Áp dụng nguyên tắc có lợi theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ.

         
         Thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết số 144/2015/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội và Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về hướng dẫn thi hành một số nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 144/2015/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội nhằm thể hiện tính nhân đạo, dân chủ của pháp luật Việt Nam cũng như bảo đảm kịp thời các quyền con người đối với người phải chấp hành án còn ngoài xã hội (sau đây gọi tắt là bị án), người đang chấp hành án trong Trại giam (sau đây gọi tắt là phạm nhân) không bị pháp luật hạn chế hoặc tước bỏ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

          Tuy nhiên, quá trình thực hiện áp dụng Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về hướng dẫn thi hành một số nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 144/2015/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội (sau đây gọi tắt là Nghị  quyết số 01) còn có nhiều khó khăn vướng mắc, trong việc miễn chấp hành hình phạt đối với các bị án và phạm nhân. Trong khuôn khổ bài viết, Tác giả xin nêu ra một số trường hợp để bạn đọc cùng tham khảo, trao đổi và có ý kiến phân tích nhằm làm rõ hơn những vấn đề pháp lý còn chưa cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật.

          I- Các quy định về miễn chấp hành hình phạt:

          Điều 3 Nghị quyết 01 quy định: Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm.

          1. Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015, không xử lý hình sự đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và những trường hợp sau đây:

          a) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó.

          b) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội trừ các tội danh quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

          2. Đối với các trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

          Những người đã chấp hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại thì đương nhiên được xóa án tích.

          Điều 6 Nghị quyết số 01 quy định: Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này được thực hiện như sau:

          1- Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt, cư trú hoặc làm việc có thẩm quyền:

          - Ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang thi hành án treo.

          - Ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với trường hợp người bị kết án bị xử phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt.

          2- Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người bị kết án chấp hành hình phạt, cư trú hoặc làm việc ra quyết định:

          - Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ;

          - Miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời hạn quản chế còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế;

          - Miễn chấp hành thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, miễn chấp hành thời hạn tước một số quyền công dân còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân;

          - Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với trường hợp người bị kết án bị xử phạt bằng các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt.

          II- Những vấn đề cần nghiên cứu:

          - Các trường hợp được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại và được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt là do chuyển biến tình hình pháp luật và chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước chứ không phải do oan sai do đó người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

          - Xác định mốc thời gian (ngày công bố Bộ luật hình sự năm 2015) để tiến hành xem xét miễn chấp hành hình phạt (sau đây gọi tắt là miễn CHHP) quy định tại điểm d, Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 01 như sau:

          + Đối với các trường hợp bị kết án trước ngày 09 tháng 12 năm 2015 thì thuộc trường hợp được xem xét miễn CHHP.

          + Đối với các trường hợp bị kết án từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 trở đi thì không thực hiện việc miễn CHHP mà phải xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

          - Khi xét miễn chỉ miễn CHHP (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này; đối với các vấn đề khác như: trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự, án phí dân sự... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành.

          - Trường hợp người bị kết án thuộc trường hợp được miễn CHHP nhưng chưa chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm.

          - Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt chung hoặc đang chấp hành hình phạt mà thời gian đã chấp hành hình phạt chưa vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không được miễn CHHP, thì người bị kết án được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm.

          - Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt chung hoặc đang chấp hành hình phạt mà thời gian đã chấp hành hình phạt bằng hoặc vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không được miễn CHHP thì người bị kết án được miễn CHHP phần còn lại.

          III- Những vướng mắc, bất cập và giải pháp.

          Thứ nhất: Nghị quyết số 01 mới đề cập đến trường hợp đủ điều kiện được xem xét miễn CHHP (đang chấp hành, đang tạm đình chỉ và chưa chấp hành do được hoãn) tức là thuộc các trường hợp tự nguyện, tự giác đi thi hành án và đang do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý, giám sát nhưng chưa đề cập đến các trường hợp không tự giác chấp hành án, đang trốn thi hành án, đang bị truy nã thi hành án.

          - Ý kiến thứ nhất: Bất cứ trường hợp nào đủ điều kiện thì đều được hưởng quyền, không có sự phân biệt, so sánh giữa “người chấp hành án tự giác, tự nguyện, ăn năn hối cải…” với “người chấp hành án chống đối pháp luật, chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án”… có như vậy mới bảo đảm tính dân chủ, nhân đạo của pháp luật.

          - Ý kiến thứ hai: Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...” nếu chấp nhận quan điểm nêu trên thì sẽ tạo ra sự không công bằng và tiền lệ xấu trong quan hệ pháp luật vì “người tự giác, tự nguyện chấp hành án, ăn năn hối cải” thì bị thiệt thòi vì thuộc trường hợp “đã và đang” chấp hành hình phạt còn “người chống đối chấp hành án, chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án” lại đương nhiên được hưởng lợi (miễn CHHP, xóa án tích) do sự chuyển biến của pháp luật mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì.

