Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 1755

   Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người được trợ giúp pháp lý phạm tội gì?


Thứ ba - 21/04/2020 08:00
      Đây là vụ án xảy ra vào năm 2015 nên các quan điểm đưa ra căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra tội phạm để áp dụng như: Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS); Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (Luật TGPL)…Nếu chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành có thể có nội dung chưa phù hợp do thay đổi luật nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh đối với Đ.Đ.H. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến tham gia đóng góp.
      
Tóm tắt diễn biến hành vi phạm tội
      
      Đ.Đ.H là Trợ giúp viên pháp lý - Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Y. Trong quá trình công tác, H được Giám đốc Trung tâm phân công trợ giúp pháp lý trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (đã được Tòa án  nhân dân tỉnh Y cấp Giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của BLTTHS) cho bị cáo H.V.T phạm tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, bị Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y xử phạt 24 tháng tù, ngoài ra bản án còn tuyên truy thu số tiền thu lợi bất chính và án phí theo quy định.
      
      Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho T, H đã nhiều lần bảo T chuẩn bị 50.000.000 đồng để “chạy” cho T được hưởng án treo, T đồng ý. Ngày 21/3/2015, H điện thoại cho T thông báo ngày 24/3/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Y mở phiên tòa để xét xử. Sáng 22/3/2015, T đến trụ sở Chi nhánh gặp H nhưng do T chưa chuẩn bị đủ tiền nên H soạn thảo đơn đề nghị hoãn phiên tòa đưa cho T ký và nộp đơn đến Tòa án. Tòa án nhân dân tỉnh Y căn cứ đơn đề nghị đã ra quyết định hoãn phiên tòa. Ngày 04/4/2015, T chuẩn bị được 30.000.000 đồng đến gặp H để đưa tiền nhưng do không đủ 50.000.000 đồng nên H không nhận. Đến ngày 08/4/2015, T đến nhà H xin giảm xuống 45.000.000 đồng, H đồng ý. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 09/4/2015, tại quán cà phê AQ, thuộc thành phố Y sau khi T giao cho H 44.500.000 đồng thì bị Tổ công tác của Công an tỉnh Y bắt quả tang.
      
      Tại Cơ quan điều tra, H khai: Trong quá trình trợ giúp pháp lý nhận thấy T có đủ điều kiện được hưởng án treo nên H bảo T đưa tiền để lo án treo cho T, mục đích dùng 9.000.000 đồng nộp tiền thu lợi bất chính và tiền án phí theo bản án sơ thẩm, số còn lại nếu xét xử T được án treo thì sẽ chiếm đoạt, nếu không xử được án treo sẽ trả lại cho T.
      
      Quá trình giải quyết vụ án, đã có hai quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh đối với hành vi của Đ.Đ.H, cụ thể:
      
      Quan điểm thứ nhất:  Hành vi của Đ.Đ.H phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
      
      H là Trợ giúp viên pháp lý được phân công trợ giúp pháp lý cho H.V.T ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của bị cáo theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 21 Luật TTGPL; thực hiện quyền và nghĩa vụ của Người bào chữa theo quy định tại Điều 56, 58 BLTTHS. H không phải là người có chức vụ, quyền hạn; không có thẩm quyền trong việc xem xét lại mức án mà T đã bị xử phạt ở cấp sơ thẩm. Việc H nhiều lần bảo T chuẩn bị 50.000.000 đồng đưa cho H để “chạy” cho hưởng án treo đây là thủ đoạn gian dối của H để làm cho T tin tưởng, giao tiền và trên thực tế H đã chiếm đoạt của T 44.500.000 đồng. Do vậy, hành vi của H cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1, Điều 139 BLHS.
      
      Quan điểm thứ hai: Hành vi của Đ.Đ.H phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Để xác định hành vi của H phạm tội này chủ yếu xem xét về chủ thể của tội phạm trên cơ sở các quy định của pháp luật.
      
      Theo đoạn 2 Điều 277 BLHS quy định:“Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.
      
      Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức…”
      
      Khoản 2 Điều 21 Luật TGPL quy định:“Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước, làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước...”.
      
      Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo sự phân công, Đ.Đ.H tham gia tố tụng để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là bị cáo theo quy định tại khoản 1, Điều 29 Luật TGPL và thực hiện các quyền của Người bào chữa theo quy định tại khoản 2, Điều 58 BLTTHS.
      
      Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên nhận thấy Đ.Đ.H đã thỏa mãn đầy đủ các yếu tố để xác định H là chủ thể đặc biệt (chương tội phạm về chức vụ).
      
      Về hành vi khách quan, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý H đã nhiều lần bảo T (là đối tượng được Trợ giúp pháp lý) đưa 50.000.000 đồng để “chạy” cho T  được hưởng án treo, việc H nhận 44.500.000 đồng để “chạy” cho T được hưởng án treo đã vượt quá phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của trợ giúp viên pháp lý, vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Luật TGPL “nghiêm cấm người trợ giúp pháp lý nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý”. Ngoài ra H còn là Trưởng Chi nhánh TGPL số 2 thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Y, H nắm rõ các quy định của pháp luật về chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của Trợ giúp viên pháp lý nhưng H đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Trợ giúp viên pháp lý để chiếm đoạt tài sản của T. Mặc dù, qua lời khai của H thể hiện có yếu tố gian dối ở mục đích sử dụng số tiền chiếm đoạt, tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp thủ đoạn của H nhằm chiếm đoạt tài sản của T. Hành vi của H không chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân mà còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của Trung tâm TGPL tỉnh Y trong hoạt động trợ giúp pháp lý, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự pháp luật.
      
      Như vậy, hành vi của H phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 1 Điều 280 BLHS .
      
      Về ý kiến Đ.Đ.H không có thẩm quyền trong việc xem xét lại mức án mà T đã bị xử phạt theo quan điểm H phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo ý kiến cá nhân là không thuyết phục. Nếu trường hợp H có thẩm quyền trong việc xem xét mức án thì H phải phạm tội Nhận hội lộ theo Điều 279 BLHS.
      
      Do vụ án có nhiều quan điểm khác nhau trong xác định tội danh đối với Đ.Đ.H, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp. 
      
Phạm Hương Thảo - VKSND Thành phố Tuyên Quang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top