Khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định “Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để khám nghiệm hiện trường”. Như vậy, theo quy định của BLTTHS việc khám nghiệm hiện trường bắt buộc phải có kiểm sát viên tham gia. Do đó, vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường nói chung và công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường đối với các vụ, việc tai nạn giao thông nói riêng. Để đảm bảo các vụ án, vụ việc tai nạn giao thông đều được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Theo tác giả nhận thấy, từ những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án, vụ việc tai nạn giao thông ngoài việc kiểm sát viên thực hiện đúng Điều 201 BLTTHS cần phải thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là: Trước khi khám nghiệm hiện trường kiểm sát viên phải quan sát vụ tai nạn giao thông để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến tai nạn giao thông ở hiện trường, hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn, xác định số người chết, người bị thương; sử dụng máy camera của Ngành cấp (nếu có) để ghi hình lại toàn bộ khu vực hiện trường.
Hai là: Khi tiến hành khám nghiệm, kiểm sát viên phối hợp cùng Điều tra viên chủ trì khám nghiệm xác định chiều hướng khám nghiệm cho phù hợp; xác định vật chuẩn (điểm làm mốc); mép đường chuẩn để định vị vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện dấu vết; vật chuẩn phải có tính bền vững theo thời gian, vị trí dễ nhận biết, thuận lợi cho việc đo, vẽ sơ đồ hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên, thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến tai nạn giao thông.
Ba là: Yêu cầu Điều tra viên chụp ảnh hiện trường bao gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp theo thứ tự, có chú thích ảnh.
Bốn là: Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông Kiểm sát viên phải cùng Điều tra viên thống nhất các thành phần tham gia khám nghiệm; kiểm sát chặt chẽ việc đo và vẽ sơ đồ vụ tai nạn giao thông; sử dụng thống nhất ký hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông như (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, vòng xuyến, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan) nơi xảy ra tai nạn; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu sơ đồ hiện trường; việc thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đặc biệt là hững dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản như: Vết máu, lông, tóc sợi, xăng, dầu các dấu vết hóa học hữu cơ khác theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là: Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên chủ trì khám nghiệm phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường theo đúng mẫu quy định của Bộ Công an và Điều 178 BLTTHS; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản hiện trường; nội dung biên bản hiện trường phải thể hiện thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm; tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm; vị trí tai nạn xảy ra trên đường một chiều hay đường hai chiều; đường có giải phân cách loại gì; chiều rộng mặt đường, lề đường; hệ thống báo hiệu đường bộ; rào chắn, lan can, chướng ngại vật trên đường; đặc điểm hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất); mặt đường làm bằng bê tông xi măng, nhựa, đá răm, hay đất; tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt); ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết; ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường; ghi nhận cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và mẫu so sánh.
Sáu là: Kết thúc việc khám nghiệm hiện trường kiểm sát viên và các thành phần tham gia khám nghiệm kiểm tra lại đã thực hiện trong quá trình khám nghiệm; đánh giá dấu vết và các tài liệu thu thập được tại hiện trường để xác định tính liên quan hoặc cần phải thu thập thêm những dấu vết khác và phải thông qua biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Bảy là: Sau khi khám nghiệm hiện trường Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo viện về kết quả khám nghiệm hiện trường và đề xuất yêu cầu Cơ quan điều tra, xác minh, giải quyết tiếp theo.
Trên đây là một số kinh nghiệm thực tiễn về công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của BLTTHS. Rất mong nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí, đồng nghiệp.
Cấn Văn Tuấn - Viện KSND huyện Hàm Yên