Khó khăn, vướng mắc trong công tác Kiểm sát thi hành án hình sự

 

Trong thực hiện hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự, thấy còn có khó khăn vướng mắc cần được nghiên cứu xem xét để các cơ quan liên quan thống nhất áp dụng thực hiện; Cụ thể: Có trường hợp phạm nhân phạm đang chấp hành án tại Trại giam của Bộ Công an, phạm tội trộm cắp tài sản, trốn trại từ năm 1979 đến nay chưa bắt được, trị giá tài sản trộm cắp so với thời điểm hiện tại quá nhỏ, phạm nhân đến nay trên 70 tuổi, để miễn hình phạt tù còn lại cho phạm nhân, thanh loại đối tượng truy nã ra khỏi danh sách truy nã của trại giam nhưng quá trình phối hợp thực hiện công tác còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc thanh loại đối tượng ra khỏi danh sách truy nã, xin nêu cụ thể trường hợp sau:
 
Phạm Văn V, sinh năm 1948, đăng ký hộ khẩu: xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

 
Tiền sự (ghi trong bản án) có 06 tiền sự như sau:
 
“Ngày 18/11/1970 Công an tỉnh Hà Bắc bắt về trộm cắp tài sản riêng của công dân;
 
- Ngày 23/5/1972 Công an tỉnh Hải Hưng bắt về giả danh lừa đảo;
 
- Ngày 03/12/1973 Công an tỉnh Lạng Sơn bắt về trộm cắp tài sản riêng của công dân;
 
- Ngày 23/12/1973 Công an tỉnh Yên Bái bắt về lang thang lừa đảo;
 
- Ngày 17/12/1976 Công an khu Hai Bà, Hà Nội bắt về đêm khuya đi mang dao găm trong người;
 
Bị cáo tự khai có 01 án: năm 1972 bị Toà án tỉnh Hải Hưng xử 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản riêng công dân”.
 
Nội dung vụ án: Ngày 24/11/1976, Phạm Văn V cùng Nguyễn Đình P lén lút vào khu tập thể công nhân công trình 2, xí nghiệp xây lắp I, Nhà máy thuỷ điện Thái Nguyên trộm cắp một số tài sản trị giá 162 đồng (Một trăm sáu mươi hai đồng), sau ngày 14/9/1985 Nhà nước đổi tiền còn giá trị 16,2 đồng (Mười sau đồng hai hào).
 
Phạm Văn V bị tạm giam từ ngày 15/12/1976. Ngày 20/9/1978, Phạm Văn V bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm tại bản án số 201 về tội Trộm cắp tài sản riêng của công dân, nội dung bản án tuyên: “Áp dụng khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 16, Điều 17 Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, phạt V 04 năm tù”.
 
Phạm Văn V chấp hành án tại Trại giam Bộ Công an, ngày 26/11/1979, lợi dụng được đưa đi điều trị tại bệnh viện đã bỏ trốn; ngày 19/9/1985, Trại giam ra Lệnh truy nã số 26 đối với Phạm Văn V, từ đó đến nay chưa bắt được phạm nhân Phạm Văn V.
 
Thực hiện Điện số 100/C01-P1; ĐK.K ngày 24/4/2020 của Ban chỉ đạo 327 Bộ Công an và Điện số 828/ĐK.K ngày 04/5/2020 của Cục C10 Bộ Công an về thực hiện công tác truy nã, truy tìm năm 2020. Đánh giá đúng thực trạng đối tượng truy nã hiện còn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác truy nã.
 
Qua công tác phối hợp với các ngành, nghiên cứu hồ sơ để thanh loại một số đối tượng trốn trại từ năm 1992 trở về trước ra khỏi danh sách của trại giam còn có quan điểm khác nhau trong việc thanh loại đối tượng ra khỏi danh sách trốn trại của Trại giam như sau:
 
Quan điểm thứ nhất: Đề nghị Toà án tỉnh miễn chấp hành thời hạn tù còn lại đối với phạm nhân Phạm Văn V theo bản án số 201 ngày 20/8/1978 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vì các căn cứ sau:
 
Một là: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
 
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
 
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
 
Như vậy, hành vi trộm cắp tài sản của Phạm Văn V quá nhỏ so với mức khởi điểm quy định của BLHS và theo giá trị hiện nay;
 
Hai là: Phạm nhân V đã trốn trại đến nay đã 43 năm chưa bắt được;
 
Ba là: Phạm nhân đã già trên 70 tuổi ít còn nguy hiểm cho xã hội.
 
Quan điểm thứ hai: Không có căn cứ pháp luật để miễn chấp hành hình phạt tù còn lại đối với phạm nhân V vì:
 
Một là: Mặc dù tài sản Phạm Văn V trộm cắp theo quy định của BLHS là 16,2 đồng quá nhỏ so với mức tối thiểu bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng V bị xử theo khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng công dân có khung hình phạt tù từ hai năm đến mười năm tù, tương đương với khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 nên không được miễn chấp hành hình phạt tù còn lại;
 
Hai là: Theo quy định tại Điều 62 BLHS quy định miễn chấp hành hình phạt như sau:
 
“1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
 
2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
 
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
 
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
 
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
 
4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại”.
 
Trường hợp Phạm Văn V không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 62 của BLHS nên không được miễn hình phạt tù còn lại;
 
Ba là: Mặc dù tài sản chiếm đoạt có giá trị thấp hơn mức khởi điểm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản so với Điều 173 LHS nhưng bản án ghi:“Ngày 18/11/1970 Công an tỉnh Hà Bắc bắt về trộm cắp tài sản riêng của công dân; Ngày 23/5/1972 Công an tỉnh Hải Hưng bắt về giả danh lừa đảo; Ngày 03/12/1973 Công an tỉnh Lạng Sơn bắt về trộm cắp tài sản riêng của công dân; bị cáo tự khai có 01 án: năm 1972 bị Toà án tỉnh Hải Hưng xử 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản riêng công dân”, (nội dung này chỉ được thể hiện trong bản án, không có hồ sơ). Như vậy những lần chiếm đoạt tài sản trên chưa rõ đã bị xử lý hành chính chưa, nếu đã bị xử lý rồi nhưng chưa thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó hoặc lần kết án trước nếu chưa chấp hành xong các quyết định của bản án thì vẫn bị coi là tài sản sản bị chiếm đoạt dưới hai triệu đồng nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 173 BLHS (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) do đó không được miễn hình phạt theo quy định của BLHS.
 
Quan điểm tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại đối với phạm nhân Phạm Văn V vì tài sản bị chiếm đoạt có giá trị quá nhỏ, căn cứ khoản 2 Điều 8 BLHS thì những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm; do chuyển biến của tình hình kinh tế, chính trị- xã hội hiện tại so với thời điểm xét xử quá xa (trên 40 năm) mà hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, phạm nhân đã trên 70 tuổi, việc truy nã để bắt phạm nhân chưa có kết quả do đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định miễn hình phạt còn lại đối với phạm nhân V.
 
Kính mong nhận được được sự trao đổi và góp ý của các độc giả.
 
 
                                                Tạ Văn Thiển - P8 VKS tỉnh  Tuyên Quang