Tội phạm Cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Dương hàng năm đều chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án hình sự được khởi tố, truy tố, xét xử. Thực tiễn áp dụng pháp luật về tội phạm này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong đó có tình tiết "có tính chất côn đồ".
1. Về quy định của pháp luật
- Điểm i, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thuộc trường hợp "có tính chất côn đồ" thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Các văn bản pháp luật hướng dẫn, giải thích tình tiết "có tính chất côn đồ" gồm:
+ Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TAND tối cao và Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
+ Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm. Trong đó yếu tố được đánh giá là có tính chất “côn đồ” là chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.
- Về khoa học pháp lý, tính chất “côn đồ” được sử dụng là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hoặc định khung tăng nặng.
- Theo từ điển Tiếng Việt: “Côn đồ” là danh từ để chỉ kẻ chuyên gây sự, hành hung. Để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội giết người và cố ý gây thương tích, TANDTC có hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành TAND năm 1995 như đã giải thích ở trên.
2. Thực tiễn áp dụng và một số vấn đề cần lưu ý
Vì chưa có quy định cụ thể hành vi như thế nào được coi là “có tính chất côn đồ” nên khi giải quyết các vụ án về tội Cố ý gây thương tích, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất với nhau trong việc nhận định, đánh giá và áp dụng tình tiết này. Điều đó đòi hỏi phải rất thận trọng trong quá trình xem xét áp dụng để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu kiện kéo dài hoặc dẫn đến oan, sai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người.
Theo quan điểm cá nhân của tác giả: Để áp dụng thống nhất đối với tình tiết có tính chất côn đồ đối với “Tội cố ý gây thương tích” theo điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 cần phải:
- Thứ nhất, thống nhất nhận thức về côn đồ và có tính chất côn đồ, BLHS hiện hành quy định nghiêm trị đối với những người côn đồ, tuy nhiên cần phải phân biệt rõ giữa “côn đồ” với “phạm tội có tính chất côn đồ”. Khi xác định một người côn đồ là nói đến một cá nhân cụ thể; trong khi đó xác định hành vi “có tính chất côn đồ” là chỉ hành vi của con người khi thực hiện hành vi tội phạm. Do đó một con người côn đồ khi thực hiện hành vi phạm tội chưa chắc đã có tính chất côn đồ và ngược lại.
- Thứ hai, khi đánh giá một hành vi có tính chất côn đồ cần phải xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện như: Chỉ chú trọng xem xét đến nhân thân người phạm tội, hoặc địa điểm xảy ra vụ án gây thương tích, hành vi cụ thể gây ra thương tích cho nạn nhân… mà cần xem xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội cố ý gây thương tích cho nạn nhân.
- Thứ ba, khi xem xét hành vi có tính chất côn đồ, cần phải xem xét một cách toàn diện như sau:
Lý do xảy ra sự việc xuất phát từ nguyên nhân nào: Đây là vấn đề cần xem xét trước tiên trong mối liên quan với các tình tiết khác của vụ việc. Khi xem xét nguyên nhân cần xác định có mối liên quan trực tiếp giữa nguyên nhân và người có hành vi cố ý gây thương tích hay không? Nguyên nhân dẫn đến sự việc có phải là do nguyên cớ nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày, như: Ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh người; lời nói qua lại trong sinh hoạt hàng ngày nhưng đã đánh người; Tạo lý do để tấn công nạn nhân như cho rằng “nhìn đểu”, vay tiền không cho, tranh chỗ đứng đón khách… Nhiều trường hợp thực hiện hành vi cố ý gây thương tích không phải xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến chính mình…
Diễn biến sự việc, tương quan lực lượng: Diễn biến sự việc thể hiện “có tính chất côn đồ” thường diễn ra nhanh và gần như ngay lập tức, thể hiện tấn công liên tục nạn nhân, có người khuyên can nhưng vẫn tấn công nạn nhân; nạn nhân đã xin nhưng vẫn tấn công tiếp, các yếu tố khác thể hiện đối tượng sẽ tấn công liên tục nạn nhân, các yếu tố khác thể hiện sẽ tấn công nạn nhân đến cùng, hành vi diễn ra không tương xứng, phù hợp với nguyên nhân của sự việc. Tương quan lực lượng trong trường hợp “có tính chất côn đồ” thường thể hiện ở số lượng người của hai phía, công cụ hiện có, khả năng chống trả của bị hại… mà ngay từ đầu ai cũng có thể đánh giá được có sự chênh lệch đáng kể
Địa điểm, không gian xảy ra sự việc: Đây là một yếu tố quan trong để xem xét, đánh giá hành vi “có tính chất côn đồ” hay không. Cụ thể như: Công khai đánh người tại nơi công cộng, có nhiều người qua lại; tại trụ sở cơ quan, đơn vị; địa điểm đang có nhiều người, tại địa điểm chính là nhà của bị hại, người bị hại không có lối thoát…
Lời nói, hành động của bị hại trước khi xảy ra sự việc: Hành động lời nói của bị hại là một trong những nguyên nhân dẫn đến đối tượng có hành vi tấn công nạn nhân, do đó phải xem xét đến các yếu tố như: Lời nói, hành động của bị hại, những hành động, lời nói của bị hại có đến mức bị tấn công hay không? Lời nói, hành động của bị hại có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc hay không? Bị hại có lỗi hay không.
