Hệ thống các chỉ tiêu cơ bản được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân cần phải nâng cao chất lượng công tác đáp ứng yêu cầu cải cách hoạt động tư pháp, hội nhập quốc tế; đồng thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp; thông qua kết quả thực hiện các chỉ tiêu, giúp Lãnh đạo Viện đánh giá đúng, đầy đủ kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành từng khâu công tác kiểm sát của các đơn vị, các Phòng, bộ phận mình trực tiếp quản lý để chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác.
Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân được xây dựng phù hợp với quy định về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nói chung và từng khâu công tác kiểm sát nói riêng theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Quy chế nghiệp vụ, các quy định của pháp luật; đánh giá chính xác được tình hình, thực trạng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi cao ở cả 3 cấp kiểm sát; đáp ứng được yêu cầu công tác thống kê, báo cáo, kiểm tra, thanh tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ giữa các đơn vị trong ngành.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13/6/2012 và được bổ sung tại Quyết định số 62/QĐ-VKSTC ngày 22/02/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; còn có một số chỉ tiêu nghiệp vụ chưa phù hợp, khó thực hiện trong thực tế các khâu công tác kiểm sát, cụ thể:
1. Hệ thống chỉ tiêu chưa đầy đủ
- Hệ thống chỉ tiêu cơ bản chưa quy định chỉ tiêu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đối với việc giải quyết các vụ án dân sự. Cần được bổ sung cho phù hợp.
2. Những chỉ tiêu chưa phù hợp (cao, thấp...)
Mục I. Chỉ tiêu công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
- Chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt từ 90% trở lên trên tổng số thụ lý; tỷ lệ này áp dụng đối với Viện kiểm sát tối cao và Viện kiểm sát cấp tỉnh là cao, vì những tin báo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tối cao và cấp tỉnh thường phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, ở nhiều địa phương khác nhau, thời gian điều tra xác minh để phân loại xử lý bị kéo dài, do vậy tỷ lệ giải quyết của VKSND tối cao và cấp tỉnh khó đạt được theo quy định. Nên giảm tỷ lệ giải quyết từ 90% xuống 70% trở lên/tổng số thụ lý đối với Viện kiểm sát tối cao và Viện kiểm sát cấp tỉnh.
Mục IV. Chỉ tiêu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
- Chỉ tiêu về số lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp đối với án hình sự từ 15% trở lên/số án bị sửa, hủy; là cao, chưa phù hợp. Vì có những Bản án không có vi phạm hoặc vi phạm nhỏ chưa đến mức phải kháng nghị và chỉ tiêu này cần loại trừ trường hợp án bị sửa, hủy do phát sinh tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án, nên giảm tỷ lệ từ 15% xuống 10% trở lên/số án bị sửa, hủy.
3. Những chỉ tiêu khó xác định về tỷ lệ
Mục III. Các chỉ tiêu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự
- Chỉ tiêu về tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, theo Hướng dẫn số 17/HD ngày 13/6/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hướng dẫn thực hiện Hệ thống chỉ tiêu cơ bản và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì phương pháp tính án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể: Tỷ lệ này được tính bằng số vụ án hình sự do Viện kiểm sát đã quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố (bao gồm cả số vụ kết thúc điều tra cũ chưa giải quyết và số vụ kết thúc điều tra mới) cộng với số vụ án hình sự do Toà án đã quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Viện kiểm sát đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Toà án để xét xử (bao gồm cả số vụ truy tố cũ chưa giải quyết và số vụ truy tố mới). Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về cách tính; có đơn vị tính số vụ án do Viện kiểm sát thụ lý cộng với số vụ Tòa án thụ lý (bao gồm cả cũ và mới) như vậy tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung sẽ cao không đúng với thực tế; có đơn vị tính tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án riêng, VKS riêng; có đơn vị lại tính tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án riêng, VKS riêng sau đó cộng dồn để chia ra lấy tỷ lệ trung bình giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy cần phải hướng dẫn cụ thể, thống nhất về cách tính tỷ lệ.
- Chỉ tiêu về ban hành 01 kiến nghị trở lên/năm (được tiếp thu) đối với cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, là chưa phù hợp, khó thực hiện. Vì có những đơn vị trong năm không có hoặc không phát hiện được người của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật để thực hiện việc kiến nghị và khó có thể dự báo trước các lĩnh vực mà tội phạm nhằm hướng tới để thực hiện việc kiến nghị phòng ngừa. Nên quy định thực hiện kiến nghị 100% đối với các vi phạm khi được phát hiện.
