Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Trao đổi nghiệp vụ » Nghiên cứu - Trao đổi

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 6261

   Vấn đề người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa và những kiến nghị, đề xuất


Thứ tư - 08/07/2015 14:58

          Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và rút yêu cầu khởi tố là một trong các quyền của người bị hại được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Theo quy định tại khoản 1 Điều 105: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Khoản 2 Điều luật cũng quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ...”.

          Trong thực tế quy định này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng và thực hiên nghiêm chỉnh vừa bảo đảm được lợi ích của nhà nước, quyền lợi của người bị hại, góp phần ổn định trật tự xã hội và tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật cũng có 1 số những nhận thức quan điểm khác nhau dẫn đến quyết định giải quyết khác nhau, liên quan đến quyền rút yêu cầu khởi tố của người bị hại, trong bài viết này tôi xin đề cập đến vấn đề người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà trong một số vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại:

          Người bị hại rút yêu cầu khởi tố và việc giải quyết tại phiên toà sơ thẩm:

         Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS thì trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm. Trường hợp tại phiên toà sơ thẩm người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử khi xảy ra trường hợp này vẫn làm cho Hội đồng xét xử lúng túng về đường lối giải quyết vì có nhiều quan điểm khác nhau:

          - Quan điểm thứ nhất: Tại phiên toà nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét hỏi về nội dung vụ án, đến phần nghị án Hội đồng xét xử sẽ thảo luận và ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 199 BLTTHS. Quyết định này được chủ toạ công bố ở phần tuyên án.

          - Quan điểm thứ hai: Tại phiên toà nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét hỏi về nội dung vụ án, đến phần nghị án Hội đồng xét xử thảo luận và ra quyết định Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự (BLHS) hoặc miễn hình phạt cho bị cáo theo quy định tại Điều 54 BLHS.

          - Quan điểm thứ ba: Tại phiên toà sơ thẩm nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử bình thường và xem xét việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo (như trường hợp người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo) được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS.

          Ngoài 3 quan điểm như trên, trong thực tiễn có những địa phương khi xảy ra trường hợp này, Hội đồng xét xử xử lý tình huống bằng cách tìm 1 lý do nào đó để hoãn phiên toà, sau đó người bị hại gửi đơn đề nghị được rút yêu cầu khởi tố và Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án.

          Người bị hại rút yêu cầu khởi tố và việc giải quyết tại phiên toà phúc thẩm:

          Vấn đề người bị hại có đề nghị rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà phúc thẩm không có điều luật nào quy định về việc giải quyết vụ án như thế nào, như vậy nếu có trường hợp này xảy ra thì vụ án vẫn được tiến hành xét xử theo thủ tục chung. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nên đường lối giải quyết chưa có sự thống nhất.

          - Quan điểm thứ nhất: Tại phiên toà phúc thẩm người bị hại có đề nghị rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử sau khi nghị án sẽ ra bản án huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, theo quy định tại Điều 251 BLTTHS.

          - Quan điểm thứ hai: Tại phiên toà phúc thẩm người bị hại có đề nghị rút yêu cầu khởi tố thì Hội đồng xét xử coi là một tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo. Tuỳ từng trường hợp cụ thể Hội đồng xét xử có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo theo quy định tại Điều 25, Điều 54 BLHS hoặc áp dụng hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 249 BLTTHS.

          Từ những nhận thức, quan điểm khác nhau do vậy đường lối giải quyết các vụ án có cùng tính chất, mức độ, hậu quả, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng Hội đồng xét xử lại ra quyết định áp dụng với mỗi bị cáo có sự khác nhau. Ở cùng một địa phương, trong cùng 1 thời điểm, có vụ án khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án, có vụ cho miễn hình phạt, có vụ vẫn tiến hành xét xử và chỉ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ở cấp phúc thẩm có vụ án thì Hội đồng xét xử tuyên huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án, có vụ án lại chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn... Điều đó thể hiện việc áp dụng pháp luật không được thống nhất, từ đó dẫn đến không đảm bảo sự công bằng trong quá trình giải quyết giữa các vụ án.

