Trang nhất » Tin Tức » Tin tức cập nhật » Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG - Đã xem: 2073

   Ứng dụng Công nghệ thông tin trong giải quyết vụ án hình sự góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hình sự


Thứ ba - 15/11/2022 15:31
 
Trong những năm qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạo được kết quả tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tổi cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành KSND, ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đối với công tác thực hiện nghiệp vụ của ngành.

 
Thời gian qua VKSND tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng và tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong giải quyết vụ án hình sự, xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ban chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số VKSND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-VKS-VP ngày 15/02/2022 về việc chuyển đổi ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê tổng hợp; văn thư,lưu trữ; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; thanh tra - khiếu tố; tổ chức cán bộ và Kế hoạch số 578/KH-VKSTQ-P2 Ngày 20/4/2022 về việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa ngành kiểm sát Tuyên Quang, trong đó đề ra nhiệm vụ: trong năm 2022 mỗi đơn vị  thực hiện từ 02 vụ án số hóa, trình chiếu tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa (đối với đơn vị cấp tỉnh); 02 vụ án hình sự + 02 vụ án dân sự, hành chính kinh doanh thương mại, lao động (nếu có) đối với VKSND cấp huyện, thành phố. Trong các năm tiếp theo việc thực hiện số hóa hồ sơ trình chiếu chứng cứ tại phiên toà báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa phải được thực hiện thường xuyên, coi đây là chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành kiểm sát Tuyên Quang.
 

 
Phiên tòa xét xử vụ án Lê Mạnh Hà phạm tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được số hóa hồ sơ, trình chiếu tại phiên tòa.
 
Từ ngày 01/12/2021 đến ngày 31/10/2022, hai cấp kiểm sát ngành Kiểm sát tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện số hóa hồ sơ và trình chiếu chứng cứ đối với 28 phiên toà hình sự. Trong đó, đơn vị Phòng thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma tuý, kinh tế và tham nhũng, chức vụ (Phòng 1) đã thực hiện số hóa hồ sơ và trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên toà đối với 04 vụ án, thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa đối với 01 vụ án (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Việc số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chứng cứ, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên và tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
 
 
Vụ án Lê Mạnh Hà được báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, trình chiếu sơ đồ hóa.
 
Điển hình như vụ án Lê Mạnh Hà phạm tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngay từ giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên đã tiến hành xây dựng sơ đồ tư duy và báo cáo án bằng hình ảnh để có đánh giá khách quan, đầy đủ về nội dung vụ án, phân tích cụ thể hành vi phạm tội, hệ thống các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bị can, các nội dung về nhân thân, vật chứng thu giữ, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.... Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên đề xuất đường lối, quan điểm, biện pháp giải quyết thuộc thẩm quyền của VKSND. Kiểm sát viên báo cáo trực tiếp bằng lời nói, kết hợp trình chiếu hình ảnh, sơ đồ đã tạo sự chủ động, linh hoạt, việc phân tích hành vi phạm tội của Lê Mạnh Hà được thể hiện cụ thể, trực quan hơn so với việc báo cáo trên giấy.
 
Đồng thời Kiểm sát viên đã chủ động báo cáo lãnh đạo đơn vị lựa chọn vụ án để thực hiện số hóa hồ sơ vụ án và thực hiện trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử (được diễn ra trong 02 ngày 24,25/10/2022), quá trình xét hỏi Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, đồng thời trình chiếu các tài liệu bằng hình ảnh, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, vừa đảm bảo tính công bằng khách quan trong quá trình tố tụng. Đồng thời giúp cho những người có mặt tại phiên tòa nắm rõ hành vi của bị cáo, tăng tính thuyết phục trong xét xử.
 
Trong phần tranh luận, Kiểm sát viên tiến hành trình chiếu một số tài liệu chứng cứ quan trọng đã được thu thập trong quá trình điều tra, từ đó đưa ra các luận điểm để tiến hành đối đáp, tranh luận đối với từng nội dung mà bị can và người bào chữa đưa ra. Khẳng định nội dung Cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội. Với những quan điểm luận tội chặt chẽ, đảm bảo tính thuyết phục, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh đã tuyên bố bị cáo Lê Mạnh Hà phạm tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xử phạt bị cáo Lê Mạnh Hà 8 năm tù và 05 năm quản chế.
 
 Thông qua công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các vụ án hình sự, đơn vị nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc như sau:
 
Thứ nhất, mới đây, Viện KSND tối cao đã có văn bản số 4125/VKSTC-V2 ngày 28/10/2022 về việc hướng dẫn xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo, đề xuất đường lối giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ còn mới, cần có tập huấn, hướng dẫn để việc áp dụng được đảm bảo, thống nhất trong toàn ngành.
 
