Những nội dung mới của Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) về Kiểm sát viên VKSND
Thứ ba - 03/06/2014 09:25
Trong tổng thể bố cục của Dự thảo Luật, chế định Kiểm sát viên được đặt tại Mục 3 (Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong Chương IV (Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND). Mục này gồm 19 điều, trong đó có 18 điều quy định trực tiếp về Kiểm sát viên (gồm các vấn đề sau: Vị trí pháp lý; ngạch, bậc; lời tuyên thệ; nhiệm vụ, quyền hạn và những việc Kiểm sát viên không được làm; tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn của từng ngạch Kiểm sát viên; cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên; miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên). Ngoài ra, có một số quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 đã được chuyển vào Mục 1 Chương IV (Những quy định chung về cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND) và Chương VI (Bảo đảm hoạt động của VKSND) của Dự thảo Luật để bảo đảm giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc thù trong tổng thể bố cục Dự thảo Luật.
So với quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND hiện hành, chế định Kiểm sát viên trong Dự thảo có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, quy định mở rộng nhiệm vụ của Kiểm sát viên không chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng để bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thứ hai, sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên theo hai phương án:
- Phương án thứ nhất: Không quy định nhiệm kỳ.
- Phương án thứ hai: Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì không thời hạn.
Thứ ba, sửa đổi ngạch Kiểm sát viên theo hai phương án:
- Phương án thứ nhất: Bốn ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp);
- Phương án thứ hai: Hai ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSND tối cao - có 3 bậc; Kiểm sát viên - có 12 bậc).
Thứ tư, sửa đổi quy định về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên theo hai phương án:
+ Phương án thứ nhất: Hội đồng tuyển chọn đa thành phần đối với Kiểm sát viên VKSND tối cao, thi tuyển đối với các ngạch Kiểm sát viên còn lại;
+ Phương án thứ hai: Hội đồng tuyển chọn đa thành phần đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên (như hiện nay).
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của từng ngạch Kiểm sát viên tương ứng với các phương án: Thi tuyển hoặc Hội đồng tuyển chọn.
Thứ sáu, bổ sung quy định về trách nhiệm tuyên thệ của Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm lần đầu.
Thứ bảy, bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu của ngạch Kiểm sát viên VKSND tối cao là 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam.
Trong số những vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung nêu trên, có một số vấn đề hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau, cụ thể là:
1. Về nhiệm vụ của Kiểm sát viên
Qua thảo luận về vấn đề này, hiện có hai nhóm ý kiến như sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị cần mở rộng phạm vi nhiệm vụ của Kiểm sát viên, không chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng.
Ý kiến này cho rằng: Tại khoản 1 Điều 42 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 đã quy định về nhiệm vụ của Kiểm sát viên: “Kiểm sát viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật, quy định này đang tạo ra nhiều khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ của ngành Kiểm sát. Khi cần luân chuyển Kiểm sát viên sang làm các công tác khác (như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học...) rất cần đến trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của Kiểm sát viên thì Kiểm sát viên sẽ bị miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên cùng với các chế độ dành cho chức danh Kiểm sát viên. Mặt khác, những người không làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì cũng không được bổ nhiệm Kiểm sát viên, nên khi cần luân chuyển cán bộ sang làm công tác nghiệp vụ lại phải tiến hành các thủ tục bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cho người đó, dẫn đến không đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Việc mở rộng phạm vi nhiệm vụ của Kiểm sát viên có tác dụng tạo nguồn Kiểm sát viên phục vụ tốt cho công tác luân chuyển cán bộ của Ngành.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về nhiệm vụ của Kiểm sát viên như pháp luật hiện hành, vì Kiểm sát viên là chức danh pháp lý đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân, chỉ làm công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Các công tác khác có thể giao cho các chức danh khác thực hiện.
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đang được thể hiện theo nhóm ý kiến thứ nhất.
