Ngay từ đầu năm công tác 2015, bên cạnh các chỉ tiêu nghiệp vụ theo quy định của ngành, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Phòng 8) triển khai phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thuộc phạm vi quản lý gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của ngành Kiểm sát.
Thống nhất nhận thức và xác định rõ công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị, trong đó Viện kiểm sát nhân dân giữ vai trò giám sát quá trình tổ chức thực hiện của một số đơn vị có liên quan nhằm bảo đảm các quy định của nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện đầy đủ và thống nhất, bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù. Đây là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người có quá khứ lầm lỗi; đồng thời cũng là biện pháp quan trọng góp phần hạn chế tỷ lệ tái phạm tội; chủ động quản lý, giúp đỡ và thực hiện công tác phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Tính đến ngày 30/11/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã trực tiếp kiểm sát 02 cuộc tại Trại giam Quyết Tiến, Tổng cục VIII, Bộ Công an và 04 cuộc tại Trại tạm giam Công an tỉnh (trong đó 02 cuộc kiểm sát có đại diện Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng tham gia giám sát và thực hiện phản biện xã hội), hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Thông qua các cuộc trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiến hành kiểm sát công tác chấp hành pháp luật, công tác tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng cũng như công tác quản lý, giáo dục phạm nhân tại Phân trại Trại tạm giam Công an tỉnh và Trại giam Quyết Tiến, Tổng cục VIII, Bộ Công an đóng trên địa bàn và những đơn vị có nhiệm vụ thi hành các hình phạt ngoài hình phạt tù, các biện pháp tư pháp. Đơn vị chú trọng việc thực hiện nghiệp vụ công tác kiểm sát gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với phạm nhân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành quy chế, nội quy giam giữ, tạo niềm tin cho họ yên tâm cải tạo, chấp hành án, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực sau:
Thứ nhất: Thường xuyên duy trì thực hiện tốt nội dung Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án hình sự với Trại giam Quyết Tiến, Tổng cục VIII, Bộ Công an và với các cơ quan Tòa án nhân dân tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự, Trại tạm giam Công an tỉnh trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; bảo đảm công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù, chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, các hình phạt ngoài hình phạt tù và các biện pháp tư pháp khác đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai: Thông qua công tác kiểm sát, Kiểm sát viên tăng cường trực tiếp gặp, hỏi và tạo mọi điều kiện để phạm nhân được nói lên nguyện vọng, quan điểm, ý kiến của mình đối với công tác quản lý, giáo dục cảm hóa cũng như việc bảo đảm quyền con người trong quá trình cải tạo; khuyến khích phạm nhân giúp đỡ nhau trong học tập, lao động cải tạo; Phối hợp với cơ quan giam giữ đối chiếu, rà soát các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét giảm án (đợt Tết Nguyên Đán Ất Mùi; 30/4; 02/9) bảo đảm kịp thời, công bằng, dân chủ và công khai với tổng số 2.748 phạm nhân, gồm Trại giam Quyết Tiến 2.704 phạm nhân (trong đó giảm hết án cho 543 phạm nhân); Phân trại tạm giam 44 phạm nhân, các trường hợp Viện kiểm sát đề nghị đều được Hội đồng xét giảm án chấp nhận. Kiểm sát công tác lập hồ sơ đề nghị Đặc xá tha tù trước thời hạn (đợt 02/9) cho 18 phạm nhân phân trại Trại tạm giam và 01 bị án đang được hoãn thi hành án, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn đã được Chủ tịch nước đặc xá.
Thứ ba: Kiểm sát chặt chẽ việc trích tỷ lệ % từ kết quả lao động của phạm nhân để lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm kịp thời nhiệm vụ chi hỗ trợ cho phạm nhân khi ra trại trở về địa phương theo đúng quy định.
Thứ tư: Chú trọng tiến hành kiểm sát việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật, bảo đảm cho phạm nhân khi thời hạn chấp hành xong án phạt tù còn lại từ hai tháng trở xuống phải được học tập, trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản trước khi họ trở về địa phương, qua đó giúp cho họ nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những thông tin cần thiết có liên quan như thông tin thời sự về chính sách, tình hình kinh tế - xã hội- văn hóa, về giá cả, thị trường lao động, việc làm, thu nhập…; giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức cần thiết, trợ giúp tư vấn về tâm lý nhằm định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bản thân khi họ chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Thứ năm: Tập trung kiểm sát công tác dạy học, xóa mù chữ và giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân trong quá trình cải tạo; bảo đảm phạm nhân biết đọc biết viết, được đào tạo, lao động bằng một nghề, công việc nhất định, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội sau này.
Thứ sáu: Kiểm sát chặt chẽ công tác cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt cho người chấp hành án bảo đảm chính sác, kịp thời, đúng thời hạn luật định. Kịp thời kiểm sát hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện xóa án tích; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh xóa án tích cho 27 trường hợp, trong đó: cấp Giấy chứng nhận xóa án tích đương nhiên 26 trường hợp và xóa án tích trước thời hạn theo thủ tục đặc biệt 01 trường hợp bảo đảm đúng quy định của Bộ luật hình sự và Luật Lý lịch tư pháp. Đây là một chế định thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta; pháp luật quy định, kể từ thời điểm người bị kết án được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận xóa án tích thì không bị coi là có án; như vậy họ được bình đẳng như các công dân khác khi thực hiện quyền công dân cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm, học tập, kinh doanh… là cơ sở hữu hiệu để họ tái hòa nhập cộng đồng.
Thứ bảy: Thường xuyên rà soát các trường hợp người đang chấp hành hình phạt hoặc đã chấp hành xong hình phạt, còn phải thi hành án về dân sự đối với các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu, truy thu… cho ngân sách nhà nước có đủ điều kiện để đề nghị xét miễn, giảm cho họ theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn; nhiều người đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương nhưng tỷ lệ giải quyết, bố trí sắp xếp được công ăn việc làm họ còn hạn chế, bên cạnh đó một số người ra trại nhưng không chịu khó lao động hoặc bỏ đi nơi khác... cũng đã phần nào ảnh hưởng đến đến hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương.
Thực hiện cuộc vận động của ngành Kiểm sát xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác kiểm sát thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 01/02/2012 của UBND tỉnh Tuyên Quang thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh; đồng thời từng bước thay đổi thái độ, hành vi kỳ thị, định kiến của một bộ phận xã hội đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù; tạo điều kiện, khuyến khích họ làm ăn lương thiện, không vi phạm pháp luật hoặc tái phạm tội; cùng với các cơ quan chức năng từng bước thực hiện chương trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
Lưu Tiến Độ