          - Quan điểm của Tác giả: Để bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật cần quy định rõ hơn các điều kiện “cần và đủ” để được xét miễn CHHP phải thuộc các trường hợp tự giác chấp hành pháp luật, do các cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát. Không nên xét miễn CHHP cho các trường hợp chống đối pháp luật, chây ỳ, trốn thi hành án, phải truy nã thi hành án, gây bức xúc dư luận hoặc chỉ xét miễn CHHP khi đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự và phải bị xử phạt hành chính theo Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính (tương tự như trường hợp được đình chỉ vụ án theo khoản 6 Điều 5 Nghị quyết này).

          Thứ hai: Trường hợp đủ điều kiện được xem xét miễn CHHP nhưng tại thời điểm Hội đồng xét miễn CHHP mở phiên họp, họ đã chấp hành xong hình phạt chính (hình phạt tù hoặc thời gian thử thách của án treo) nhưng chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung (hình phạt tiền…) thì Hội đồng có được xem xét miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền không?  thẩm quyền miễn hình phạt tiền thuộc Tòa án hay do Cơ quan Thi hành án dân sự ?

          - Có ý kiến cho rằng: Theo điểm a, khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 01 quy định: Các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này đều được xét miễn CHHP gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung mà không phân biệt thuộc loại hình phạt nào, do đó việc miễn hình phạt tiền cũng thuộc thẩm quyền của Tòa án.

          - Quan điểm của Tác giả: Cơ quan Tòa án chỉ xem xét miễn hình phạt chính, hình phạt bổ sung mà không phải là phạt tiền (các trường hợp ngoài hình phạt tiền). Các trường hợp bị kết án bằng hình phạt tiền (gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đều thuộc trường hợp phải thi hành án chủ động của Cơ quan Thi hành án dân sự; do đó, thẩm quyền xét miễn thuộc trách nhiệm của Cơ quan Thi hành án dân sự; có như vậy mới phù hợp với  Điều 1 Luật Thi hành án hình sự, Điều 1 Luật Thi hành án dân sự.

          Thứ ba: Trường hợp đủ điều kiện được xem xét miễn CHHP nhưng tại thời điểm Hội đồng xét miễn CHHP mở phiên họp, họ chưa chấp hành xong hình phạt chính (hình phạt tù hoặc thời gian thử thách của án treo) nhưng đã chấp hành xong hình phạt bổ sung (hình phạt tiền…) thì sau khi Hội đồng xét ra quyết định miễn CHHP chính thì người được miễn CHHP có được nhận lại khoản tiền đã nộp trước đó hay không?  thủ tục hoàn trả khoản tiền đã thi hành án như thế nào?  thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án hay do Cơ quan Thi hành án dân sự ?

          - Quan điểm thứ nhất: Bộ luật hình sự năm 2015 không coi hành vi nào đó là tội phạm nữa thì người thực hiện hành vi bị kết án trước đó được coi là không phạm tội, do vậy các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm khôi phục lại quyền lợi cho người được miễn CHHP; khoản tiền mà họ đã nộp trước khi được xét miễn phải được hoàn trả lại cho họ theo quy định của pháp luật.

          - Quan điểm thứ hai: Đối với những khoản tiền là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung mà tại thời điểm Hội đồng xét miễn CHHP mở phiên họp mà người được miễn CHHP chưa chấp hành (chưa nộp Ngân sách Nhà nước) thì được miễn thi hành; trường hợp họ đã nộp Ngân sách Nhà nước xong trước khi được xét miễn thì không phải hoàn trả lại vì tại thời điểm người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (có lỗi) và bị pháp luật hình sự hiện hành coi đó là tội phạm.  

          - Tác giả cho rằng: Người được miễn CHHP do chuyển biến tình hình pháp luật và chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước không thuộc trường hợp bị oan sai, không phải do lỗi của các cơ quan tố tụng gây thiệt hại cho người được miễn nên không có quyền yêu cầu bồi thường oan sai. Vì thế, họ chỉ được miễn hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung còn lại, những vấn đề khác như: án phí, tiền truy thu, tịch thu; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trả lại tài sản …( khoản 7 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015) họ vẫn phải thi hành. Đối với trường hợp đã nộp khoản tiền (là hình phạt bổ sung…) trước khi được xét miễn hình phạt thì Ngân sách nhà nước cần hoàn trả lại số tiền đó cho người đã được miễn CHHP chính hoặc hình phạt bổ sung được tuyên trong bản án. Việc thực hiện thoái thu từ Ngân sách nhà nước được thực hiện theo Thông tư số 68/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn trả các khoản thu đã nộp Ngân sách Nhà nước do Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện.

