Những năm gần đây công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, ngày 28/7/2017, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-VKSTC về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó Viện trưởng Viện KSND các cấp có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và đưa công tác tiếp công dân vào chương trình, kế hoạch của đơn vị, lấy hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác hằng năm; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên lâu dài.
Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân của Viện kiểm sát là một công việc phức tạp, phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định và đạt được mục đích mà pháp luật đề ra. Kiểm sát viên, cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và của Ngành như: Phải bảo đảm trang phục Ngành đúng quy định; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Điểm quan trọng đầu tiên là Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân phải nắm bắt được các tiêu chí phản ảnh đặc điểm của việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh như: Họ tên, địa chỉ của công dân được tiếp, họ là người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hay là người được ủy quyền; yêu cầu nguyện vọng của họ là gì. Phải nắm được nội dung, diễn biến sự việc, lý do dẫn đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và bước đầu xác định thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào, tiếp nhận hoặc giải thích cho công dân đến cơ quan có thẩm quyền.
Ngay từ ban đầu Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân phải xác định được nội dung đơn, thẩm quyền giải quyết, đủ điều kiện thụ lý mới quyết định có tiếp nhận đơn hay không. Nếu khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc giải thích, hướng dẫn công dân cũng là một nhiệm vụ trong công tác tiếp công dân, người tiếp công dân phải sử dụng vốn kiến thức hiểu biết, kinh nghiệm trong công tác kiểm sát để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, việc tiếp công dân không có một khuôn mẫu cụ thể; tùy điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể mà người tiếp công dân có sự sáng tạo, linh hoạt về phương pháp, nghiệp vụ tiếp công dân cho phù hợp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp công dân, đòi hỏi Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân phải thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức tương đối sâu sắc và toàn diện về nhiều lĩnh vực từ chính sách pháp luật, công tác quản lý cho đến văn hóa ứng xử, nghệ thuật giao tiếp.
Tiếp công dân là công việc ban đầu và có mối quan hệ chặt chẽ với công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện KSND, kết quả tiếp công dân ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành. Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chúng tôi đưa ra một số kỹ năng cần chú trọng như sau:
Thứ nhất, phải kiểm tra các thông tin cần thiết để xác định được điều kiện của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) và tiến hành các thủ tục kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ để xác định họ là người tự mình thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hay là người đại diện, người được ủy quyền; nếu giấy ủy quyền không hợp lệ và không theo đúng quy định của pháp luật thì giải thích và hướng dẫn họ làm lại các thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định và ghi chép vào sổ tiếp công dân các thông tin cơ bản về nhân thân của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Nếu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 9 Luật tiếp công dân như: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người có biểu hiện mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân, thì Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân được quyền từ chối tiếp nhưng phải giải thích cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được biết lý do từ chối tiếp.
Nếu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc các trường hợp theo quy định Điều 9 Luật tiếp công dân thì Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân.
Thứ hai, phổ biến quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Điều 7 Luật tiếp công dân, cụ thể:
"1. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây:
a) Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;
c) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân;
d) Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
đ) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền sử dụng người phiên dịch;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình."
Thứ ba, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.
Lắng nghe, ghi chép đầy đủ nội dung trình bày của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung (khiếu nại, tố cáo đông người) thì yêu cầu họ cử đại diện để trình bày. Cần kiên quyết và khéo léo phối hợp với lực lượng bảo vệ để hạn chế tình trạng tụ tập quá đông, gây mất trật tự ngay tại phòng tiếp công dân, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiếp công dân.
Tiếp nhận đơn để nghiên cứu phân loại để xử lý theo quy định của pháp luật; nếu công dân không tự viết được đơn thì Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do công dân trình bày; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị công dân ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Trường hợp công dân cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân tiếp nhận giấy tờ, tài liệu phải viết giấy biên nhận (theo mẫu) giao cho công dân.
Đối với những vụ, việc khiếu nại, tố cáo pháp luật quy định còn trình tự giải quyết tiếp thì hướng dẫn cho công dân khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết; trường hợp khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật thì hướng dẫn công dân làm đơn đề nghị kiểm tra lại việc giải quyết gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Thứ tư, kết thúc tiếp công dân Kiểm sát viên, cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra lại đơn, các tài liệu đã nhận do công dân cung cấp; đọc biên bản bản ghi lời trình bày của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) và yêu cầu họ ký tên xác nhận; ghi chép đầy đủ các ý kiến bổ sung của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào sổ tiếp công dân.
Nâng cao kỹ năng, thực hiện tốt công tác tiếp công dân trong ngành Kiểm sát là góp phần phát huy quyền dân chủ của nhân dân, là cơ hội để Kiểm sát viên, cán bộ trong Ngành tuyên truyền giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu rõ hơn về pháp luật. Đồng thời góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đào Thị Hảo - Viện KSND tỉnh Tuyên Quang