Trang nhất » Tin Tức » Tin tức cập nhật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 3820

   Trao đổi nghiệp vụ về một số trường hợp Tòa án không trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn hạn chấp hành hình phạt tù khi tuyên bị cáo được hưởng án treo


Thứ sáu - 07/05/2021 21:02
      Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Án treo được áp dụng đối với người bị xử phạt tù với mức không quá 3 năm trong những trường hợp Tòa án căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xét thấy không cần phải buộc họ chấp hành hình phạt tù. Trên thực tế việc Tòa án trừ hay không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo còn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
      Tại Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (Tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc) do các đơn vị Vụ 7, Vụ 14 thực hiện giải đáp năm 2020.
Tại câu 27 trang 15 đã giải đáp “Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự quy định thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Do đó, việc Tòa án không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự và Viện kiểm sát phải kháng nghị”.
      Sau khi nghiên cứu nội dung giải đáp trên, tác giả nhận thấy: “Tòa án không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo không vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự và không có căn cứ để Viện kiểm sát kháng nghị” Bởi lẽ, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 không quy định về việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách của án treo (Điều 65 BLHS) mà chỉ quy định thời gian tạm giữ, tạm giam sẽ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36 BLHS) hoặc hình phạt tù (Điều 38 BLHS). Để bảo đảm việc ấn định thời gian thử thách của án treo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP) có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2018 và thay thế các văn bản hướng dẫn trước đây của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao về án treo, trong đó có hướng dẫn về thời gian thử thách áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015, tại Điều 4 của Nghị quyết này đã hướng dẫn: “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 01 năm và không được quá 05 năm”.
      Ví dụ 1: Nguyễn Văn A bị tạm giữ 09 ngày, quá trình điều tra Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; kết thúc điều tra Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015; do bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng Tòa án xử phạt 06 tháng tù, nhưng cho bị cáo hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách 12 tháng.
      Như vậy, nếu bị cáo được trừ vào 09 ngày tạm giữ thì thời gian thử thách chỉ còn 11 tháng 21 ngày là trái với Điều 04 của Nghị quyết đã hướng dẫn nêu trên. Do đó, Tòa án không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo là phù hợp với các Văn bản số 27/TANDTC-KHXX ngày 17/02/2014 và số 58/TANDTC-PC ngày 06/5/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, theo đó thời gian tạm giữ, tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.
      Ví dụ 2: Nguyễn Văn B bị tạm giữ 09 ngày về tội “Làm nhục người khác” quá trình điều tra Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; kết thúc điều tra Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Văn B về tội Làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015; do bị cáo không thuộc trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ Tòa án xử phạt 03 tháng tù, nhưng cho bị cáo hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách 12 tháng.
      Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 BLHS quy định “Tù có thời hạn đối với người phạm tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm”.
      Như vậy, nếu Tòa án trừ cho bị cáo 09 ngày tạm giữ thì bị cáo còn phải chấp hành hình phạt tù 02 tháng 21 ngày, thời gian thử thách là 12 tháng là trái với khoản 1 Điều 38 BLHS.
      Tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao quy định những trường hợp không cho hưởng án treo “Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách”.
      Tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP “Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của BLHS; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời hạn bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
      Theo hướng dẫn trên, theo tác giả nhận thấy người được hưởng án treo phạm tội trong thời gian thử thách phải áp dụng hình phạt tù (tức là bị cáo không được hưởng án treo nữa) và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của BLHS. Do đó, nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời hạn bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù là phù hợp theo khoản 1 Điều 38 BLHS. Nếu người được hưởng án treo không phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù cũng như không trừ vào thời bị tạm giam, tạm giữ vào thời gian thử thách là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
      Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của bạn đọc về nội dung  trên, để nhận thức thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
 
Cấn Văn Tuấn - VKSND huyện Hàm Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top