Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2499

   ​Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả lĩnh vực đột phá, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.


Thứ ba - 15/11/2016 10:25
 
          Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị công tác, kế hoạch công tác trọng tâm năm 2016 của ngành Kiểm sát nhân dân; ngay sau Hội nghị triển khai công tác năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch số 07/KH-VKS ngày 18/01/2016 xác định lĩnh vực đột phá năm 2016 về “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm” và xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, tổ chức triển khai đến các đơn vị và cán bộ, công chức trong toàn ngành Kiểm sát Tuyên Quang để tổ chức thực hiện. Việc triển khai thực hiện lĩnh vực đột phá, nhiệm vụ trọng tâm đã giúp cho cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ tầm quan trọng trong việc đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực công tác; hạn chế đến mức thấp nhất những tồn tại, thiếu sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ Cán bộ, Kiểm sát viên trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; là một trong những nội dung cơ bản để đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động xây dựng đội ngũ Cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Để thực hiện tốt lĩnh vực đột phá, ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã xác định và thực hiện các nhiệm vụ trong tâm, đó là:

          1. Quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, của Ngành tại các Hội nghị giao ban tuần, giao ban tháng, Hội nghị cán bộ đảng viên, thông tin thời sự…

          2. Mời chuyên gia tổ chức tập huấn chuyên sâu các đạo luật mới về tư pháp có hiệu lực từ 01/7/2016. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp, ngay sau Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của ngành, trong các ngày 12, 13 và 19/01/2016, Lãnh đạo Viện tỉnh đã mời các giảng viên, chuyên gia đầu ngành trực tiếp tham gia vào các Ban soạn thảo luật để tổ chức tập huấn 05 Bộ luật, gồm: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật dân sự; Luật tố tụng hành chính cho cán bộ, Kiểm sát viên. Ngày 19/5/2016 tổ chức tập huấn trực tuyến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đến các điểm cầu Viện kiểm sát cấp huyện cho toàn thể lãnh đạo, công chức trong Ngành. Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh đã báo cáo và làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị triển khai luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị giao ban các cơ quan Khối Nội chính tỉnh quý I/2016 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các đạo luật mới tư pháp được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

          3. Lãnh đạo Viện tỉnh đã mời giảng viên, chuyên gia đầu ngành tổ chức tập huấn kỹ năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định tội danh cho 100% Kiểm sát viên Trung cấp, Sơ cấp ở tất cả các khâu công tác (khuyến khích chuyên viên, Kiểm tra viên tham gia).

         4. Trong 02 ngày 24, 25/6/2016 VKSND tỉnh đã tổ chức cuộc thi “Kiểm sát viên sơ cấp giỏi” ngành Kiểm sát Tuyên Quang đối với 47 đồng chí  (khuyến khích đối tượng Chuyên viên, Kiểm tra viên trở lên tham gia và có thang điểm riêng) và tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” theo chỉ đạo của VKSND tối cao đối với  45 đồng chí. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi đã có thêm cơ sở để đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, từ đó bố trí cán bộ cho phù hợp.

          5. Củng cố phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để giám sát phiên tòa trực tuyến, đã phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa hình sự kết nối từ Hội trường xét xử đến các điểm cầu Viện kiểm sát cấp huyện để theo dõi nhằm bổ sung kiến thức và thực tiễn cho các Kiểm sát viên, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện.

          6. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý để thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành.

        7. Phát hiện nhân tố điển hình có năng lực, đặc biệt chú trọng cán bộ trẻ có triển vọng giới thiệu với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực lâu dài cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và huyện. Kết quả quy hoạch các chức danh nhiệm kỳ 2016 -  2021 được Ban cán sự đảng VKSND tối cao phê duyệt chức danh Viện trưởng VKSND tỉnh 03 đồng chí; chức danh Phó Viện trưởng VKSND tỉnh 06 đồng chí; chức danh Trưởng Phòng 13 đồng chí; chức danh Viện trưởng VKSND cấp huyện 14 đồng chí; chức danh Phó Trưởng Phòng 08 đồng chí và chức danh Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện 21 đồng chí.

          8. Việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh có văn bản gửi Thường trực các huyện ủy, thành ủy đề nghị quan tâm đến công tác nhân sự đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố đối với các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố để các đồng chí có điều kiện phục vụ được tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành tại địa phương. Có 01 đồng chí Kiểm sát viên được cơ cấu và tiến hành hiệp thương lần 2, nhưng do yêu cầu công tác được điều động về VKSND tỉnh nên không thể tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân huyện.

          Để đạt được kết quả trong việc thực hiện lĩnh vực đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Có nhiều giải pháp được xác định từ năm 2013 cho đến nay và qua từng năm tổng kết thấy giải pháp nào phù hợp, phát huy tốt thì tiếp tục duy trì thực hiện, đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ mới để tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2016, đó là:

          1. Toàn ngành Kiểm sát Tuyên Quang thực hiện nghiêm túc việc gửi, nhận văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản hành chính không thuộc độ mật theo quy định qua hệ thống thư điện tử nội bộ của VKSND tỉnh; 16 giờ hằng ngày Lãnh đạo các đơn vị vào thư điện tử nội bộ để tiếp nhận sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện tỉnh; các cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự phải xây dựng các báo cáo đề xuất từ khi phê chuẩn, dự thảo cáo trạng, đề xuất áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát xét xử được Lãnh đạo duyệt trước khi gửi qua thư điện tử nội bộ của ngành đến các Phòng nghiệp vụ để nghiên cứu, hướng dẫn, đã giúp cho Viện kiểm sát cấp huyện hạn chế được những thiếu sót, vi phạm...