          Qua nghiên cứu những quan điểm nêu trên và đối chiếu các quy định của pháp luật thấy rằng có những vấn đề vướng mắc, không thống nhất như đã nêu trên là do nhận thức pháp luật của mỗi cá nhân trong quá trình thực thi pháp luật, chứ không có sự mâu thuẫn do quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS thì “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”. Như vậy thì tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm thì người bị hại không có quyền rút yêu cầu khởi tố. Theo quan điểm của tôi nếu xảy ra trường hợp này thì Hội đồng xét xử nên xem xét yêu cầu của người bị hại như một tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo được áp dụng theo khoản 2 Điều 46 BLHS.

          Đối với các quan điểm tại phiên toà sơ thẩm khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố sẽ đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 199 BLTTHS, miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 BLHS, miễn hình phạt cho bị cáo theo quy định tại Điều 54 BLHS, hoặc tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, theo quy định tại Điều 251 BLTTHS (tại phiên toà phúc thẩm) tôi thấy không có căn cứ. Cụ thể:

          - Nếu đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 199 BLHS thì phải có 1 trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 BLTTHS (quy định tại Điều 180 BLTTHS). Trong các điểm, khoản này này không có quy định trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà.

          - Nếu đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt theo quy định tại Điều 25 và Điều 54 BLHS cũng thấy không phù hợp vì theo Điều 25 BLHS thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc người phạm tội tự thú, góp phần hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Theo Điều 54 BLHS thì người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt.

          - Nếu tại cấp phúc thẩm người bị hại rút yêu cầu khởi tố mà đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 251 BLTTHS là không có cơ sở pháp lý vì theo quy định của điều luật này phải có 1 trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của BLTTHS.

          Tóm lại, trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà, Hội đồng xét xử có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, nhưng các quan điểm giải quyết theo hướng đình chỉ vụ án như trên là không có căn cứ pháp lý, có sự sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

          Từ những vấn đề xảy ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật nêu trên, tôi thấy việc BLTTHS chỉ quy định cho người bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm là chưa phù hợp. Luật hình sự Việt Nam mang bản chất nhân đạo và luôn thể hiện sự khoan hồng đối với người phạm tội, hình phạt trong luật hình sự không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn răn đe, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời luật hình sự cũng bảo đảm quyền con người, quyền của những chủ thể bị tội phạm xâm hại. Xuất phát từ mục đích đó nên ngay trong nội dung quy định tại Điều 105 BLTTHS thể hiện đối với một số các tội phạm xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có tính chất ít nghiêm trọng, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra không lớn thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự và họ có quyền rút yêu cầu khởi tố nhưng chỉ giới hạn ở thời điểm trước ngày mở phiên toà sơ thẩm. Theo tôi việc giới hạn này làm hạn chế người bị hại thực hiện quyền công dân của mình, thời điểm trước ngày mở phiên toà hay tại phiên toà có thể dài hay ngắn tuỳ theo từng vụ án, nhưng yêu cầu của người bị hại vào thời điểm nào cũng không làm thay đổi nội dung vụ án mà sự thay đổi ở đây là thái độ ăn năn, hối cải của người phạm tội, sự bao dung, độ lượng, tha thứ của người bị hại đối với người phạm tội... làm thay đổi quyết định của người bị hại tiếp tục yêu cầu giải quyết hay quyết định rút yêu cầu khởi tố. Việc rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm nào cũng có lợi cho các bên, trong đó có cả lợi ích của Nhà nước, khi người bị hại đã có đề nghị rút yêu cầu khởi tố có nghĩa là họ thể hiện ý chí không mong muốn giải quyết bằng biện pháp hình sự nữa mà họ muốn tự thoả thuận dân sự với nhau thì vụ án phải được đình chỉ (vì pháp luật đã cho họ quyền đó). Do vậy cần phải sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS để bảo đảm sự bình đẳng, thống nhất trong quá trình thực thi pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, đồng thời thể hiện sự tôn trọng thoả thuận của công dân, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

          Đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 105 BLTTHS như sau: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ.”
 
                                                                      Trần Thị Bích Hạnh
 
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết





 

Scroll to top