Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của đơn vị Viện KSND cấp huyện. Bản thân nhận thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như xử lý vật chứng là số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, giao nhận tài liệu liên quan đến hoạt động xác minh nguồn tin về tội phạm, thực hiện quy định về thời hạn sau khi ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc Cáo trạng… cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn để bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật thống nhất, khách quan. Cụ thể:
1. Khó khăn trong việc xử lý vật chứng theo Điều 106
- Điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”. Thực tế, Cơ quan điều tra đã thu giữ, tạm giữ các vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội là “vật” cụ thể nhưng chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử như: Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ của ngân hàng có chứa đựng số tài khoản; Thẻ sim điện thoại có chứa đựng số điện thoại; tên đăng nhập, tên hiện thị trên các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok, Instagram; Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy phép kinh doanh… Thực hiện các hành vi tội phạm trên không gian mạng (Đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…). Dù các vật chứng này có bị tạm giữ, thu giữ thì người vi phạm, người phạm tội vẫn có thể đăng nhập, đăng xuất, cập nhật, thay đổi thông tin, nội dung thông qua không gian mạng hoặc làm thủ tục cấp mới, cấp lại nhanh chóng, thuận tiện. Hiện nay, việc xử lý các công cụ, phương tiện này bằng hình thức tuyên tịch thu, tiêu huỷ chưa thực sự triệt để và chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong việc xử lý vật chứng. Vì:
- Trường hợp tuyên tịch thu, tiêu huỷ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người chủ sở hữu, người bị tạm giữ vật chứng đó vẫn có thể đăng nhập, đăng xuất, cập nhật, thay đổi thông tin, đăng ký cấp mới, cấp lại.
- Trường hợp nếu không xử lý theo quy định thì không đảm bảo việc xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đề xuất, kiến nghị: Cần quy định, bổ sung cụ thể tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Đối với các vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền cung cấp, cấp phép thực hiện việc thu hồi, hạn chế hoặc cấm giao dịch, cấm sử dụng theo yêu cầu của Toà án hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
2. Việc giao nhận tài liệu liên quan đến hoạt động xác minh nguồn tin về tội phạm giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát
Bộ luật Tố tụng hình sự đã có một số điều luật quy định về các vấn đề liên quan đến việc thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm (Từ Điều 143 đến Điều 160). Trong giai đoạn thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra được tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Tuy nhiên không quy định thời hạn cụ thể để Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát trong trường hợp Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát các hoạt động này. Dẫn đến khó khăn cho Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn này.
Đề xuất, kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án, nguồn tin về tội phạm mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan đều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, hồ sơ nguồn tin về tội phạm. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan đều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
3. Thực hiện quy định về việc chuyển hồ sơ sau khi Kết thúc điều tra đề nghị truy tố và ban hành Cáo trạng
Khoản 4 Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Tuy nhiên, trong thực tế khi Cơ quan điều tra ban hành Bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát đã ban Cáo trạng thì bị can bỏ trốn, không xác định được ở đâu nên không thể giao Bản kết luận điều tra và Cáo trạng đúng thời hạn quy định, không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ nên khó khăn trong việc chuyển giao hồ sơ sang giai đoạn tiến hành tố tụng tiếp theo.
Đề xuất, kiến nghị:
- Bổ sung khoản 4 Điều 232: “Trường hợp đã ban hành Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố nhưng không giao được cho bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc không xác định được bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố đến Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc truy tố”.
- Bổ sung Điều 244: “Trường hợp đã ban hành Cáo trạng truy tố nhưng không giao được cho bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc không xác định được bị can đang ở đâu thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án và Bản Cáo trạng truy tố đến Toà án để Toà án xem xét việc xét xử theo quy định”.
Trên đây là một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) rất mong được bạn đọc chia sẻ, thảo luận, phản ánh trong quá trình xây dựng pháp luật. Đề nghị Viện KSND và Toà án nhân dân tối cáo sớm có hướng dẫn, đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp nhằm tháo gỡ, khắc phục nhứng khó khăn, vướng mắc như nêu ở trên./.
Nguyễn Ngọc Anh - Viện KSND huyện Sơn Dương