2. Về ngạch Kiểm sát viên
Qua thảo luận về vấn đề này, hiện có hai nhóm ý kiến như sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị tổ chức bốn ngạch Kiểm sát viên, gồm có: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về ngạch Kiểm sát viên cho thấy còn tồn tại những bất cập sau: Thứ nhất, không điều chuyển được Kiểm sát viên VKSND tối cao về làm nhiệm vụ tại phiên tòa sơ thẩm cấp dưới, vẫn phải ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự do VKSND tối cao kiểm sát điều tra, lập cáo trạng truy tố; thứ hai, ở VKSND cấp huyện chỉ có Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, trong khi Cơ quan điều tra cấp huyện bố trí cả Điều tra viên cao cấp là không tương xứng về vị thế khi thực hiện nhiệm vụ; thứ ba, theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 28/7/2010 khi VKSND được tổ chức thành bốn cấp thì số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao phải được tinh giản và chỉ công tác ở VKSND tối cao.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải tổ chức một ngạch Kiểm sát viên mới là Kiểm sát viên cao cấp. Việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên này cũng phù hợp với tinh thần sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên khi xây dựng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2011. Việc sửa đổi các ngạch Kiểm sát viên thành Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên VKSND tối cao là bước chuẩn bị cho việc bổ sung ngạch Kiểm sát viên cao cấp khi VKSND được tổ chức thành bốn cấp.
Việc phân ngạch Kiểm sát viên theo thứ bậc như trên cũng phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cấp Viện kiểm sát. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hiện hành thì Viện kiểm sát cấp trên luôn phải thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn Viện kiểm sát cấp dưới hoặc kiểm tra, xem xét lại công việc của Viện kiểm sát cấp dưới. Vì vậy, ngạch Kiểm sát viên là lực lượng nòng cốt của Viện kiểm sát cấp trên phải có trình độ tương ứng, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát cấp mình, đồng thời phải cao hơn ngạch Kiểm sát viên là lực lượng nòng cốt của Viện kiểm sát cấp dưới để bảo đảm khả năng hướng dẫn nghiệp vụ.
Việc chia làm bốn ngạch Kiểm sát viên sẽ bảo đảm cho việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát được thông suốt; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án của Kiểm sát viên ngay từ đầu đến khi kết thúc.
Việc chia làm bốn ngạch Kiểm sát viên còn đáp ứng được yêu cầu xây dựng, tăng cường, phát triển đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát (mở rộng nguồn tuyển chọn, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa), tạo động lực mạnh mẽ để từng Kiểm sát viên phấn đấu, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên các cấp.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị chỉ quy định hai ngạch Kiểm sát viên là Kiểm sát viên VKSND tối cao và Kiểm sát viên, vì cho rằng trong pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính của nước ta hiện nay, người tiến hành tố tụng của cơ quan VKSND gồm có Viện trưởng VKSND, Phó Viện trưởng VKSND và Kiểm sát viên, không có sự phân biệt ngạch Kiểm sát viên nào thì được tiến hành các hoạt động tố tụng nào. Phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên bị giới hạn bởi phạm vi thẩm quyền của cấp Viện kiểm sát nơi Kiểm sát viên đó công tác. Vì vậy, trừ Kiểm sát viên VKSND tối cao là ngạch Kiểm sát viên đặc biệt, tất cả các Kiểm sát viên còn lại nên được xếp vào một ngạch và gọi chung là Kiểm sát viên.
Trong ngạch Kiểm sát viên có thể chia thành nhiều bậc để có sự phân định đối với sự phát triển về năng lực, trình độ… của các Kiểm sát viên. Trên cơ sở đó, bố trí, sắp xếp các Kiểm sát viên ở các cấp Viện kiểm sát phù hợp với bậc mà họ đạt được hoặc giao nhiệm vụ cho Kiểm sát viên tương ứng với bậc của họ. Tuy nhiên, đây là bậc liên quan đến chức danh tư pháp (không phải là bậc lương).
Ý kiến này cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Chẳng hạn như: Ở Hàn Quốc, cấp bậc của Công tố viên chia thành Tổng trưởng công tố và Công tố viên(1). Ở Nhật Bản, theo thứ bậc có Viện trưởng Viện công tố tối cao, Phó Viện trưởng Viện công tố tối cao, Viện trưởng Viện công tố cấp cao, Công tố viên và Trợ lý công tố viên. Công tố viên được chia thành Công tố viên hạng nhất và Công tố viên hạng hai.
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) hiện đang thể hiện thành hai phương án tương ứng với hai loại ý kiến nêu trên.
