Sau khi được Viện trưởng VKSND tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Xuân Hùng giới thiệu và qua vài lần liên lạc bằng điện thoại với chị, tôi đã có được những chia sẻ đầy giản dị về tình yêu cũng như sự đam mê, gắn bó với nghề của nữ cán bộ Kiểm sát vừa được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế và chức vụ của VKSND tỉnh Tuyên Quang. Chị là Đào Thị Hồng Hà, một trong ba cá nhân tiêu biểu của ngành KSND tỉnh Tuyên Quang được Viện trưởng VKSND tối cao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018.

Chia sẻ về những ngày đầu mới bước chân vào nghề, bằng sự chân thành và tinh thần cầu thị cả trong công việc lẫn cuộc sống nên chị đã luôn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo của các bậc anh, chị đi trước cũng như sự động viên, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các đồng nghiệp ở VKSND thị xã Tuyên Quang (nay là VKSND TP Tuyên Quang). 

Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án kinh tế lớn của tỉnh. 

Ở thời điểm năm 1995, đường xá đi lại trong thị xã Tuyên Quang khá khó khăn, địa bàn xảy ra tội phạm lại rất rộng so với số lượng cán bộ Kiểm sát còn rất ít ỏi của đơn vị. Vì thế, mỗi khi tại địa bàn xảy ra các trọng án hay các vụ tai nạn giao thông thì việc cán bộ Kiểm sát phải có mặt kịp thời ở hiện trường xảy ra vụ việc, vụ án là một thử thách đối với mỗi cán bộ Kiểm sát lúc bấy giờ.

Phương tiện đi lại, thông tin liên lạc không chỉ lạc hậu mà còn rất thiếu thốn; do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát khi được lãnh đạo phân công nhiệm vụ, ngoài những trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ thì mỗi cá nhân đều phải tự cố gắng khắc phục để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Có những lúc giữa đêm khuya, có tin báo xảy ra vụ tai nạn giao thông thì chồng chị lại là “bác xe ôm” cần mẫn đèo chị đến hiện trường và kiên nhẫn đợi cho đến khi chị hoàn thành công việc (nhiều khi đến tận sáng).

Thời điểm đó, khi các con chị còn nhỏ, vợ chồng sống với gia đình nhà nội, chồng chị công tác ở ngành Điện lực cũng thường xuyên phải trực đêm nên anh đã thấu hiểu và thường xuyên chia sẻ những công việc nhà để chị có thể yên tâm công tác.

Sau 17 năm gắn bó với VKSND thị xã Tuyên Quang, đến năm 2012, chị Đào Thị Hồng Hà được lãnh đạo điều động về công tác tại Văn phòng VKSND tỉnh và đến năm 2013, chị được lãnh đạo VKSND tỉnh phân công về Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra (KSĐT), kiểm sát xét xử sơ thẩm (KSXXST) án kinh tế và chức vụ. Ở đơn vị mới, với những vụ án mang tính đặc thù của loại tội phạm liên quan đến các hoạt động về kinh tế, vốn rất phức tạp và tinh vi mà chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn.

Vì vậy, thủ đoạn, phương thức thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng này thường rất tinh vi và xảo quyệt. Thế nên, chị và các đồng nghiệp không những phải thường xuyên trau dồi các kiến thức pháp luật nói chung mà còn phải chủ động nghiên cứu các văn bản quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế để có thể tìm ra phương án tốt nhất đấu tranh với loại hình tội phạm này.

Ghi nhận những đóng góp, nỗ lực đó, ngày 01/10/2017, chị Đào Thị Hồng Hà được lãnh đạo VKSND tỉnh bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng: Giúp trưởng phòng quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động công tác Thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXXST án kinh tế và chức vụ. 

Nói về công việc chuyên môn hàng ngày ở đơn vị, chị Hà chia sẻ: Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ phát hiện cái sai, những vi phạm mà quan trọng hơn là phải phát hiện cho được nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án cụ thể, cần phải làm rõ trách nhiệm trong quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động đề xuất với lãnh đạo VKSND tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục  hiệu quả.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, chị nghĩ gì về câu nói: “Người thực thi luật pháp phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và bàn tay sạch” và điều này có ý nghĩa gì với công tác kiểm sát mà chúng ta đang làm? Dừng lại trong chốc lát, chị chậm rãi chia sẻ từng lời từ tâm can của mình: Cán bộ các cơ quan tư pháp nói chung, cán bộ Kiểm sát nói riêng hàng ngày phải tiếp xúc với các loại vi phạm và tội phạm, với những mặt trái của xã hội. Nếu không có “cái đầu lạnh, trái tim nóng và bàn tay sạch” thì rất dễ sa ngã.

Báo cáo lãnh đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang tại một buổi họp án. 

 “Cái đầu lạnh” ở đây không phải là cái đầu giá lạnh, vô cảm mà là sự tỉnh táo, minh mẫn để thực hiện và tuân thủ pháp luật, tỉnh táo để phân tích, đánh giá các nội dung, tình tiết của vụ việc phải giải quyết một cách khách quan, thận trọng và toàn diện, từ đó đề xuất quan điểm giải quyết có tình, có lý và có tính thuyết phục.

