Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính, tùy thuộc vào từng hành vi sẽ bị xử lý hình sự về một trong các tội: Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự (BLHS); Buôn lậu, quy định tại Điều 153 BLHS; Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 2009.
Căn cứ xử lý:
Đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ việc xử lý hình sự căn cứ theo quy định tại mục III – Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, ngày 25/12/2008 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo;
Đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu việc xử lý hình sự căn cứ theo quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/01/2016) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quá trình thực hiện, việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không có gì vướng mắc. Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ 500 bao trở lên sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo khoản 1, Điều 155 BLHS (căn cứ khoản 2, 3 Điều 25, Nghị định 124 của Chính phủ). Tuy nhiên việc xử lý hình sự tình tiết định khung tăng nặng, như: Hàng phạm pháp có số lượng lớn (khoản 3), Hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn (khoản 4, Điều 155 BLHS) lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể...
Kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố ngày 09/12/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, hiện nay việc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 2009 trên thực tế lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ luật hình sự năm 2015 đã chia tách hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm quy định thành 02 điều luật: Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, theo đó trong cấu thành cơ bản của 02 tội này đã bỏ cụm từ “có số lượng lớn” và quy định giá trị hàng phạm pháp trị giá trên 100.000.000 đồng mới coi là cấu thành tội phạm.
Từ đó có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau trong việc áp dụng pháp luật:
Quan điểm thứ nhất: Do Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật do đó đối với những hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn căn cứ vào các quy định hiện hành để xử lý về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo Điều 155 BLHS năm 1999.
Quan điểm thứ hai: Kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố, đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu điều luật đã quy định khác có lợi cho người phạm tội nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định giá trị hàng phạm pháp (pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu) để làm căn cứ xử lý. Nếu giá trị hàng phạm pháp dưới 100.000.000 đồng thì không xử lý hình sự (ngoài các yếu tố cấu thành cơ bản khác).
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai trong việc xử lý hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu, bởi lẽ: Theo nội dung cấu thành cơ bản của Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (BLHS 2015) đã bỏ cụm từ “có số lượng lớn”; quy định giá trị: “hàng phạm pháp khác trị giá trên 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” (điểm b, khoản 1, Điều 190 BLHS), “hàng phạm pháp trị giá trên 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” điểm b, khoản 1, Điều 191 BLHS) đối chiếu với Điều 155. Tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (BLHS năm 1999) thì Điều 190 và Điều 191 BLHS 2015 đã quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội, từ điều luật quy định yếu tố định lượng (số lượng hàng phạm pháp) sang điều luật quy định yếu tố giá trị (trị giá hàng phạm pháp), đây là quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội. Căn cứ khoản 3, Điều 7, BLHS 2015 và điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự thì các quy định có lợi nêu trên đều phải được xem xét vận dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do vậy: Để việc xử lý hành vi phạm tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo Điều 155 BLHS 1999, Cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải trưng cầu định giá tài sản xác định trị giá hàng phạm pháp để làm căn cứ xử lý.
Hiện nay, các Cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu định giá tài sản hàng phạm pháp là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu nhưng Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự căn cứ Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và Thông tư 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 26 để xác định: Tài sản không có nguồn gốc hợp pháp không có hóa đơn chứng từ mua bán, do vậy không có căn cứ để định giá tài sản. Từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để xử lý.
Theo chúng tôi, việc quy định trị giá hàng phạm pháp (hàng cấm) để xử lý hình sự là một bất cập, vì: Trên thực tế đã là hàng cấm, không được phép lưu hành trên thị trường thì sẽ không có giá, do đó sẽ không xác định được giá. Đây là vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu. Đề nghị các cơ quan trung ương sớm có văn bản hướng dẫn xử lý đối với tội phạm này để xử lý nghiêm minh đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu, đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Đinh Quốc Hưng