3. Về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên
Qua thảo luận về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến như sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ quy định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao, các ngạch Kiểm sát viên khác thực hiện theo hình thức thi tuyển vào ngạch.
Ý kiến này cho rằng: Theo các Điều 22, 23, 24, 25 Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên được thực hiện bằng cơ chế Hội đồng. Thành phần Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên gồm đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan. Việc tổ chức Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên có ưu điểm là bảo đảm tính dân chủ, khách quan và sự giám sát đối với công tác cán bộ của ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND thì việc tổ chức Hội đồng tuyển chọn có những bất cập sau đây: Thứ nhất, thành phần Hội đồng tuyển chọn gồm các thành viên của nhiều ngành khác nhau và thường là lãnh đạo đầu ngành nên việc triệu tập Hội đồng với đầy đủ các thành viên là rất khó khăn. Bên cạnh đó, có những trường hợp phải thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng vì lý do về hưu, chuyển công tác khác... khiến cho việc triệu tập Hội đồng rơi vào thế bị động, kéo dài thêm thời gian; thứ hai, hầu hết các thành viên Hội đồng tuyển chọn công tác trong các ngành khác nên không thực sự hiểu rõ năng lực chuyên môn của cán bộ ngành Kiểm sát. Việc tuyển chọn chủ yếu phải dựa trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành Kiểm sát nên còn mang tính hình thức.
Vì vậy, việc thi tuyển sẽ bảo đảm tính khách quan, công bằng trong tuyển chọn Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên. Đồng thời, cũng phù hợp với xu thế tuyển chọn công chức hiện nay, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp”. Việc thi tuyển để bổ nhiệm vào ngạch hoặc nâng ngạch Kiểm sát viên cũng đã được ghi nhận trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới (Trung Quốc, Nga, Hungary, Nhật Bản...).
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên đa thành phần như hiện nay nhằm bảo đảm tính dân chủ, khách quan và sự giám sát đối với công tác cán bộ của ngành Kiểm sát.
Ý kiến này cho rằng: Những khó khăn, bất cập trong việc tổ chức Hội đồng tuyển chọn thời gian qua chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện, không ảnh hưởng đến chất lượng Kiểm sát viên được tuyển chọn. Cần nghiên cứu đổi mới các quy định có liên quan như nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, quy định về miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên để nâng cao chất lượng Kiểm sát viên, tránh việc phải tổ chức Hội đồng tuyển chọn nhiều lần thì sẽ khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn.
Ý kiến này cũng cho rằng việc thi tuyển có thể đánh giá được năng lực, trình độ của Kiểm sát viên nhưng vấn đề phẩm chất đạo đức, lối sống có thể không được xem xét một cách toàn diện. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc khi tham gia vào Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán đều có cơ chế lấy ý kiến đánh giá về người được tuyển chọn tại nơi cư trú của người đó. Quy trình hiện nay là phù hợp, VKSND đã lựa chọn những người có đủ điều kiện trước khi trình ra Hội đồng tuyển chọn. Hội đồng tuyển chọn với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức sẽ giúp cho việc đánh giá khách quan, toàn diện hơn, như là bước thẩm định lại sự lựa chọn của VKSND nên không thể có việc Hội đồng tuyển chọn người không đáp ứng yêu cầu để bổ nhiệm Kiểm sát viên.
Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) hiện đang thể hiện hai phương án tương ứng với hai nhóm ý kiến nêu trên.
4. Về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên
Qua thảo luận về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến như sau:
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên.
Ý kiến này cho rằng: Chức danh Kiểm sát viên là chức danh nghề nghiệp, thể hiện lĩnh vực công tác thuộc về chuyên môn, không phải chức vụ quản lý. Nếu Kiểm sát viên có vi phạm thì đã có các quy định về miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên trong từng trường hợp cụ thể. Việc không quy định nhiệm kỳ phù hợp với cả hai phương án thi tuyển hoặc Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên (đã được trình bày ở mục 3).