Nhân thân người phạm tội: Là một yếu tố để đánh giá tính chất hành vi, đó là: Tiền án, tiền sự; có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào? mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người có hành vi cố ý gây thương tích, ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương trước khi sự việc xảy ra; sau khi sự việc xảy ra thái độ chấp hành triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; thái độ đối với thương tích của bị hại.
Trong đó các yếu tố quan trong để xác định hành vi có tính chất côn đồ là Nguyên nhân dẫn đến sự việc và diễn biến hành vi đã xảy ra, các yếu tố khác như địa điểm, nhân thân, thái độ … là yếu tố để hỗ trợ cho việc đánh giá, xem xét đối với hành vi đã xảy ra.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vụ án hình sự về tội " Cố ý gây thương tích", các cơ quan tiến hành tố tụng rất hay phải cân nhắc xem xét có áp dụng tình tiết "có tính chất côn đồ" hay không. Tuy nhiên, Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 đã có cách đây quá lâu (44 năm), kể từ khi Bộ luật hình sự chưa được ban hành; Án lệ số 17/2018/AL hướng dẫn tình tiết chưa điển hình, hơn nữa lại là về tình tiết "có tính chất côn đồ" trong tội "Giết người" có đồng phạm nên chưa có tính phổ quát.
* Ngoài ra trong thực tế có một số vụ án Cố ý gây thương tích đã lấy tình tiết “Có tính chất côn đồ” làm tình tiết định tội (ví dụ: đối tượng gây thương tích cho người khác tổn hại dưới 11% sức khỏe, nhưng đối tượng thực hiện có hành vi côn đồ), người thực hiện hành vi có nhiều tình tiết giảm nhẹ đủ điều kiện để cho hưởng án treo (các bị can đều có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội), hoặc đang là học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu sử dụng hình phạt tù là quá nghiêm khắc, đối với các trường hợp này chỉ nên sử dụng hình phạt tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao:
“ Điều 3. Những trường hợp không cho hưởng án treo
1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
…”
Như vậy người thực hiện hành vi nêu trên sẽ không được hưởng án treo, làm bất lợi cho ngưòi phạm tội (nhất là đối với những ngưòi phạm tội lần đầu, là ngưòi chưa thành niên, học sinh, sinh viên) và không phù hợp với những qui định của BLHS hiện hành, đó là: Những tình tiết đã sử dụng là tình tiết định tội thì không sử dụng làm tình tiết tăng nặng hoặc định khung hình phạt.
Theo quan điểm của cá nhân tác giả: Tình tiết “Côn đồ” theo quy định khoản 1 Điều 3 Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP là thể hiện việc không cho hưởng án treo đối với những người chuyên gây sự, hành hung… chứ không phải hành vi có tính chất côn đồ.
3. Kiến nghị, đề xuất
Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hoặc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành hướng dẫn, án lệ về tội cố ý gây thương tích với tình tiết có tính chất côn đồ theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 134, BLHS năm 2015 để áp dụng thống nhất.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao nên có hướng dẫn cụ thể tình tiết “Côn đồ” trong khoản 1 Điều 3 Nghị Quyết số 02/2018/NQ-HĐTP có phải là “Có tính chất côn đồ” theo quy định các tội trong BLHS không? Nếu có theo quan điểm cá nhân nên bỏ tình tiết này./.
Phạm Việt Hùng - VKS Sơn Dương