Công tác thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và xây dựng Ngành, qua công tác thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị và có biện pháp khắc phục, phòng ngừa; đồng thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Ngành; phát huy, nhân rộng nhân tố tích cực, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; góp phần nâng cao hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Từ năm 2014 trở về trước công tác thanh tra của Viện KSND tỉnh Tuyên Quang được giao cho Phòng Tổ chức cán bộ, cán bộ công chức làm công tác thanh tra chủ yếu là kiêm nhiệm. Do yêu cầu thực tiễn đặt ra công tác thanh tra phải là một đơn vị riêng biệt để khi tiến hành thanh tra, kiểm tra sẽ khách quan, do vậy Viện trưởng Viện KSND tối cao Quyết định thành lập Thanh tra (tương đương cấp phòng) thuộc Viện KSND tỉnh Tuyên Quang từ ngày 01/4/2017. Để thực hiện tinh gọn bộ máy biên chế, ngày 31/01/2020, Viện KSND tối cao Quyết định sáp nhập Thanh tra và phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thành Thanh tra - Kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp (Thanh tra - Khiếu tố), hiện nay đơn vị có 06 biên chế.
Nhận thức được công tác Thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật và của Viện KSND, nên từ khi đi vào hoạt động, Thanh tra - Khiếu tố Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định và phát huy vị trí, vai trò ngày càng rõ nét. Tính đến nay, đơn vị đã tiến hành 128 cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó: thanh tra đột xuất 08 cuộc, thanh tra nghiệp vụ 16 cuộc, thanh tra toàn diện 05 cuộc, thanh tra hành chính 06 cuộc, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật công vụ, trật tự nội nội và trực ngoài giờ hành chính 93 lượt đơn vị và giải quyết khiếu nại thuộc trách nhiệm của thanh tra 04 đơn/04 việc. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ưu điểm để phát huy, nhận rộng, đồng thời khắc phục được không ít những hạn chế, sai sót trong công tác chuyên môn. Để đạt được kết quả trên, trước hết có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện, cấp ủy cơ quan, sự cố gắng của lãnh đạo đơn vị, từng cá nhân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định đó là: Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn thiếu và yếu; trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn đặt ra; chưa phát hiện ra nhiều vi phạm hoặc phát hiện vi phạm nhưng còn nể nang, né tránh, …
Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - thực chất, hiệu quả”, ngay từ đầu năm 2021 đơn vị đã tập trung thực hiện nội dung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Định hướng chương trình công tác thanh tra số 15/HD-VKSTC ngày 19/01/2021 của Viện KSND tối cao; Kế hoạch công tác số 28/KH-VKS-VP ngày 08/01/2021 của Viện KSND tỉnh; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp gắn với công tác cải cách tư pháp của Ngành, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 96/NQ/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp, của Ngành, đồng thời tham mưu cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành tốt công tác thanh tra.
Vấn đề đặt ra đối với thanh tra ngành Kiểm sát Tuyên Quang là không ngừng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra để ngang tầm nhiệm vụ mà trọng tâm là công tác tham mưu đề xuất giúp Viện trưởng Viện KSND tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, thiếu sót, những trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo sự nghiêm minh trong hoạt động quản lý của ngành, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân.
Với yêu cầu thực tiễn đặt ra trước mắt và lâu dài, Thanh tra - Khiếu tố Viện KSND tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, bám sát nội dung các Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch công tác năm của Viện KSND tối cao, Viện KSND tỉnh; chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác thanh tra theo hướng dẫn của Thanh tra Viện KSND tối cao. Tập trung nghiên cứu một cách hệ thống các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Viện KSND các huyện, thành phố và các phòng thuộc Viện KSND tỉnh để chủ động, tích cực nắm bắt thông tin liên quan đến dấu hiệu vi phạm về hoạt động nghiệp vụ, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong ngành. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tham mưu, đề xuất cho Viện trưởng tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất, qua đó kịp thời đánh giá được những ưu điểm, phát hiện những sai phạm và kiến nghị, yêu cầu khắc phục.
Hai là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, mỗi cán bộ đăng ký xây dựng kế hoạch tự học tập để góp phần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị. Tập trung xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Lãnh đạo quản lý, trực tiếp làm công tác thanh tra“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kỹ năng nghiệp vụ công tác.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nắm chắc tình hình, tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, đơn vị mất đoàn kết nội bộ, dư luận báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực,… Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ đối với công chức và người lao động nhằm làm rõ và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra vi phạm. Tiếp tục nghiên cứu, thay đổi nội dung, phương pháp và cách thức thanh tra để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bốn là, tập trung làm tốt công tác giải đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công chức và người lao động trong ngành; không để xảy ra tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Tăng cường quản lý nội bộ, thực hiện Quy chế dân chủ không để ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân, tập thể và của Ngành.
Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thanh tra hoạt động hiệu lực hiệu quả cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ công chức và người lao động trong toàn ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác thanh tra trong ngành kiểm sát nhân dân, tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức tự giác trong nội bộ ngành, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Để đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, hàng năm đề nghị Viện KSND tối cao tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, cấp bổ sung kinh phí, đồng thời tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng…
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, cùng với sự nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị và đặc biệt là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện, cấp ủy cơ quan, Thanh tra - khiếu tố Viện KSND tỉnh Tuyên Quang sẽ nhất định không ngừng lớn mạnh, phát huy hết vai trò, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
Hoàng Thị Kim Thu - VKSND tỉnh TQ