Mục VI. Các chỉ tiêu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự
- Chỉ tiêu về số lượng kháng nghị ngang cấp của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm từ 10% trở lên/số án sửa, hủy đối với án dân sự, hành chính...; chỉ tiêu này chỉ cần xác định trên số án hủy. Vì số án sửa có thể sửa theo sự thỏa thuận của đương sự hoặc có sửa nhỏ chưa đến mức phải kháng nghị.
- Chỉ tiêu về chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát bị rút từ 10% trở lên/tổng số kháng nghị của Viện kiểm sát đối với án dân sự, hành chính...; chỉ tiêu này phải được trừ số vụ Viện kiểm sát kháng nghị mà tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện được bị đơn đồng ý, có nghĩa là không có lỗi của Viện kiểm sát trong việc kháng nghị.
Mục X. Các chỉ tiêu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
- Chỉ tiêu về kiểm sát trực tiếp 01 đơn vị/năm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, chỉ tiêu này khó thực hiện. Vì có đơn vị qua công tác rà soát tại các cơ quan tư pháp không phát sinh thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp. Vì vậy nên quy định thực hiện công tác kiểm sát trực tiếp khi các cơ quan tư pháp có thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp.
4. Những chỉ tiêu chưa phản ánh đúng chất lượng công tác nghiệp vụ
- Chỉ tiêu về ban hành 01 kiến nghị trở lên/năm (được tiếp thu) áp dụng cho cả 3 cấp kiểm sát đối với: Vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ giam, giữ. Vi phạm của Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra. Vi phạm trong hoạt động xét xử án hình sự. Vi phạm của Tòa án trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Vi phạm trong hoạt động thi hành án hình sự. Vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự; là chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng chất lượng công tác nghiệp vụ. Vì có đơn vị không có vi phạm hoặc những vi phạm được phát hiện là những vi phạm nhỏ, không mang tính phổ biến trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng thì không thực hiện được việc ban hành kiến nghị; nếu để đảm bảo chỉ tiêu theo Hệ thống chỉ tiêu cơ bản quy định, mà ban hành kiến nghị đối với cả những vi phạm nhỏ, không mang tính phổ biến là không đúng quy định, vì theo Hướng dẫn số 17/HD-VKSTC ngày 13/6/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành kiểm sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13/6/2012 hướng dẫn Kiến nghị trong các khâu công tác kiểm sát nêu trên được hiểu là những văn bản kiến nghị đối với những vi phạm mang tính phổ biến trong các hoạt động tố tụng.
- Chỉ tiêu về số lượng ban hành thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ trong tất cả các khâu công tác kiểm sát, là chưa phản ánh đúng chất lượng công tác nghiệp vụ. Vì có những vi phạm không mang tính phổ biến, hơn nữa trong 01 năm 01 đơn vị không ban hành từ đủ 04 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ trở lên đối với từng khâu công tác kiểm sát (theo quy định từ 04 thông báo trở lên) thì không có nghĩa là đơn vị đó làm chưa tốt, không hoàn thành chỉ tiêu. không nên quy định về số lượng phải ban hành thông báo rút kinh nghiệm. Do đó không nên quy định về số lượng phải ban hành thông báo rút kinh nghiệm.
Ví dụ: Năm 2013 (sau khi Hệ thống chỉ tiêu cơ bản có hiệu lực thi hành được 05 tháng) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện lĩnh vực đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiếp tục thực hiện trong năm 2014; trong đó có nội dung yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố phải cung cấp các báo cáo, đề xuất giải quyết từng công việc, các quyết định tố tụng (nhất là Quyết định truy tố) trong ngày qua thư điện tử nội bộ của ngành để các Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đã kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót và yêu cầu khắc phục. Qua đó đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra vi phạm, thiếu sót hoặc vi phạm được phát hiện không mang tính phổ biến, không cần thiết phải ban hành thông báo rút kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo được chất lượng, hiệu quả các khâu công tác kiểm sát. Do vậy việc quy định về số lượng ban hành thông báo rút kinh nghiệm là chưa phản ánh đúng chất lượng công tác nghiệp vụ./.
Ngô Xuân Tho
VKSND tỉnh Tuyên Quang