Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 503

   Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính


Thứ hai - 21/11/2022 14:10
 
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 23/8/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về “Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”. Trong kế hoạch công tác hằng năm, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang luôn xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, nói chung và công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

 
Ban cán sự đảng Viện KSND tỉnh ban hành Nghị quyết số 133-NQ/BCSĐ ngày 09/11/2021 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và quán triệt nghiêm chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc Viện trưởng Viện KSND địa phương phải trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất… ở cả hai cấp ngành Kiểm sát Tuyên Quang. Đối với cấp tỉnh: Đồng chí Viện trưởng trực tiếp phụ trách và chỉ đạo Phòng 9, phân công 01 đồng chí Phó Viện trưởng giúp đồng chí Viện trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng 9. Đối với cấp huyện, thành phố đồng chí Viện trưởng trực tiếp phụ trách và 01 đồng chí Phó Viện trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. 
 

 
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Viện trưởng VKSND tỉnh trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự
 
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, số vụ án hành chính phát sinh nhiều, phần lớn các vụ án hành chính sơ thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh. Năm 2021-2022, Phòng 9, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã kiểm sát thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 141 vụ, Kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa theo quy định (59/59 vụ); tổ chức 06 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó có 01 phiên tòa kết hợp số hóa hồ sơ), ban hành 01 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với Viện KSND cấp huyện; 02 kiến nghị khắc phục vi phạm đối với Tòa án, 02 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với UBND cấp huyện được Tòa án và cơ quan hữu quan chấp nhận. Qua công tác kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính do Viện KSND cấp huyện chuyển đến, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện vi phạm và ban hành 01 kháng nghị phúc thẩm. Quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, không có vụ án nào bị cấp phúc thẩm hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu hồ sơ giải quyết các vụ án hành chính, có vụ Tòa án thu thập tài liệu chưa đầy đủ, nhưng Viện kiểm sát chỉ trao đổi trực tiếp để Tòa án tiến hành thu thập tài liệu bổ sung, chưa thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ.
 
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Phòng 9 đã tham mưu giúp lãnh đạo Viện tổ chức 02 cuộc thi viết bài phát biểu dân sự và 01 Hội nghị tập huấn về “Kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM, lao động...” cho cán bộ, Kiểm sát viên ở 02 cấp kiểm sát.
 

 
Kiểm tra công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự tại Viện KSND thành phố Tuyên Quang
 

 
Phòng 9 - Viện KSND tỉnh nhận cờ Thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối” năm 2020, 2021
 
Xác định công tác kiểm sát các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là công tác trọng tâm đột phá và để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính. Trong thời gian tới cả hai cấp Kiểm sát cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
 
Một là, trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành: Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế cho phòng Kiểm sát giải quyết  các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật - Viện KSND tỉnh. Bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, đảm nhiệm công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính ở Viện kiểm sát các cấp theo hướng chuyên sâu, không kiêm nhiệm và hạn chế điều động, luân chuyển.
 
 Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phân công rõ trách nhiệm của các chức danh quản lý, chức danh tư pháp. Phân công Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án, tham gia đầy đủ các phiên tòa, phiên họp của Tòa án. Thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng các quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật. 
 
Hai là, khi tiến hành kiểm sát vụ án, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng hành chính; Chấp hành nghiêm Quy chế nghiệp vụ, bám sát các hướng dẫn nghiệp vụ của Viện KSND tối cao và các quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến việc giải quyết các mối quan hệ tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính do Tòa án thụ lý giải quyết. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ cần nghiên cứu kỹ cả về thủ tục tố tụng và nội dung như thẩm quyền thụ lý, xác định quan hệ tranh chấp, xác định người tham gia tố tụng, thu thập chứng cứ, cấp tống đạt các văn bản tố tụng, đánh giá chứng cứ… Khi tham gia phiên tòa theo dõi, ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, hỏi những vấn đề còn chưa rõ để làm cơ sở cho bài phát biểu và kiến nghị, kháng nghị sau này. Phát biểu của Kiểm sát viên phải có tính thuyết phục, đảm bảo có căn cứ, đúng quy định pháp luật, chỉ rõ sai sót, vi phạm của Tòa án. Khi kiến nghị khắc phục vi phạm phải xác định chính xác, cụ thể; đồng thời, viện dẫn các điều luật quy định.
 
Ba là, tập trung tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm để bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tại chỗ, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng cho Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng công tác kiểm tra nghiệp vụ, yêu cầu các Kiểm sát viên phải nghiên cứu nắm vững và thực hiện tốt quy chế công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vụ án hành chính bị hủy, sửa nhưng Kiểm sát viên không phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm của Tòa án để báo cáo kháng nghị, kiến nghị nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên.
 
Bốn là, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nghiên cứu các văn bản pháp luật, các thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên, đối với các vụ án khó phức tạp thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên; mở sổ theo dõi tổng hợp các vi phạm về thủ tục tố tụng để làm cơ sở ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục.
 
Năm là, xây dựng các tình huống liên quan đến công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, để các cán bộ, kiểm sát viên nghiên cứu, trao đổi tại các cuộc giao ban trực tuyến. Qua đó, tạo không khí, tinh thần nghiên cứu, học tập sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên nhằm trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; tạo môi trường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành.
 
Sáu là, phối hợp tốt với cơ quan hữu quan, thực hiện tốt các thông tư hướng dẫn và quy chế liên ngành, trao đổi hợp tác để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Tố tụng hành chính.
 
Bảy là, tăng cường, thường xuyên, kịp thời mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính và các hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính. Tổng hợp và hệ thống những dạng vi phạm, thông báo rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc giải quyết các vụ án hành chính trên toàn quốc, để cho các Viện kiểm sát cấp dưới nghiên cứu vận dụng trong quá trình giải quyết án.
 
Kết quả thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự nêu trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh và vai trò của Phòng 9 đối với khâu công tác này. Trong thời gian tới, Phòng 9 - Viện KSND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ  công tác của ngành Kiểm sát Tuyên Quang đã giao./.
 
          Ngô Thị Vỹ - Phòng 9, Viện KSND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top