          Thứ tư: Trường hợp bị án, phạm nhân đang chấp hành nhiều bản án (trong đó có bản án thứ nhất cho hưởng án treo đã có hiệu lực pháp luật (về tội khác không thuộc trường hợp được miễn), sau đó được tổng hợp hình phạt chung với bản án thứ hai thành án phạt tù có thời hạn do xác định có tiền án, phạm tội mới trong thời gian thử thách) thì khi miễn CHHP tù của bản án sau (án phạt tù) thì hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo của bản án thứ nhất được giải quyết xử lý như thế nào? bởi lẽ: Tội phạm tại bản án thứ nhất không thuộc trường hợp được miễn; đồng thời tình tiết “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 1 Điều 48  hoặc “phạm tội mới trong thời gian thử thách” theo khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 2009” là yếu tố định tội của bản án thứ hai.

          - Quan điểm thứ nhất: Bị án, phạm nhân phải thi hành nhiều bản án (trong đó có bản án thứ nhất cho hưởng án treo sau đó được tổng hợp với bản án thứ hai thành án phạt tù có thời hạn) mà hình phạt của bản án sau dù được miễn thì bị án, phạm nhân vẫn phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn của bản án thứ nhất; bởi vì: Tội phạm, hình phạt tại bản án thứ nhất không thuộc trường hợp được miễn; tại thời điểm người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (có lỗi) và bị pháp luật hình sự hiện hành coi đó là tội phạm.

          - Quan điểm thứ hai: Khi bản án thứ hai được miễn CHHP thì bị án, phạm nhân không phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn của bản án thứ nhất nữa mà đương nhiên được chuyển trở lại thành án treo; bởi vì: Căn cứ để chuyển án treo của bản án thứ nhất thành án tù có thời hạn của bản án thứ hai chính là do họ đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (có lỗi) và bị pháp luật hình sự hiện hành coi đó là tội phạm; khi hình phạt của bản án thứ hai được miễn (hình phạt không còn hiệu lực thi hành) thì đương nhiên việc chuyển án treo thành án tù có thời hạn của bản án thứ hai cũng không còn hiệu lực thi hành. Cơ quan có thẩm quyền cần trả tự do ngay cho bị án, phạm nhân và giao họ cho chính quyền địa phương nơi cư trú quản lý, giám sát, giáo dục để tiếp tục thi hành thời hạn thử thách còn lại của án treo mà bản án thứ nhất đã tuyên.

          - Quan điểm của Tác giả: Quan điểm thứ hai có nhiều luận cứ phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc có lợi cho người chấp hành án; Tuy nhiên sau khi bản án thứ hai được miễn CHHP thì Cơ quan Thi hành án hình sự, Trại giam cần thông báo ngay cho Tòa án nơi ra quyết định thi hành án phạt tù, phạt tù nhưng cho hưởng án treo biết để thực hiện việc báo cáo Tòa án cấp trên có thẩm quyền (Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao…) xem xét kháng nghị bản án thứ hai (thuộc trường hợp được miễn) theo trình tự xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết việc thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo mà bản án thứ nhất đã tuyên.

          Thứ năm: Điều kiện được miễn CHHP đối với tội Đánh bạc (Điều 248 Bộ luật hình sự 2009) được Nghị quyết 01 hướng dẫn như sau:
Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích mà có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc”.

          - Có quan điểm cho rằng: Bộ luật hình sự năm 2015 xác định số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự do đó các trường hợp dưới 5.000.000 đồng đều được miễn, kể cả trường hợp bản án tuyên có tình tiết đã bị xử phạt hành chính hoặc chưa được xóa án tích (tái phạm, tái phạm nguy hiểm), như vậy pháp luật mới được thực hiện thống nhất.

          - Tác giả cho rằng: Theo nội dung hướng dẫn nêu trên thì điều kiện được miễn CHHP phải là: Khi bản án tuyên, người bị kết án phải có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Không thực hiện miễn CHHP cho người không có đủ điều kiện về tiền án, tiền sự cho dù số tiền đánh bạc của các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều dưới 5.000.000 đồng hoặc chỉ xét miễn CHHP khi đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự và phải bị xử phạt hành chính theo Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính (tương tự như trường hợp được đình chỉ vụ án theo khoản 6 Điều 5 Nghị quyết này).

          Trên đây là quan điểm cá nhân của Tác giả về việc miễn CHHP theo nguyên tắc có lợi cho người chấp hành án, rất mong được bạn đọc chia sẻ và thảo luận, phản ánh trong quá trình góp ý xây dựng pháp luật. Đề nghị Liên ngành Tư pháp trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để việc áp dụng pháp luật được đồng bộ và thống nhất.

 
Lưu Tiến Độ