Giai đoạn thi hành án hình sự được coi là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng đối với một vụ án hình sự, là biện pháp mang tính cưỡng chế đặc biệt của Nhà nước đối với người có hành vi phạm tội bị Tòa án kết tội bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật, bảo đảm thực hiện trách nhiệm hình sự của người bị kết án trước pháp luật. Tuy nhiên, theo chính sách nhân đạo của pháp luật, nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền con người trong thi hành án hình sự thì người phải chấp hành án (viết tắt là bị án) vẫn có thể được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2009 (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) và Luật thi hành án hình sự năm 2010 (LTHAHS).
Trong giới hạn bài viết, tác giả đề cập quan điểm cá nhân về một số vướng mắc và giải pháp đối với các trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù (hoãn CHHPT) đối với bị án đang tại ngoại, quy định tại Điều 61 BLHS, Điều 261 BLTTHS và Điều 23 LTHAHS để cùng trao đổi, đóng góp ý kiến, cụ thể như sau:
1. Về việc lập hồ sơ hoãn CHHPT
Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS và hướng dẫn tại mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì căn cứ được hoãn gồm các trường hợp sau:
a) Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khoẻ được hồi phục: Người bị kết án bị bệnh nặng tức là bị bệnh đó có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu họ phải chấp hành hình phạt tù. Căn cứ vào Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS. Đối với trường hợp người bị kết án bị HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì chỉ cần kết quả xét nghiệm HIV và phải xác định rõ là đang có các nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.
b) Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được hoãn đến khi con đủ 36 tháng tuổi: Căn cứ vào Kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc người bị kết án là phụ nữ đang có thai hoặc bản sao giấy khai sinh, giấy chứng sinh và xác nhận của chính quyền địa phương nơi họ thường trú về việc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà không cần phân biệt người con đó là con đẻ hay con nuôi và nếu họ bị xử phạt tù lần đầu.
Trong trường hợp phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ hơn dưới 36 tháng tuổi đang được hoãn CHHPT mà lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Toà án vẫn cho hoãn tiếp đến khi con đủ 36 tháng tuổi, dẫn đến trường hợp này có thể cho hoãn nhiều lần.
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng: Trên cơ sở xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú về việc họ là lao động chính duy nhất trong gia đình, nếu họ đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình gặp khó khăn đặc biệt với điều kiện người đó không bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn hoãn là một năm.
d) Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm: Là trường hợp người phải thi hành án bị kết án về tội ít nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt của tội ấy từ 3 năm tù trở xuống) mà được cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc chính quyền nơi người đó thường trú xác nhận cần tới sự có mặt của họ vì nhu cầu công vụ mà không có người thay thế.
Trường hợp người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ có thể được hoãn một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian hoãn không quá một năm. Do đó, nếu đã hoãn một lần hoặc nhiều lần mà thời gian hoãn đã được một năm thì người bị kết án không được xét hoãn nữa nếu họ xin hoãn hoặc đề nghị hoãn của cơ quan, chính quyền vẫn vì lý do công vụ hoặc vì lý do là người lao động duy nhất trong gia đình.
đ) Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người phải thi hành án có đơn xin hoãn thì Toà án phải xem xét rất chặt chẽ giữa thực tế với pháp luật nhằm bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người phải thi hành án.
Như vậy, hồ sơ xin hoãn CHHPT bắt buộc phải có một trong các tài liệu chứng minh lý do xin hoãn nêu trên và là căn cứ để Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án phạt tù xem xét quyết định việc hoãn chấp hành án:
-Trường hợp không chấp nhận thì Chánh án Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị hoãn biết, trong đó phải nêu rõ lý do về việc không chấp nhận đề nghị hoãn.
-Trường hợp chấp nhận thì Chánh án ra quyết định hoãn CHHPT và gửi quyết định này cho người được hoãn, Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp (hoặc cơ quan thi hành án của Quân đội cùng cấp); chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người được hoãn CHHPT đang cư trú hoặc làm việc để quản lý theo quy định tại Điều 263 của BLTTHS và hướng dẫn tại mục 3 phần III Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007.
Nếu Viện kiểm sát cùng cấp thấy văn bản thông báo không có lý do xác đáng hoặc quyết định hoãn CHHPT không có căn cứ pháp luật thì kháng nghị; Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết, nếu kháng nghị có căn cứ thì huỷ bỏ thông báo hoặc quyết định hoãn CHHPT và thay thế bằng quyết định mới đúng quy định của pháp luật.
