Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Kiểm Sát Viên viết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2798

   Vướng mắc trong việc gửi bản án hình sự sơ thẩm cho Cơ quan điều tra


Thứ năm - 23/02/2023 11:19
 
Bản án là loại văn bản đặc trưng riêng có và chỉ Tòa án mới có thẩm quyền ban hành bản án theo trình tự tố tụng chặt chẽ được quy định trong pháp luật tố tụng. Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho nên nội dung của bản án phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của Hội đồng xét xử.

 
Bản án hình sự là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án hình sự; là phán quyết của Hội đồng xét xử, dựa trên kết quả tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (giữa bên công tố với bên bào chữa và những người tham gia tố tụng khác). Đây là một văn bản tố tụng quan trọng nhưng chưa có hiệu lực pháp luật ngay và có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
 
Đối với việc xét xử sơ thẩm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có những quy định mới, phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Ví dụ quy định TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu có quyền xét xử những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện và Tòa án Quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người (điểm c, khoản 2 Điều 268). Bộ luật cũng bổ sung quy định cho phép TAND cấp tỉnh và Tòa án Quân sự cấp quân khu được quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài; bổ sung 02 điều luật (Điều 272 và 273) quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án Quân sự và cách phân định thẩm quyền xét xử đối với vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.
 
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về việc gửi bản án hình sự sơ thẩm còn có vướng mắc.
 
Về thời hạn gửi bản án hình sự sơ thẩm, theo quy định tại khoản 1, Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ”.
 
Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định việc Tòa án xét xử sơ thẩm gửi bản án cho Cơ quan điều tra cùng cấp, không quy định Tòa án xét xử sơ thẩm gửi bản án cho Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra vụ án. Đối với vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên cùng cấp điều tra, kết thúc điều tra ban hành Bản kết luận điều tra chuyển đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đề nghị truy tố. Sau khi Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng truy tố bị can đến Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự đối với vụ án hoặc sau khi cơ quan điều tra cấp trên kết thúc điều tra chuyển đến Viện kiểm sát cùng cấp, sau đó Viện kiểm sát cấp trên chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cấp dưới (có thẩm quyền) để truy tố chuyển Tòa án cùng cấp, Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, ra bản án.
 
Vấn đề đặt ra là theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau khi ra bản án, Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm gửi bản án cho Cơ quan điều tra cùng cấp, nhưng Cơ quan điều tra cùng cấp không tiến hành điều tra vụ án.
 
Thực tế xảy ra, sau khi Điều tra viên đã tiến hành điều tra vụ án biết vụ án đã được xét xử nên liên hệ với Thẩm phán, Thư ký phiên tòa Tòa án xét xử sơ thẩm đề nghị gửi bản án để Cơ quan điều tra lưu hồ sơ theo quy định thì Thẩm phán, Thư ký trả lời luật không quy định gửi bản án cho Cơ quan điều tra cấp trên, dẫn đến không có bản án thì không lưu hồ sơ được, vi phạm thời hạn lưu hồ sơ của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng không thực hiện được quyền kiến nghị đối với Tòa án thông qua công tác kiểm sát việc gửi bản án.
 
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự về việc gửi bản án theo hướng “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra vụ án…

 
           Ngô Thị Vỹ
                                                             Phòng 9, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top