; mở phiên họp 04 việc); tạm đình chỉ 03 vụ, đã ban hành 04 kiến nghị tổng hợp và 01 kiến nghị phòng ngừa đối với UBND huyện về tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện, trong năm không có vụ, việc nào bị cấp phúc thẩm sửa, hủy.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của Kiểm sát viên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về nhận thức pháp luật; trách nhiệm của Kiểm sát viên; kỹ năng kiểm sát tại phiên tòa ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác này, như: Thời gian thụ lý giải quyết vụ án quá thời hạn luật định; việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện; chưa chấp hành đúng các quy định về trình tự tố tụng… Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò của Viện kiểm sát và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công đã không phát hiện được vi phạm về tố tụng trong giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; có vụ án, Kiểm sát viên chưa chú trọng nghiên cứu sâu nội dung vụ án nên khi có vi phạm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật trong giải quyết vụ án nhưng không biết hoặc biết nhưng bỏ qua. Công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên và Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án dân sự không kịp thời, không trao đổi những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung vụ án, nên khi Thẩm phán đi thẩm định, thu thập chứng cứ không đầy đủ hoặc thu thập nhưng không cung cấp đầy đủ cho Viện kiểm sát trước khi tiến hành xét xử, gây khó khăn cho Kiểm sát viên trong việc đánh giá chứng cứ và đề xuất đường lối giải quyết vụ án. Đối với việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên còn thụ động, nghiên cứu không đầy đủ tài liệu nên không phát hiện được những vi phạm về tố tụng trong thu thập, đánh giá chứng cứ của Thẩm phán.
Xác định khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự là khâu công tác đột phá quan trọng của ngành, năm 2023 và những năm tiếp theo đơn vị tiếp tục xác định khâu công tác này là khâu công tác trọng tâm và Viện trưởng trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Theo khoản 1 Điều 7 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì:
“Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Điều này cho thấy vai trò quan trọng của người đứng đầu. Viện trưởng không chỉ là người giữ vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động chung của đơn vị mà là người có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự. Để công tác giải quyết các vụ, việc dân sự đạt hiệu quả, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cụ thể:
Một là, phân công công việc khoa học, hợp lý, khi phân công nhiệm vụ hợp lý sẽ tạo tạo điều kiện cho Kiểm sát viên có thời gian tập trung nghiên cứu hồ sơ để có thể thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời phát hiện các vi phạm để kiến nghị, kháng nghị từ đó nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết án dân sự cũng như đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong công tác giải quyết án dân sự.
Hai là, lĩnh vực dân sự là một lĩnh vực phức tạp có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong khi đó có những quy định pháp luật chưa rõ ràng, cách hiểu và cách vận dụng quy định pháp luật còn chưa thống nhất vì vậy để thực hiện tốt công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu, học hỏi, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ đồng nghiệp, các văn bản hướng dẫn của ngành, các thông báo rút kinh nghiệm, các buổi tập huấn chuyên sâu hoặc tranh thủ ý kiến của các phòng nghiệp vụ, chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo ngành.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp vi phạm, thực hiện việc kiến nghị, kháng nghị.
Đây là chức năng đặc thù của ngành kiểm sát nhân dân và đã được cụ thể hoá trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm đảm bảo hoạt động của Tòa án tuân thủ theo đúng quy trình của Bộ luật tố tụng dân sự. Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân phát hiện và tổng hợp vi phạm của Tòa án để kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị.
Bốn là. tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân phải tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa hai ngành theo đúng quy chế phối hợp liên ngành. Lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành hàng quý để bàn thống nhất đường lối, quan điểm xử lý đối với các vụ việc dân sự phức tạp. Việc tổ chức cuộc họp liên ngành hàng quý giúp đơn vị kịp thời nắm bắt được các hoạt động tố tụng của Tòa án để tránh tình trạng bị động trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.
Năm là, tăng cường sử dụng ứng dụng Công nghệ thông tin, sơ đồ hóa, trình chiếu các chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự.
Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử các vụ, việc dân sự là cần thiết và cần phải được ứng dụng thường xuyên. Bởi những vụ, việc phức tạp, nhiều tài liệu liên quan nhất là những vụ án về lĩnh vực đất đai… khi Kiểm sát viên tham gia xét hỏi sẽ đồng thời trình chiếu các tài liệu đã sao chụp cho các bên đương sự có mặt tại phiên tòa cùng xem từ đó sẽ làm rõ được nhiều vấn đề còn chưa rõ hay còn mâu thuẫn giúp cho việc giải quyết được chính xác và hiệu quả hơn.
Nguyễn Thị Tú Anh - VKSND huyện Yên Sơn