Thứ hai, Đối với việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của VKSND tối cao đối với vấn đề lưu trữ hồ sơ đã số hóa dẫn đến khó khăn, hạn chế khi tiến hành thực hiện trên thực tế.
 
Thứ ba, hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, kiến thức về tin học, công nghệ, khả năng sử dụng và vận hành các thiết bị liên quan, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực hiện của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên… Tuy nhiên, hiện nay điều kiện vật chất chưa hoàn thiện, kỹ năng công nghệ thông tin của một số cán bộ, Kiểm sát viên còn hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, đối với các vụ án có nội dung phức tạp, Kiểm sát viên vừa thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, lại vừa thực hiện trình chiếu tài liệu tại phiên tòa sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết vụ án hình sự.
 
Thứ nhất, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, trình chiếu sơ đồ hóa. Để xây dựng sơ đồ tư duy, trình chiếu sơ đồ hóa có hiệu quả, cán bộ kiểm sát viên cần nắm vững nội dung vụ án, các vấn đề cần phải chứng minh cũng như hệ thống lại toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án; tiến hành chia từng vấn đề (như cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vấn đề dân sự, vật chứng của vụ án); thu thập, chuẩn bị các file ảnh, các tài liệu dự kiến sẽ chèn, đưa vào sơ đồ tư duy để minh họa bằng hình ảnh…
 
Kiểm sát viên cần nghiên cứu nội dung tại Hướng dẫn số 3659/VKSTC-C2 ngày 30/9/2022, công văn số 4125/VKSTC-V2 ngày 28/10/2022 của Viện KSND tối cao để áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sơ đồ tư duy cần được chia thành những nhánh nội dung cụ thể, từ những nội dung lớn đến các chi tiết cụ thể, cần sử dụng những câu chữ ngắn gọn kết hợp với hình ảnh màu sắc đa dạng.
 
Kiểm sát viên có thể đính kèm các quyết định tố tụng đối với vụ án, bị can, các biên bản như: biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi… vào sơ đồ để chứng minh, làm rõ nội dung đề xuất của mình. Trong buổi họp án, Kiểm sát viên trình chiếu sơ đồ đã chuẩn bị, kết hợp với việc phân tích để làm rõ các tình tiết của vụ án, tiến hành trình chiếu các tài liệu chứng cứ đã thu thập được ngay khi lãnh đạo viên yêu cầu.
 
Thứ hai, số hóa hồ sơ vụ án. ngay sau khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên tiến hành cần hệ thống lại các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, xác định các tài liệu cần đựơc số hóa, sau đó phân loại thành các nhóm, theo từng tập như tập thủ tục tố tụng vụ án, biện pháp ngăn chặn, việc thu giữ và xử lý vật chứng…Các tài liệu phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Hướng dẫn số hóa hồ sơ vụ án (ban hành kèm theo Công văn số 636/VKSTC-C2 ngày 22/02/2019 của Viện KSND tối cao)
 
Sau khi đã số hóa các tài liệu, Kiểm sát viên sử dụng các phần mềm như PDF Split Or Merge, PDF Split Merge để ghép nối các file PDF riêng lẻ thành một file PDF thể hiện toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án (File vụ án). Sau đó, Kiểm sát viên tạo Bookmark cho file vụ án, tạo sự thuận lợi, hiệu quả trong việc lưu trữ, tìm kiếm, nghiên cứu, khai thác các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Chủ động phối hợp với cán bộ công nghệ thông tin tại đơn vị để được hỗ trợ về kỹ thuật.
 
Thứ ba, trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên tòa. Trước khi tham gia phiên tòa kiểm sát viên được phân công phải nắm chắc hồ sơ vụ án và hồ sơ số hóa, đánh dấu những nội dung cần lưu ý để tiện cho việc công bố. Phải nắm chắc quy định của pháp luật trường hợp nào được công bố, trường hợp nào không được công bố. Vận dụng linh hoạt trong quá trình công bố tài liệu được số hóa tại phiên tòa theo các nội dung đã chuẩn bị và các nội dung phát sinh tại phiên tòa.
 
Phải phối hợp tốt với Tòa án cùng cấp để chuẩn bị công cụ, phương tiện và thực hiện các nội dung công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa được thống nhất, tránh trồng chéo và thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Trước khi tham gia phiên tòa, kiểm sát viên có thể đề xuất với lãnh đạo viện thành lập tổ giúp việc, bố trí cán bộ kỹ thuật có khả năng sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử giúp việc Kiểm sát viên trong việc trình chiếu chứng cứ, việc giúp việc tranh tụng của Kiểm sát viên đạt hiệu quả cao.
 
Nhận thấy việc ứng dụng CNTT giúp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết vụ án hình sự, hai cấp ngành Kiểm sát Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa và lựa chọn những vụ án khác phù hợp để thực hiện số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
 
Nguyễn Thúy Phượng - Phòng 1, VKSND tỉnh TQ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Scroll to top