Trong thực tiễn quá trình thực hiện chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực hình sự có rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh. Nhiều trường hợp do hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời, chậm sửa đổi. Ở đây tôi xin được trao đổi cùng các đồng chí về việc xác định tội danh “Cố ý huỷ hoại tài sản” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản” trong vụ án cụ thể sau đây:
Tối 23/11/2012, Nguyễn Văn C điều khiển xe mô tô chở Trần Văn H đi chơi. Trên đường đi, H nói: "Hôm nay em say rồi, em đi nát..." (ý nói đi quậy phá), C nói: "Mày thích nát thì tao đi nát cùng mày, để tao đèo mày đi...". H bảo C soi đèn xe mô tô để tìm gạch, C soi đèn xe cho H nhặt gạch. Khoảng 22 giờ 15 phút cùng ngày, C và H đi đến khu vực km 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. H nhìn thấy xe ô tô biển kiểm soát 31F-5597 do anh Lê Ngọc T điều khiển đi phía trước, cách khoảng 20 m, H hô: "Ô tô kìa, đuổi theo...”, C tăng ga để đuổi theo. Khi đến gần xe ô tô, H cầm viên gạch ném trúng vào kính sau xe ô tô, làm kính xe bị vỡ vụn.
Kết luận định giá tài sản xác định, kính chắn gió sau xe ô tô bị vỡ hoàn toàn, giá trị thiệt hại là 4.000.000 đồng.
Xung quanh quá trình giải quyết vụ án này, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh đối với C và H.
- Có quan điểm cho rằng: C và H phạm tội Hủy hoại tài sản, quy định tại Điều 143 BLHS. Vì hành vi của H dùng gạch ném vào kính chắn gió của xe ô tô đã vỡ hoàn toàn, không thể sửa chữa hay khắc phục được mà buộc phải thay thế.
- Theo quan điểm của tôi: C và H phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 143 BLHS vì:
Trước hết về cơ sở lý luận: Theo điều 143 BLHS quy định là tội phạm kép “hủy hoại” và “hư hỏng”. Thể hiện hành vi khách quan của cả hai tội này đều giống nhau ở việc có sự tác động vật chất lên tài sản của người khác, phạm tội do lỗi cố ý, nhận thức rõ được hậu quả xảy ra. Song nó có điểm khác nhau hoàn toàn ở mức độ hậu quả xảy ra:
+ Đối với hành vi hủy hoại tài sản thì hậu quả là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể sửa chữa để khắc phục lại được.
+ Còn hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản chỉ làm giảm giá trị sử dụng của tài sản và có thể sửa chữa, khôi phục lại được.
Để xác định được hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản hay hủy hoại tài sản, chúng ta cần xác định rõ đó là tài sản gì, được kết cấu ra sao (Được tạo thành từ một hay nhiều bộ phận khác nhau, tính đồng bộ của nó)... việc xâm hại đó ảnh hưởng như thế nào đến tài sản đó.
Theo Điều 180 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau thành một chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút... ".
Từ khái niệm trên về "vật đồng bộ" ta thấy rằng: Xe ô tô được cấu tạo bởi nhiều chi tiết (máy, thân vỏ...), kính chắn gió phía sau xe ô tô thuộc bộ phận thân vỏ của xe ô tô, nếu thiếu một trong các bộ phận hợp thành thì xe ô tô sẽ làm giảm tính năng của nó chứ không làm mất hoàn toàn giá trị của xe.
Như vậy, cần nhìn nhận một cách tổng thể về tài sản bị thiệt hại là xe ô tô, việc kính chắn gió bị vỡ, chỉ làm ảnh hưởng một phần tính năng, tác dụng của xe ô tô. Do đó, hành vi của H cầm gạch ném vỡ kính chắn gió của xe ô tô chỉ có thể cấu thành tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Do còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất để xác định tội danh đối với trường hợp nêu trên và hiện chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nên rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các đồng chí.
Nguyễn Tiến Đường