Đặc biệt là, khi đối phó với loại tội phạm là những đối tượng có chức vụ, bên cạnh các thủ đoạn tinh vi cộng với các mối quan hệ rộng rãi với những người có quyền lực có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình điều tra, xử lý vụ án. Do vậy, đối phó với loại tội phạm này, cán bộ giải quyết cần có một “cái đầu lạnh” để dù là ai đi chăng nữa đã vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, “cái đầu lạnh” để không bị mua chuộc, cám dỗ bởi đồng tiền hay bất cứ thứ vật chất nào khác. Để có “cái đầu lạnh”, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải thấm nhuần 10 chữ vàng Bác Hồ đã dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân.

“Trái tim nóng” là trái tim giàu nhiệt huyết, yêu ngành, yêu nghề, biết hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ công lý; biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm với mỗi hoàn cảnh, mỗi phận người trong từng vụ việc mình thụ lý, giải quyết, từ đó có thêm ý chí và động lực trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công bằng và lẽ phải. 

“Bàn tay sạch” là bàn tay không nhúng chàm, không tham ô, hối lộ, không vụ lợi cá nhân, thể hiện tinh thần chí công vô tư của người cán bộ Kiểm sát. “Bàn tay sạch” để giữ vững kỷ cương pháp luật, không vì những cám dỗ vật chất, địa vị mà lèo lái con thuyền pháp lý đi chệch hướng, không đúng quy định pháp luật. 

Có thể nói, “cái đầu lạnh, trái tim nóng và bàn tay sạch” là những chuẩn mực, những phẩm chất mà mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải có trong quá trình thực thi công vụ. Trong hành trình bảo vệ công lý, không thể thiếu bất kỳ một yếu tố nào. Nếu người cán bộ Kiểm sát chỉ có “cái đầu lạnh”, lúc nào cũng cứng nhắc, giáo điều, không có “trái tim nóng” để dốc lòng, dốc sức cho công việc, để biết yêu thương, chia sẻ, giải quyết công việc thấu tình, đạt lý, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác, không có “bàn tay sạch” để giữ cho cái tâm trong sáng sẽ không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác.

Điểm lại những kết quả đã thực hiện, và những nhiệm vụ sắp tới, Trưởng phòng Đào Thị Hồng Hà cho biết: Kế thừa và tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2018, năm 2019, đơn vị đã tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện một số biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác.

Cụ thể: Kiểm sát viên được phân công thực hiện tốt việc đề ra yêu cầu kiểm tra xác minh, yêu cầu điều tra; nội dung thể hiện cụ thể bằng báo cáo đề xuất, được lãnh đạo phòng và lãnh đạo viện phê duyệt. 

Kiểm sát viên tiến hành trực tiếp hỏi cung bị can. 

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong việc phân công nhiệm vụ đối với cán bộ, Kiểm sát viên và thực hiện việc kiểm tra theo dõi tiến độ thực hiện, chất lượng hoàn thành công việc hàng tháng, hàng quý. Chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn công tác nghiệp vụ đối với cấp huyện.

Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với VKSND các huyện, thành phố trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Phòng và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Kiểm sát viên thông qua công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường việc kiểm tra các báo cáo đề xuất, quyết định tố tụng của các huyện, thành phố, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót trong công tác kiểm sát điều tra nhằm bảo đảm việc điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. 

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đã chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động xét xử của Tòa án; Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã chuẩn bị kỹ đề cương xét hỏi, xây dựng dự thảo luận tội, dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa, chuẩn bị nội dung tranh luận.

Quá trình xét xử, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng của HĐXX như: Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện ngay việc kiểm tra biên bản phiên tòa, báo cáo Lãnh đạo Viện về kết quả xét xử; kiểm sát chặt chẽ bản án, bảo đảm việc ra bản án của Tòa án có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; thực hiện việc lập phiếu kiểm sát bản án đảm bảo đúng quy định.

Lãnh đạo đơn vị đã chủ động đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác, các chỉ tiêu nghiệp vụ. Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có nhiều chuyển biến tích cực, đối với những tố giác, tin báo tội phạm phức  tạp, đều được tập thể phòng thống nhất về quan điểm giải quyết.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự được tiến hành chặt chẽ ngay từ khi mới khởi tố vụ án và trong các giai đoạn tố tụng; đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc đề xuất, tham mưu việc phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra, đảm bảo việc phê chuẩn khởi tố và phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn bắt, gia hạn tạm giữ, tạm giam... có căn cứ, đúng pháp luật; đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, sự giúp đỡ chia sẻ của đồng nghiệp cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang, Phòng Thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXXST  án kinh tế và chức vụ - nơi chị Đào Thị Hồng Hà công tác, nhiều năm liên tục là Tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cá nhân chị trong năm 2018, đã vinh dự được Viện trưởng VKSND tối cao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân”.