Tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tội Cố ý gây thương tích, với tình tiết “đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự đều có đối tượng tác động đến người đang thi hành công vụ; về hình phạt trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 330 và khoản 1 Điều 134 là giống nhau “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Từ đó dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau trong xác định tội danh đối với hành vi nêu trên.
Trong phạm vi bài viết, tác giả xin nêu tóm tắt nội dung một vụ án cụ thể, đang có hai quan điểm khác nhau trong việc định tội danh để có cơ sở phân tích, đánh giá.
Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng 10 giờ ngày 15/02/2024, N.T.T điều khiển xe mô tô chở T.X.H đi từ huyện C.H đến địa bàn huyện N.H để chơi hội. Khi đi đến địa phận thôn Y, xã T, huyện NH thì T nhận được thông tin Tổ công tác của Đội CSGT huyện NH đang thực hiện nhiệm vụ tại đoạn đường phía trước, do chưa có Giấy phép lái xe và không đội mũ bảo hiểm nên T và H thống nhất sẽ “thông chốt”, tức là nếu có hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của Cảnh sát giao thông thì không chấp hành mà phóng xe mô tô vượt qua. Khi đi đến vị trí cách chốt giao thông khoảng 50m, T nhìn thấy hiệu lệnh dừng xe của ông N.T.C (là cán bộ đội CSGT huyện H) nhưng T không giảm tốc độ mà tăng ga phóng xe vượt qua chốt, lúc này ông N.T.C đi bộ ra giữa đường để tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe nhưng T không chấp hành mà điều khiển xe với tốc độ cao, thấy vậy N.T.C nhảy lùi về phía sau để tránh thì xe mô tô do T điều khiển đâm trúng bàn chân trái ông N.T.C gây thương tích; tỷ lệ tổn thương cơ thể của N.T.C tại thời điểm giám định là 04% (Bốn phần trăm).
Trong quá trình giải quyết vụ việc, hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng huyện H có 02 quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với N.T.T như sau:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của N.T.T đã phạm tội Chống người thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự, do hành vi điều khiển xe mô tô với tốc độ cao phóng qua chốt kiểm tra, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, đâm xe vào ông N.T.C gây thương tích đã làm cản trở việc thực thi công vụ của ông N.T.C. Hành vi của T đã thoả mãn về mặt khách thể, khách quan, chủ quan của tội Chống người thi hành công vụ; trong đó yếu tố cơ bản để phân biệt hai tội danh này là khách thể bị xâm phạm, khách thể của Chống người thi hành công vụ là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của người đang thi hành công vụ, từ đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính. Hành vi của T thể hiện thái độ coi thường pháp luật, bất chấp nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của N.T.T đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. T điều khiển xe mô tô với tốc độ cao khi nhìn thấy ông N.T.C ra hiệu lệnh dừng xe, T buộc phải nhận thức được hành vi này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của ông N.T.C và xâm phạm đến trật tự công cộng, cản trở hoạt động của người đang thi hành công vụ; hậu quả đã xảy ra, tỷ lệ tổn thương cơ thể của C là 04%, do đó xử lý T về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự là phù hợp.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, hành vi của N.T.T đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự, bởi lẽ: tội Cố ý gây thương tích có khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người được pháp luật hình sự bảo vệ, hậu quả thương tích đã xảy ra (có tỷ lệ tổn tương cơ thể ít nhất từ 01% trở lên). Đối với tội Chống người thi hành công vụ, hành vi dùng vũ lực không đòi hỏi phải gây thương tích hoặc làm tổn hại đáng kể đến sức khoẻ của người thi hành công vụ, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ, hậu quả xảy ra là người thi hành công vụ không thực hiện được công vụ được giao; khi có tỷ lệ tổn thương cơ thể thì tội phạm đã được chuyển hoá sang tội danh tương ứng với mức độ tổn thương cơ thể do hành vi gây ra.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra việc xử lý hình sự đối với T về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, nếu người bị hại không yêu cầu thì không có căn cứ để khởi tố hoặc người bị hại đã yêu cầu khởi tố nhưng sau đó rút đơn, vụ án bị đình chỉ thì việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ và cao hơn là hoạt động của Nhà nước về quản lý xã hội, quản lý nhà nước không được bảo vệ, tính răn đe buộc công dân phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật sẽ không thực sự hiệu quả.
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của liên ngành Trung ương về nội dung này. Trước đó, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 1985, trong đó có tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 109 Bộ luật Hình sự năm 1985. Tại điểm 5 chương 6 của Nghị quyết quy định: “Nếu người phạm tội giết người thi hành công vụ, thì họ bị xử lý về tội giết người theo Điều 101 khoản 1 điểm c; nếu họ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người thi hành công vụ, thì tùy tình tiết của vụ án, họ bị xử lý theo Điều 109 khoản 2 điểm b (gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe) hoặc theo Điều 109 khoản 3 (gây cố tật nặng hoặc dẫn đến chết người)”.
Để có sự thống nhất và tạo định hướng đúng trong xử lý tội phạm, đề nghị Liên ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể để xác định tội danh Chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự và tội Cố ý gây thương tích, với tình tiết “đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Kiên Cường
VKSND huyện Na Hang