Chết là một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt nhiều quan hệ pháp luật có liên quan như quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản, quan hệ lao động... tuy nhiên trong thực tiễn có những trường hợp, dù không có căn cứ xác định trực tiếp một người là còn sống hay đã chết (không tìm thấy tử thi, không có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền, không có xác nhận của cơ quan y tế...), nhưng do sự vắng mặt lâu ngày của một người mà những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết.
Một người bị tuyên bố là đã chết thì quan hệ về hôn nhân, gia đình, các quan hệ nhân thân khác và quan hệ tài sản của người đó được giải quyết như đối với người đã chết. Tuy vậy trên thực tế còn những vướng mắc trong quy định của pháp luật, dẫn đến những quan điểm mâu thuẫn, trái chiều trong việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết, trong quá trình giải quyết loại việc dân sự này.
Nội dung vụ việc:
Năm 1996, ông T kết hôn với bà H và sinh sống tại phường A, huyện Y, tỉnh T. Ông T và bà H có một người con chung là chị V1. Năm 2002, ông T và bà H ly hôn. Ông T kết hôn với bà N và có với bà N một người con chung là chị V2. Năm 2013, ông T đi khỏi nhà và mất tích, bà N và chị V1, V2 tiếp tục sinh sống tại nhà đất của ông T tại phường A, huyện Y, tỉnh T.
Năm 2018, bà N đề nghị TAND huyện Y tuyên bố ông T mất tích. Tại Quyết định giải quyết việc dân sự số 12 ngày 19/11/2018 của TAND huyện Y đã quyết định tuyên bố ông T mất tích kể từ ngày 01/01/2014. Năm 2019, bà N xin ly hôn với ông T và được TAND huyện Y xử cho ly hôn với ông T.
Năm 2023, chị V1 có đơn yêu cầu TAND huyện Y tuyên bố ông T là đã chết. Mục đích để xác định, thực hiện quyền và nghĩa vụ về tài sản là nhà đất của ông T tại phường A, huyện Y, tỉnh T. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu của chị V1, Tòa án đã xác minh, thực hiện việc thông báo tìm kiếm ông T theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc ông T còn sống hay đã chết. Do đó TAND huyện Y đã chấp nhận yêu cầu của chị V1, ra quyết định tuyên bố ông T đã chết.
Về việc xác định ngày chết của ông T, thực tế còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau như sau:
Quan điểm 1: Xác định ngày chết của ông T là ngày 01/01/2014, tức là ngày có tin tức cuối cùng của người bị tuyên bố là đã chết[i].
Quan điểm này được nêu tại Dự thảo án lệ số 11/2020[ii]. Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp “Biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”, dẫn chiếu sang khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “…nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”. Việc Bộ luật dân sự quy định các khoảng thời gian nhất định để Tòa án có thể tuyên bố một người là mất tích hay đã chết chỉ là căn cứ để phát sinh quyền đối với người có yêu cầu; tức là một người muốn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người liên quan là đã chết thì phải chờ đủ đúng thời gian theo luật định (03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật, 05 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc, 02 năm kể từ ngày thiên tai chấm dứt…) thì mới có quyền nộp đơn yêu cầu tới Tòa án có thẩm quyền, còn việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết vẫn cần xác định là ngày có tin tức cuối cùng của người đó.
Tuy nhiên theo quan điểm này thấy rằng, điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ dẫn chiếu cách tính thời hạn 05 năm biệt tích theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật dân sự chứ không phải quy định ngày có tin tức cuối cùng được xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Ngoài ra, căn cứ vào cách thức bố cục của điều luật và nội dung của khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự, “căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết”, như vậy, tùy vào các trường hợp khác nhau mà Tòa án sẽ xác định ngày chết của một người là khác nhau mà không xác định duy nhất một mốc là ngày có tin tức cuối cùng của người đó.
Mặt khác người có quyền có thể không thực hiện ngay quyền yêu cầu của mình mà để một thời gian dài sau mới yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là mất tích hay đã chết.
Quan điểm này đặt ra vấn đề đó là: Nếu không xác định ngày chết là ngày có tin tức cuối cùng thì sẽ kéo theo hệ quả là các quan hệ về tài sản và nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết sẽ không được xác định, giải quyết ngay tại thời điểm thực tế người này không còn tham gia vào các quan hệ tài sản, nhân thân mà sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và thời gian ban hành quyết định của Tòa án.
Quan điểm 2: Ngày chết của ông T được xác định ngày kết thúc thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Căn cứ Điều 372 Bộ luật tố tụng dân sự, hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mà không có kháng cáo, kháng nghị thì Quyết định sơ thẩm giải quyết việc dân sự số 12 ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Y có hiệu lực vào ngày 05/12/2018, nên ngày chết của ông T được xác định là ngày 05/12/2021[iii].