          2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng kế hoạch công tác thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, theo đó kế hoạch của các đồng chí Lãnh đạo Viện tỉnh, sẽ được đưa ra Ban cán sự đảng tham gia góp ý kiến; kế hoạch của các đồng chí Trưởng Phòng và Viện trưởng VKSND các huyện, thành phố, sẽ được đưa ra góp ý tại Hội nghị giao ban tháng đầu tiên trong năm của VKSND tỉnh; kế hoạch của các đồng chí Phó Trưởng phòng, Phó Viện trưởng VKSND các huyện, thành phố trở xuống sẽ được đưa ra góp ý tại cuộc họp đầu tiên năm của đơn vị. Đến cuối năm công tác, từng cán bộ phải báo cáo kết quả thực hiện, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, nguyên nhân, lý do; đồng thời cũng lấy đó làm căn cứ để đánh giá, phân loại cán bộ qua các đợt thi đua và cuối năm.

          3. Cá nhân người đứng đầu VKSND các huyện, thành phố; phòng 1, 3, 7 phải xây dựng Kế hoạch và đề ra các giải pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

          4. Các đồng chí Trưởng Phòng nghiệp vụ ngoài công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải trực tiếp thực hiện 10%; các đồng chí Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ, Phó Viện trưởng VKS cấp huyện phải trực tiếp thực hiện 20% công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao phụ trách. Biện pháp này đã tạo điều kiện cho cán bộ quản lý không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có nhiều thời gian trực tiếp giải quyết công việc để làm tốt công tác quản lý, đồng thời khắc phục được phần nào thực trạng thiếu Kiểm sát viên trong giải quyết công việc, nhất là ở cấp huyện.

          5. Các Phòng 1, 3, 7 tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ đối với VKSND các huyện, thành phố trong việc giải quyết các vụ án hình sự; xác định công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và chiếm 60% thời gian, 40% thời gian còn lại là trực tiếp giải quyết án.

          6. Phân công cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên kèm cặp đối với Kiểm sát viên mới bổ nhiệm; cán bộ mới tuyển dụng, nhằm hướng dẫn cho họ những thao tác nghiệp vụ, những quy định của pháp luật, của ngành để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế những vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

          7. Khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, các Kiểm sát viên phải thực hiện tốt việc trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi báo cáo phê chuẩn, kết thúc điều tra và trong giai truy tố (đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn về phương pháp lấy lời khai, hỏi cung bị can cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên VKS hai cấp làm công tác kiểm sát giải quyết án hình sự). Thanh tra VKSND tỉnh thanh tra việc thực hiện của Kiểm sát viên.

          8. Đối với những vụ án có tình tiết phức tạp, phải thành lập tổ công tác để hỗ trợ Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử (trên thực tế ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã thực hiện đối với một số vụ án kinh tế, sở hữu và đạt được những kết quả tích cực).

          9. Hằng tuần tổ chức giao ban trực tuyến công tác; hằng tháng giao ban trực tuyến luân phiên tại Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố; trước khi giao ban, các đồng chí Trưởng Phòng nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra nghiệp vụ theo lĩnh vực được phân công phụ trách đối với đơn vị được tổ chức giao ban và báo cáo kết quả kiểm tra tại Hội nghị để Lãnh đạo Viện tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời và các đơn vị cùng rút kinh nghiệm. Sau Hội nghị ban hành thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện tại Hội nghị giao ban.

          10. Tất cả các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND tối cao, của VKSND tỉnh, các đơn vị phải đưa ra phân tích, đánh giá cụ thể trước tập thể để rút kinh nghiệm chung (do Thủ trưởng các đơn vị thực hiện).

          Việc thực hiện lĩnh vực đột phá năm 2016, cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát Tuyên Quang được nâng cao và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét, đến nay Viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát việc giải quyết 1.050 tố giác, tin báo về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 694 vụ/998 bị can; kiểm sát xét xử 463 vụ/812 bị cáo, kết quả không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra do không phạm tội, hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội hoặc Viện kiểm sát truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội...

          Với những thành tích nêu trên, năm 2016 ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về nghiệp vụ, ở các khâu công tác kiểm sát đã trực tiếp kiểm sát 80 cuộc; Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 05 kháng nghị vi phạm; 131 kiến nghị vi phạm; 27 thông báo rút kinh nghiệm, cụ thể: Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã trực tiếp kiểm sát 09 cuộc, ban hành 24 kiến nghị; công tác kiểm sát điều tra án hình sự đã ban hành 07 kiến nghị vi phạm trong hoạt động điều tra; 05 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm và 08 thông báo rút kinh nghiệm; công tác kiểm sát xét xử án hình sự đã ban hành 02 kháng nghị; 07 kiến nghị và 03 thông báo rút kinh nghiệm; công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đã trực tiếp kiểm sát 62 cuộc, ban hành 42 kiến nghị và 03 thông báo rút kinh nghiệm; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự... đã ban hành 03 kháng nghị; 28 kiến nghị và 09 thông báo rút kinh nghiệm; công tác kiểm sát Thi hành án dân sự đã trực tiếp kiểm sát 08 cuộc, đã ban hành 18 kiến nghị và 03 thông báo rút kinh nghiệm; công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã kiểm sát trực tiếp 01 cuộc, 01 thông báo rút kinh nghiệm...

          Với những kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2016 ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã được VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND tỉnh khen thưởng đối với 19 lượt tập thể và 51 lượt cá nhân trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và thi đua thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích trong công tác phối hợp với HĐND tỉnh nhiệm kỳ công tác 2011 - 2016 và 01 cá nhân được tặng bằng khen trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011 - 2015.

          Với cách làm sáng tạo, đổi mới tư duy, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát Tuyên Quang tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành vượt mức công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp và các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.

 
                                                        Ngô Xuân Tho
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top