Na Hang là một huyện vùng cao, nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 110 km, huyện có địa bàn tương đối rộng với diện tích 1.471,7 km2, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, H’Mông … Na Hang có diện tích rừng rất lớn, chiếm khoảng 84,62% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó có một khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 22.401.5 ha nằm trên địa bàn của 4 xã Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương, với nhiều loài gỗ quý, hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim… Với phần lớn diện tích rừng, đã góp phần quan trọng trong công tác phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.
Trong thời gian gần đây các hành vi khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép và huỷ hoại rừng trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt từ việc mua, bán lâm sản. Các đối tượng đã lợi dụng địa bàn rừng núi hiểm trở, xa khu dân cư, thời gian ban đêm để khai thác gỗ trái phép; một số đối tượng do thiếu hiểu biết pháp luật đã chặt, phá, đốt rừng để trồng cây lâm nghiệp. Tính trong 06 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã thụ lý kiểm sát điều tra 05 vụ/10 bị can về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, tội Huỷ hoại rừng (chiếm 19,2% tổng thụ lý kiểm sát điều tra của đơn vị và tăng 04 vụ/10 bị can so với cùng kỳ năm 2020).
Một số vụ án điển hình:
Vụ án thứ nhất: Trong ngày 06/02/2021, tại lô 8, khoảnh 634 đối tượng rừng phòng hộ tự nhiên thuộc khu vực rừng Lũng Luông, thôn Nà Cóoc, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, Nông Văn Bình, sinh năm 1990, Nông Văn Tú, sinh năm 1991 và Nguyễn Văn Mỹ, sinh năm 1990 (cùng trú tại thôn Nà Chao, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang ) đã có hành vi khai thác trái phép 01 cây gỗ Nghiến (thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA), tổng khối lượng là 13,816m3, có giá trị 146.471.435 đồng.
Vụ án thứ hai: Trong khoảng thời gian từ ngày 16/02/2021 đến khoảng giữa tháng 3 năm 2021, Triệu Càn Rất, sinh năm 1973 và Triệu Thị Nái, sinh năm 1977 (cùng trú tại thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã có hành vi Hủy hoại trái phép 10.590m2 rừng tại lô 27, khoảnh 91A2, chức năng rừng sản xuất, trái thái TXP, rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi (theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020) thuộc khu vực rừng Công Chút, thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Giá trị lâm sản bị thiệt hại là 16,165m3 gỗ (nhóm V-VIII), có giá trị là 7.458.514 đồng.
Xác định đây là loại tội phạm có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, đồng thời để đảm bảo mọi hành vi xâm hại rừng được xử lý kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, VKSND huyện Na Hang đã đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Huỷ hoại rừng, như sau:
Một là, Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện trong việc giải quyết vụ án, vụ việc. Phân công và lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về rừng, lâm sản; thường xuyên yêu cầu Kiểm sát viên được phân công báo cáo tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án để đưa ra đường lối chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Đối với những vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm thì lãnh đạo Viện trực tiếp giải quyết.
Hai là, Kiểm sát chặt chẽ công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ. Quá trình khám nghiệm thận trọng và kiểm sát tỉ mỉ việc xác định số lượng gỗ, khối lượng gỗ, vị trí khai thác, đối tượng rừng và loài cây, công cụ, phương tiện sử dụng, thu giữ vật chứng... Đối với các vụ án huỷ hoại rừng chú trọng làm rõ diện tích rừng bị đốt, phá, số lượng, khối lượng gỗ bị chặt phá. Việc xác định đối tượng rừng phải dựa trên bản đồ điều chỉnh phân ba loại rừng theo Quyết định số 1859/QĐ-CT ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang. Kết thúc việc khám nghiệm phải tiến hành bàn giao số gỗ còn lại tại hiện trường cho bị hại (chủ yếu là UBND cấp xã) hoặc đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao để quản lý theo quy định; báo cáo lãnh đạo Viện kết quả thực hiện để có đường lối xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Ba là, Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao "Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra". Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu điều tra có chất lượng; thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can.
Bốn là: Chú trọng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản ngay từ giai đoạn điều tra, đảm bảo thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Toà án.
Năm là: Tăng cường công tác phối hợp liên ngành tư pháp, chủ động trao đổi với các cơ quan Công an, Kiểm lâm, Toà án cùng cấp; tranh thủ ý kiến của liên ngành cấp trên đối với một số vụ án phức tạp.
Từ việc thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2021 VKSND huyện Na Hang không để xảy ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung, oan, sai, bỏ lọt tội phạm, Toà tuyên bị cáo không phạm tội trong các vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Huỷ hoại rừng; thu hồi phần lớn tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm và tội phạm tại địa phương.
Phạm Anh Tuấn- VKSND huyện Na Hang