Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3394

   Một số Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa


Thứ năm - 18/11/2021 11:05
 
Luật trẻ em đã được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016. Luật được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 đã quy định rõ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Tuy nhiên, tại địa bàn huyện Chiêm Hóa nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tính từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 11 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hóa đã thụ lý Kiểm sát điều tra: 08 vụ/09 bị can, trong đó tội Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 06 vụ/07 bị can; tối Hiếp dâm người dưới 16 tuổi 02 vụ/02 bị can (tăng 01 bị can so với cùng kỳ năm 2020; Truy tố: 06 vụ/06 bị can (tăng 02 vụ/02 bị can so với cùng kỳ năm 2020); Xét xử: 06 vụ/06 bị can (tăng 03 vụ/03 bị can so với cùng kỳ năm 2020).

 
Điển hình như một số vụ:
 
Vụ thứ nhất: Khoảng 22 giờ ngày 02/10/2021, La Văn Th sinh năm 1973, trú tại thôn Phú Lâm, xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên quang đã có hành vi Hiếp dâm cháu Phùng Thị L, sinh ngày 16/7/2008, trú cùng thôn với Th (cháu L bị hạn chế về khả năng giao tiếp). Ngày 09/10/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chiêm Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với La Văn Th về tội: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật hình sự, hiện vụ án trên đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
Vụ thứ hai: Do có quan hệ tình cảm yêu đương, trong khoảng thời gian từ 21 giờ, đến 23 giờ ngày 24/5/2021 tại thôn Na Bây, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Văn Toàn sinh năm 2002 đã 02 lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục với cháu Hoàng Hồng Nhung, sinh ngày 09/10/2005, trú tại thôn Bản Cải, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (khi Toàn thực hiện hành vi giao cấu cháu Nhung mới 15 tuổi 7 tháng 15 ngày). Vụ án đã được điều tra điều tra, truy tố, xét xử.
 
Qua quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ nhận thấy còn có một số khó khăn trong quá trình giải quyết và cần đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em và công tác đấu tranh phòng ngừa đối với loại tội phạm này, cụ thể:
 
Trong hoạt động thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm
 
Khi tiến hành hoạt động thu thập các tài liệu chứng cứ ban đầu để giải quyết vụ án trước hết là hoạt động thu thập các dấu vết, mẫu tinh dịch, mẫu AND của đối tượng gây án để lại trên người và quần áo của nạn nhân, ở hiện trường xảy ra vụ án, tuy nhiên việc thu thập còn gặp nhiều khó khăn bởi vụ án thường xảy ra vào ban đêm chỉ có lời khai của đối tượng và bị hại hoặc có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong việc giải quyết, vì sợ điều tiếng, hoặc trình độ dân chí còn thấp, bị tác động bởi dư luận của xã hội nên dẫn đến khai báo muộn, nên đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết, hoặc không còn dấu vết, đủ thời gian để đối tượng suy nghĩ để khai báo gian dối hoặc bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan chức năng thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng thực hiện.
 
Kỹ năng tiến hành lấy lời khai của Cơ quan chức năng trực tiếp xử lý, giải quyết vụ việc.
 
Việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi là bị hại trong một vụ án còn gặp khó khăn do một số Điều tra viên, Kiểm sát viên chưa có nhiều kinh nghiệm về tâm lý học đối với người dưới 18 tuổi, nên khi tiến hành lấy lời khai là bị hại dưới 18 tuổi dẫn đến cách hỏi, việc dùng những từ ngữ mang tính chất chuyên môn hoặc các câu hỏi áp dụng như lấy lời khai của người trên 18 tuổi, khiến trẻ em không biết trả lời hoặc có thể trả lời nhưng không chính xác gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh ban đầu.
 
Trong một số vụ án người bị hại và gia định của người bị hại có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, thuần phong mỹ tục, danh dự, nên khi bị xâm hại tình dục đã giấu giếm, bỏ qua, tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến việc khai báo muộn, không biết cách thu thập chứng cứ giao nộp cho cơ quan chức năng, khi cơ quan chức năng phát hiện thì thời gian xảy ra đã lâu, đã gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
 
* Từ những khó khăn nêu trên, tác giả đề ra một số Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em và công tác đấu tranh phòng ngừa đối với loại tội phạm này như sau:
 
Liên ngành cấp trên cần sớm có kế hoạch đào tạo mở lớp tập huấn về kỹ năng lời khai đối với người dưới 18 tuổi cho Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em; tổ chức họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) để kịp thời trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại tình dục trẻ. Đồng thời, quan tâm phân công các cán bộ có năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án.
 
Liên ngành tư pháp cần xây dựng quy chế phối hợp đối với các cơ quan hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em như: chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.
 
Các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền trẻ em và các văn bản Luật có liên quan đến trẻ em đến các nạn nhân, gia đình nạn nhân hiểu và nhận thức đầy đủ quyền của mình để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được chú trọng đến việc lồng ghép nội dung vào trong sinh hoạt của thôn, bản, tổ dân phố; trong sinh hoạt của các cấp học tại các trường học trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến các em là dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế có điều kiện đặc biệt khó khăn. Để khi người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục thì nạn nhân và gia đình cần phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh việc để lọt tội phạm…
 
Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải chủ động, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhằm đưa ra kế hoạch phòng ngừa cụ thể có lộ trình, đánh giá tình hình nhóm tội phạm, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Đưa công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em từ nhà trường, thôn, bản và đến toàn xã hội để giảm thiểu tối đa loại tội phạm này.
 
                                                         Phạm Anh Tuấn - Viện KSND huyện Chiêm Hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top