Bàn về việc trưng cầu giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

 
Để xác định hành vi phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định tại Điều 232 BLHS năm 2015. Ngoài các dấu hiệu đặc trưng về cấu thành tội phạm thì việc xác định thiệt hại về thực vật rừng là gỗ và thực vật rừng ngoài gỗ như: xác định tên gỗ, nhóm gỗ, xác định khối lượng gỗ bằng phương pháp đo khối lượng, xác định giá trị gỗ bằng yêu cầu định giá tài sản là yêu cầu bắt buộc, do đó việc xác định đúng về khối lượng, chủng loại, giá trị là một trong những vấn đề cần chứng minh trong quá trình điểu tra, xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử.

 
Theo quy định khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 được sửa đổi, bổ sung ngày 10/6/2020 “1. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
 
Như vậy theo quy định của luật, việc giám định tư pháp đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở xem xét quyết định hành vi phạm tội đối với một người, một nhóm người hay cơ quan, tổ chức qua đó giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt người phạm tội và tội phạm.
 
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, việc trưng cầu giám định tư pháp phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1 Điều 205 BLTTHS: “1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định”.
 
Điều 206 BLTTHS quy định các trường hợp “Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
 
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
 
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
 
3. Nguyên nhân chết người;
 
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
 
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
 
6. Mức độ ô nhiễm môi trường”.
 
Trên thực tế khi giải quyết các vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo theo quy định tại Điều 232 BLHS, việc trưng cầu giám định thường được cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đặt ra. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử việc xác định “khi xét thấy cần thiết” theo quy định tại khoản 1 Điều 205 BLTTHS để tiến hành trưng cầu giám định lại có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, cụ thể:
 
* Quan điểm thứ nhất: Trong quá trình giải quyết vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không cần thiết trưng cầu giám định thiệt hại thực vật rừng (gỗ, thực vật khác ngoài gỗ), chỉ cần dựa trên bảng kê, biên bản xác định của cơ quan chuyên môn (như Kiểm lâm ..) bởi đây là cơ quan có chuyên môn, có kiến thức, kinh nghiệm trong nhận biết về mặt trực quan, đồng thời phù hợp với ý kiến đồng ý hoặc thừa nhận của người thực hiện hành vi phạm tội và những người tham gia tố tụng khác, như vậy đảm bảo, phù hợp với khoản 1 Điều 205 BLTTHS đây là các trường hợp không cần thiết, không bắt buộc phải trưng cầu giám định.
 
Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, những người tham gia tố tụng có ý kiến khác nhau hoặc người thực hiện hành vi phạm tội, không chấp nhận biên bản xác định của cơ quan chuyên môn về thiệt hại thực vật rừng (gỗ, thực vật khác ngoài gỗ), thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mới phải trưng cầu giám định tư pháp.
 
Quan điểm này giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra đó là: Nếu như tất cả các vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Điều 232) phải trưng cầu giám định, mà trong số đó có những vụ án đối tượng cần giám định có số lượng quá nhiều nếu thực hiện việc trưng cầu giám định sẽ làm tăng chi phí, thủ tục cũng như kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và làm giảm hiệu quả đấu tranh đối với loại tội phạm này.
 
Tuy nhiên theo quan điểm này lại đặt ra một vấn đề bất cập là: Các cơ quan chuyên môn được yêu cầu, thực hiện xác nhận dựa trên kinh nghiệm và nhận biết về mặt trực quan, có đảm bảo đúng không, liệu có hay không sự nhầm lẫn, không chính xác trong việc xác định lâm sản thiệt hại. Mặt khác xác nhận của cán bộ, cơ quan chuyên môn này có đảm bảo giá trị thay cho kết luận giám định hay không, trong khi theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Thông tư số 20/2022/TT-BNNPTNT ngày 22/12/2022 có lĩnh vực Giám định tư pháp về lâm nghiệp. Như vậy để xác định cụ thể trong lĩnh vực này cần phải giám định tư pháp; bên cạnh đó khi không giám định nếu có sự nhầm lẫn xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến quyền của người có hành vi đang bị xem xét, kết tội.
 
* Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Để giải quyết vấn đề vướng mắc, bất cập trong việc xác định thực vật rừng là gỗ, thực vật khác ngoài gỗ, cũng như thực tiễn đặt ra khi áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 205 BLTTHS trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Điều 232) thực hiện như sau:
 
- Bắt buộc phải trưng cầu giám định thuộc trường hợp khi xét thấy cần thiết để xác định gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ bị xâm hại thuộc các trường hợp sau:
 
+ Gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA.
 
+ Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA.
 
Với lý do: Đây là những loài rất khó xác định trên thực tế, cần xác định chính xác tên, ngành, lớp, họ, loại bị xâm hại cần phải có cơ quan chuyên môn, người có kiến thức, kinh nghiệm, chuyên gia, nhà khoa học có tư cách pháp lý được pháp luật công nhận theo quy định của Luật giám định tư pháp và Thông tư số 20/2022.
 
- Không bắt buộc giám định thuộc các trường hợp sau:
 
  + Gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
 
+ Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I, Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
 
+ Gỗ loài thực vật thông thường (Nhóm II đến nhóm VIII).
 
Với lý do: Đây là những loài phổ biến trên thực tế, dễ nhận biết, được nhiều người thừa nhận và có xác định của cơ quan chuyên môn, ngoài ra đối với gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I, Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì đều có hồ sơ nhập khẩu theo quy định.
 
Quan điểm trên vừa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền của người có hành vi đang bị xem xét, kết tội; vừa tiết kiệm chi phí, đơn giản hoá thủ tục nhưng vẫn đảm bảo thời hạn trong quá trình giải quyết vụ án, tăng hiệu quả đấu tranh đối với loại tội phạm này; đồng thời đảm bảo căn cứ pháp lý, xử lý nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội, thoả mãn tính chất định tính, định lượng làm căn cứ để định khung hình phạt có căn cứ, đúng pháp luật tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
 
Trên đây là các quan điểm, nhận thức về việc trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo theo quy định tại Điều 232 BLHS, rất mong được bạn đọc chia sẻ và thảo luận, phản ánh trong quá trình góp ý xây dựng pháp luật, đề nghị Liên ngành Tư pháp Trung ương có Hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để việc áp dụng đảm bảo pháp luật được thực hiện đồng bộ và thống nhất, qua đó đảm bảo Viện KSND cấp dưới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
 
         Trần Đức Hiệp - P7, VKSND tỉnh Tuyên Quang