Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hoá được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh giao 14 biên chế, đã thực hiện 14 biên chế. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Huyện ủy và Ban chỉ đạo huyện Chiêm Hoá về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Chi uỷ chi bộ và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hóa luôn chú trọng công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; Quy chế dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016 của VKSND tối cao, Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND tỉnh Tuyên Quang; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện Quy chế dân chủ tại đơn vị.
Đơn vị đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND huyện Chiêm Hoá, gồm 05 thành viên do đồng chí Viện trưởng làm Trưởng ban và đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo. Trong những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở VKSND huyện Chiêm Hóa được triển khai nghiêm túc qua một số hoạt động cụ thể như:
Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp, bố trí phòng tiếp dân và hòm thư góp ý theo đúng quy định, phân công lịch trực tiếp tiếp công dân tất cả các ngày trong tuần để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tổ chức tiếp công dân và tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn bảo đảm đúng quy định của pháp luật và Quy chế của Ngành.
Nghiêm túc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát trước Hội đồng nhân dân và Viện trưởng Viện KSND tỉnh, trả lời các chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của Đại biểu Hội đồng nhân dân, của các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương.
Quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Ngành cấp trên, công khai những hoạt động công tác cho công chức, người lao động được biết, được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong các cuộc họp đơn vị như: Chương trình, Kế hoạch công tác, Phân công nhiệm vụ, Công khai tài chính hằng quý, bình xét công ABC hàng tháng, việc phát động, tổ chức và bình xét thi đua khen thưởng các phong trào thi đua…, tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế qua đó tạo sự đoàn kết và đồng thuận cao trong nội bộ, góp phần việc thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ.
Đơn vị cũng ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản công và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động. Các quy chế đều được lãnh đạo đơn vị tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, công chức trước khi ban hành.
Phân công cán bộ, Kiểm sát viên phù hợp với năng lực sở trường và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo phát huy hết khả năng, sở trường của bản thân; dân chủ và công bằng trong việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Kịp thời quan tâm đến các chế độ chính sách mà cán bộ tại đơn vị được hưởng; tiến hành rà soát và đề nghị VKSND tỉnh nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn theo đúng quy định.
Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Thanh tra nhân dân để các tổ chức này vận động các thành viên của mình thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2022, Đoàn kiểm tra của VKSND tỉnh Tuyên Quang và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Chiêm Hóa đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của VKSND huyện Chiêm Hóa, kết quả: VKSND huyện Chiêm Hóa được ghi nhận và đánh giá cao. Toàn đơn vị không có cán bộ, công chức nào vi phạm phải xử lý lỷ luật, nội bộ cơ quan có sự đoàn kết, thống nhất cao, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nhiệt tình, năng nổ trong mọi hoạt động, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình được phát huy mạnh mẽ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở VKSND huyện Chiêm Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ có lúc, có việc chưa thực sự được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát. Một số cán bộ, Kiểm sát viên đôi lúc còn chưa thực sự phát huy được tinh thần dân chủ trong nội bộ đơn vị, đôi lúc vẫn còn tình trạng ngại va chạm, nể nang, e dè trong công tác phê bình và tự phê bình.
Để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới, VKSND huyện Chiêm Hóa đề xuất một số giải pháp:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chi ủy chi bộ, Lãnh đạo đơn vị đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Chi bộ, đơn vị trong việc triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Hai là, thường xuyên được rà soát các quy chế hoạt động của đơn vị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật và tình hình công tác thực tiễn tại đơn vị qua các giai đoạn.
Ba là, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của cán bộ, công chức, người lao động đảm bảo các công việc và hoạt động trong đơn vị đều được quán triệt và lấy ý kiến toàn thể đơn vị. Chủ động nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, phát huy tinh thần tự giác, tự chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ đơn vị.
Bốn là, mỗi cán bộ, kiểm sát viên cần nâng cao ý thức, tinh trách nhiệm, chấp hành đúng các quy định, quy chế của Ngành; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị, tham gia nhiệt tình các hoạt động tập thể để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được phân công.
Năm là, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tăng cường công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện cáctồn tại, hạn chế để khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm; qua đó tạo sự đoàn kết và đồng thuận cao trong nội bộ, góp phần việc thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ của Ngành cũng như phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Phạm Anh Tuấn - VKSND huyện Chiêm Hóa