Điều 44 Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định “Nhiệm kỳ của Kiểm sát viên là năm năm, kể từ ngày được bổ nhiệm”. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, quy định này còn tồn tại những bất cập sau đây: Thứ nhất, khi gần đến thời hạn bổ nhiệm lại, các Kiểm sát viên thường mang nặng tâm lý né tránh, ngại va chạm, ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thứ hai, thực tế cho thấy thủ tục bổ nhiệm lại mang nặng tính hình thức, lãng phí trong khi đa số Kiểm sát viên đều được bổ nhiệm lại, số lượng Kiểm sát viên không được bổ nhiệm lại là rất ít; thứ ba, thủ tục bổ nhiệm lại thường không kịp thời, dẫn đến có một khoảng thời gian sau khi nhiệm kỳ đã kết thúc mà chưa kịp tiến hành bổ nhiệm lại thì Kiểm sát viên không được tiến hành tố tụng, làm chậm tiến độ công việc chung.
Nghị quyết số 49-NQ/TW có chủ trương “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”(2).
Nghiên cứu về chế định Công tố viên/Kiểm sát viên theo pháp luật của một số nước trên thế giới, cho thấy hầu hết các nước đều không quy định nhiệm kỳ của Công tố viên/Kiểm sát viên.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị quy định Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, nếu được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì không xác định thời hạn, vì cho rằng: Quy định như vậy, một mặt góp phần hạn chế những bất cập của việc tổ chức Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên, mặt khác vẫn bảo đảm có cơ chế đánh giá cán bộ thận trọng, hiệu quả, tạo động lực để Kiểm sát viên tích cực nâng cao ý thức rèn luyện và trách nhiệm trong công tác. Tuy nhiên, việc quy định nhiệm kỳ như trên chỉ phù hợp với phương án tuyển chọn Kiểm sát viên thông qua Hội đồng như hiện nay, không phù hợp với phương án thi tuyển.
Ý kiến này cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo cách thức quy định về nhiệm kỳ Kiểm sát viên của pháp luật nước ngoài. Chẳng hạn, Luật về Địa vị pháp lý của Viện trưởng, Kiểm sát viên, cán bộ và nhân viên Viện kiểm sát Hungary năm 2011, tại khoản 2 Điều 14 có quy định như sau: “Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao sẽ bổ nhiệm các Kiểm sát viên lần đầu với thời hạn là 3 năm (bổ nhiệm lần đầu) và sau đó, ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 17 khoản 4, sẽ bổ nhiệm không kỳ hạn”.
Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) hiện đang thể hiện thành hai phương án tương ứng với hai loại ý kiến nêu trên.
5. Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị cần tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao thành 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Để thực hiện tốt chủ trương tổ chức hệ thống VKSND thành 4 cấp, hiện đang có hai phương án đổi mới ngạch Kiểm sát viên để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Viện kiểm sát, đó là phương án tổ chức bốn ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp) và phương án tổ chức hai ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSND tối cao và Kiểm sát viên). Cả hai phương án này đều thống nhất ở tư tưởng xây dựng ngạch Kiểm sát viên VKSND tối cao thành một ngạch Kiểm sát viên đặc biệt. Kiểm sát viên VKSND tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm (các ngạch Kiểm sát viên khác do Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm), số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định (số lượng chỉ khoảng 25 người), giữ cương vị là Lãnh đạo VKSND tối cao, thành viên Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao hoặc giữ chức vụ Vụ trưởng hoặc tương đương ở VKSND tối cao. Các Kiểm sát viên VKSND tối cao có trách nhiệm quyết định hoặc cho ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng của toàn ngành Kiểm sát (như nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của ngành Kiểm sát; các nội dung hướng dẫn thực hiện pháp luật, nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, cho ý kiến đối với những vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…). Đây chính là đội ngũ cán bộ “tinh túy” của ngành Kiểm sát, vì vậy, nếu áp dụng chế độ nghỉ hưu theo quy định chung sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”. Như vậy là Bộ luật Lao động đã có cơ chế mở, VKSND tối cao cần xin ý kiến Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn, cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao theo đề xuất nêu trên.
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đã ghi nhận ý kiến này và bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao là 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ./.
(1) Điều 6 Luật cơ quan công tố Hàn Quốc, sửa đổi lần cuối bởi Luật số 7796, ngày 29/12/2005.
(2) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” - Phần II, mục 2, tiểu mục 2.4.
Tác giả bài viết: Đặng Văn Khanh - Trích: TCKS số 04/2014
Nguồn tin: Kiểm sát Online