Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Trong những năm qua, Viện KSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm phạm pháp luật.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, ngay từ đầu các năm Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp, nhất là công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Ngành; giao cho đơn vị Thanh tra - Khiếu tố viện KSND tỉnh tham mưu hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đối với Viện KSND cấp huyện và các phòng nghiệp vụ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; đảm bảo mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp đều phải được xem xét, giải quyết dứt điểm, với tinh thần trách nhiệm cao, đúng quy định pháp luật.
Hằng năm tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai kịp thời đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức trong Ngành các quy định của pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như các nội dung về khiếu nại tố cáo trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các văn bản hương dẫn thi hành, nhất là Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao) và Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao).
Trong năm 2022 cả hai cấp kiểm sát đã tiếp nhận 268 đơn, tăng 55% (96 đơn) so với năm 2020; tăng 10,2% (25 đơn) so với năm 2021. Trong đó đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát là 27 đơn/27 việc (khiếu nại 14 đơn/14 việc; tố giác tội phạm 02 đơn/02 việc; đề nghị 11 đơn/11 việc); đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết là 87 đơn/87 việc; còn lại là đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết hoặc trùng đơn hoặc không đủ điều kiện thụ lý. Kết quả thụ lý, phân loại đơn đúng quy định đạt 100%; giải quyết xong 100% đơn thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc giải quyết có căn cứ, đúng thời hạn, trình tự thủ tục và đúng quy định của pháp luật. Trực tiếp kiểm sát 04 cuộc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra. Quá trình kiểm sát phát hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thực hiện đúng quy định trong ban hành văn bản thông báo thụ lý đơn và quyết định phân công xác minh nội dung khiếu nại, Viện kiểm sát đã ban hành kết luận trực tiếp kiểm sát và kịp thời kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm thiếu sót, được Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp thu sửa chữa.
Nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành, năm 2022 Viện KSND tỉnh đã chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Tuyên Quang ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện KSND hai cấp tỉnh tuyên Quang đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp; cán bộ, Kiểm sát viên thường xuyên chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp…Từ thực tiễn công tác trong thời gian qua, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp như sau:
Thứ nhất, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ phải tích cực, chủ động nghiên cứu đầy đủ những quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp để tham mưu, đề xuất giải quyết đảm bảo có căn cứ. Nhất là việc phân loại đơn phải được xác định đúng thẩm quyền giải quyết đối với mỗi loại đơn, phải hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức và nội dung, yêu cầu của công dân nêu trong đơn, đây là điều kiện quan trọng giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Những trường hợp có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật cần đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ trong đơn vị trước khi đề xuất giải quyết. Việc giải quyết phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định của luật, thông tư liên tịch của Liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về khiếu nại, tố cáo; thực hiện đúng Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định 546 ngày 03/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Thứ ba, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cần tăng cường công tác đối thoại với công dân. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, khi đối thoại đạt kết quả tốt thì người khiếu nại có thể sẽ rút đơn và giúp họ hiểu hơn về những quy định của pháp luật liên quan đến nội dung khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người có đơn khiếu nại, tố cáo cung cấp những tài liệu, chứng cứ mới có ý nghĩa phải ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; chú trọng trao đổi với người khiếu nại, tố cáo để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ và hiểu rõ nội dung họ muốn khiếu nại, tố cáo là gì, liên quan đến cơ quan nào để xem xét, hướng dẫn và giải quyết được kịp thời, chính xác, đúng quy định.
Thứ tư, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Ngành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, thông qua công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nếu phát hiện vi phạm, thiếu sót phải kịp thời ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm.
Thứ năm, cần lựa chọn cán bộ, Kiểm sát viên tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong công tác; nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; tính tình điềm tĩnh, ôn hòa, không nóng nảy, có tinh thần trách nhiệm cao; có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân khiếu nại, tố cáo hiểu và chấp hành đúng pháp luật.
Với việc chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm phạm luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.
Đào Thị Hảo - TTKT