2. Một số vướng mắc, bất cập trong việc hoãn CHHPT
- Thứ nhất: Đối với những trường hợp được hoãn CHHPT do bị “bệnh nặng” căn cứ vào “kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên” và xác định “có thai” của “bệnh viện từ cấp huyện trở lên” nhưng chưa có văn bản quy định rõ kết luận của bệnh viện được hiểu như thế nào: Đó là nội dung kết luận của bác sỹ điều trị ghi trong bệnh án, kết quả siêu âm hay là một văn bản kết luận riêng của người có thẩm quyền trong bệnh viện? Thực tế, bệnh viện không ra văn bản kết luận riêng mà chỉ cung cấp bệnh án của bệnh nhân có thể hiện kết quả điều trị hoặc phiếu siêu âm thai nhi.
- Thứ hai: Đối với các trường hợp được hoãn do bị bệnh nặng, nhưng chưa có quy định về việc kiểm tra sức khỏe của người được hoãn trong thời gian hoãn để xác định tình trạng sức khỏe họ đã hồi phục như thế nào? Không có quy định cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm hoặc thẩm quyền yêu cầu người được hoãn đi kiểm tra sức khỏe và xác định họ đã hồi phục sức khoẻ để tiếp tục đưa đi chấp hành án. Vì thế không có căn cứ xác định lý do hoãn CHHPT đã hết, dẫn đến tình trạng hoãn kéo dài. Thực tế hiện nay người được hoãn thường chủ động tự nguyện đi chấp hành án mà không cần có kết luận của cơ quan y tế về sức khỏe hoặc yêu cầu của các cơ quan về thi hành án phạt tù.
- Thứ ba: Trường hợp bị án là người lao động chính duy nhất trong gia đình, đã được hoãn một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian hoãn đã quá một năm nhưng bị án có con duy nhất đã thành niên bị tâm thần, gia đình không có người thân thích (Bố mẹ, chồng, con, anh chị em ruột) để giao nuôi dưỡng, chăm sóc nên phải tiếp tục hoãn kéo dài nhiều lần. Hiện tại chưa có quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục, hồ sơ để giao con bị tâm thần (đã thành niên) của bị án cho gia đình, các Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc để bị án yên tâm đi chấp hành án.
3. Đề xuất và giải pháp
Để bảo đảm các quy định của pháp luật thực hiện được một cách thống nhất, rõ ràng, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, đề nghị liên ngành trung ương nghiên cứu giải thích, sớm có hướng dẫn cụ thể cho phù hợp theo hướng sau:
Một là: Căn cứ xác định tình trạng “bệnh nặng” đối với người được hoãn CHHPT của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên và xác định “có thai” của bệnh viện từ cấp huyện trở lên phải bằng văn bản kết luận riêng. Như vậy mới thể hiện tính có căn cứ, xác thực cũng như trách nhiệm của cơ quan y tế đối với kết luận của mình trước pháp luật chứ không phải của bác sỹ điều trị hoặc phiếu siêu âm thai nhi.
Hai là: Để tránh thời hạn tạm hoãn kéo dài không có giới hạn, cần quy định người được hoãn CHHPT do bị bệnh nặng phải đi khám tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên theo định kỳ như: 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần để kiểm tra, xác định lại tình trạng sức khoẻ, làm căn cứ chấm dứt việc hoãn CHHPT. Trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và báo cáo thuộc về cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người được hoãn cư trú, làm việc.
Ba là: Khi đã hết thời hạn hoãn theo quy định, Tòa án đã ra quyết định hoãn CHHPT phải làm thủ tục giao con đã thành niên (bị tàn tật hoặc tâm thần) của người được hoãn cho người thân thích trong gia đình họ hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội để bị án đi chấp hành án.
Bốn là: Đối với những trường hợp đã được hoãn nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm theo quy định thì có thể được xem xét miễn chấp hành toàn bộ hoặc miễn chấp hành phần còn lại của hình phạt tù (nếu trước khi được tại ngoại, họ đã bị tạm giữ, tạm giam và thời gian đó được khấu trừ vào thời hạn tù và phải đáp ứng được điều kiện "đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt tù" theo quy định tại Điều 57 BLHS và vận dụng theo hướng dẫn tại tiểu mục b mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) với điều kiện trong nhiều năm được hoãn đó họ thực hiện tốt các quy định của cơ quan theo dõi, giám sát, không vi phạm pháp luật, có nhiều thành tích trong công tác và các hoạt động xã hội hoặc lập công được khen thưởng, không còn nguy hiểm cho xã hội… tương tự như quy định đối với người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng được hưởng án treo hoặc đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Đào Thị Tuyết Mai