Quan điểm này sẽ không hợp lý trong trường hợp người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự, thời hạn kháng cáo đối với những người này lại được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết. Ngoài ra có những trường hợp có kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó đương sự lại rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị. Như vậy, mốc thời gian để tính một quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ không rõ ràng và có thể khác nhau tùy vào ngày đương sự nhận được quyết định hoặc kể từ ngày Tòa án thông báo, niêm yết quyết định.
Quan điểm 3: Tương tự như quan điểm thứ 2, ngày chết của ông T được xác định sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên quan điểm này xác định Quyết định giải quyết việc dân sự số 12 ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Y không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực vào ngày 19/11/2018 – chính là ngày ban hành quyết định, nên ngày chết của ông T được xác định là ngày 19/11/2021[iv].
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự, “bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, trong trường hợp quyết định giải quyết việc dân sự số 12 ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Y không bị kháng cáo, kháng nghị thì cách xác định ngày có hiệu lực của Quyết định theo như Quan điểm thứ 3 nêu trên là hợp lý. Trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị và Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự thì ngày có hiệu lực pháp luật được xác định theo ngày ra Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự.
Quan điểm này vừa thỏa mãn các quy định pháp lý hiện hành về xác định ngày chết của một người đã từng có quyết định của Tòa án tuyên bố là mất tích, vừa ấn định được một mốc thời gian cố định để giải quyết các quan hệ nhân thân và tài sản của người này. Cần phải hiểu việc xác định ngày chết của ông T trong các trường hợp trên chỉ là “ngày chết về mặt pháp lý”, là căn cứ để giải quyết các quan hệ pháp luật có liên quan, do đó ngày chết pháp lý không trùng khớp với ngày “chết” thực tế của ông T là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc một người bị tòa tuyên bố là đã chết được hiểu là “chết về mặt pháp lý”, không phải là chết về mặt sinh học. Do vậy, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì mới được xác định là đã chết; thời điểm chết phải được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết.[v]
Như vậy, cùng một sự kiện pháp lý, nhưng do cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, nên ngày chết của ông T được xác định khác nhau.
Việc không thống nhất trong quan điểm áp dụng pháp luật sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau, gây ảnh hưởng đến quan hệ nhân thân và tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, trong tình huống vụ việc nêu trên, nếu Thẩm phán áp dụng Quan điểm thứ 1 (xác định ngày chết của ông T là ngày 01/01/2014) thì những người thừa kế của ông T sẽ bao gồm bà N, chị V1 và chị V2; nhưng nếu Thẩm phán áp dụng Quan điểm thứ 3 (xác định ngày chết của ông T là ngày 19/11/2021) thì những người thừa kế của ông T sẽ chỉ còn chị V1 và chị V2, do đã có quyết định của Tòa án xử cho bà N ly hôn với ông T từ năm 2019.
Thêm vào đó là vấn đề xác định tài sản của ông T từ khi ông mất tích cho đến khi có quyết định giải quyết các quan hệ về nhân thân, tài sản của Tòa án. Nếu theo Quan điểm thứ 1 thì quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại từ khi ông T được xác định là đã chết (năm 2014) đến khi có quyết định của Tòa án xử cho bà N ly hôn với ông T (năm 2019), vậy những tài sản do bà N tạo lập trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019 có được coi là tài sản của vợ, chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân không, giải quyết được vấn đề đó thì mới xác định khối tài sản của ông T, từ đó mới có căn cứ để giải quyết thỏa đáng vụ án tranh chấp về chia di sản thừa kế trong trường hợp đương sự có yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là tài sản do ông T để lại.
Tác giả đồng tình với quan điểm 3, việc áp dụng quan điểm này sẽ tránh được mâu thuẫn pháp lý về thời điểm tồn tại, chấm dứt các quan hệ nêu trên.
Nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại nhiều quan điểm trái chiều như vậy là do quy định của pháp luật về xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết chưa được rõ ràng, cụ thể. Do đó đề nghị Liên ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất trong thực tiễn giải quyết.
Trên đây là vướng mắc trong quá trình giải quyết việc dân sự tuyên bố một người là đã chết. Rất mong sự tham gia ý kiến, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.
Trần Đức Hiệp – Phạm Thị Hoàng Anh
VKSND thành phố Tuyên Quang
[iv] Quyết định giải quyết việc dân sự số 01 ngày 24/01/2024 của Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
[v] Hoàng Yến, Thủ tục tuyên bố chết: Rối chuyện xác định ngày chết, Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (ý kiến của Thẩm phán Trương Công Huấn, TAND Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh), link: http://plo.vn/thoi-su/thu-tuc-tuyen-bo-chet-roi-chuyen-xac-dinh-ngay-chet-346763.html