Bàn về tư cách tham gia tố tụng của Doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải quyết vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự
- Thứ sáu - 06/08/2021 13:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, chi phối toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án có vấn đề dân sự phát sinh khi hành vi tội phạm xảy ra. Tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:“Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự…”, vì vậy ngoài việc phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm hình sự, các Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án. Điều này không những có tác dụng giải quyết triệt để, khách quan những quan hệ dân sự phát sinh việc thực hiện tội phạm mà còn góp phần làm sáng tỏ những nội dung thuộc trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong việc định tội danh, định khung hình phạt, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, ngoài xử lý hình sự thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc những người tham gia tố tụng khác như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Căn cứ để xem xét trách nhiệm bồi thường trong các vụ án về tham gia giao thông đường bộ được xác định theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy những vấn đề phát sinh bồi thường dân sự trong vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải căn cứ vào các Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 589, Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự để giải quyết.
Ngày 15/01/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Nghị định số 03), thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ. Theo đó chủ xe cơ giới bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Tại Điều 14 của Nghị định số 03 quy định về bồi thường bảo hiểm: “Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể: Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong…”.
Vấn đề đặt ra là trong quá trình giải quyết vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Doanh nghiệp bảo hiểm phải được đặt ra.
Ví dụ: Lý Văn T đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe mô tô của T với Doanh nghiệp bảo hiểm A. Ngày 02/3/2021, T có hành vi điều khiển xe mô tô của T tham gia giao thông đường bộ, do không nhường đường cho người đi bộ, vi phạm khoản 4 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ, đã gây tai nạn với người đi bộ là bà Nguyễn Thị N, hậu quả bà N chết. T bị khởi tố điều tra, gia đình bị hại N yêu cầu T phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trên, do T không có điều kiện về kinh tế để bồi thường cho gia đình bị hại N, nên đã yêu cầu Cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa Doanh nghiệp bảo hiểm A vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm A bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại N, vì sau khi gây tai nạn T đã thông báo cho Doanh nghiệp bảo hiểm A. Giải quyết yêu cầu của T có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm 1: Cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp nhận yêu của của bị can T, đưa Doanh nghiệp bảo hiểm A vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại khi xét xử.
- Quan điểm 2: Cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu của của bị can T về việc đưa Doanh nghiệp bảo hiểm A vào tham gia tố tụng trong vụ án.
Trong thực tiễn từ trước đến nay khi giải quyết vụ án về “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, các Cơ quan tiến hành tố tụng không đưa Doanh nghiệp bảo hiểm vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc không đưa Doanh nghiệp bảo hiểm vào tham gia tố tụng là không đảm bảo quyền và lợi ích của chủ phương tiện; quyền và nghĩa vụ của các Doanh nghiệp bảo hiểm.
Để giải quyết triệt để vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như đã phân tích trên, thì các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bắt buộc phải đưa Doanh nghiệp bảo hiểm vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như quan điểm 1. Từ ví dụ trên cho thấy: Bị can T đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe mô tô của T với Doanh nghiệp bảo hiểm A. Do vậy khi T gây tai nạn làm thiệt hại đến tính mạng của người khác thì Doanh nghiệp bảo hiểm A phải có trách nhiệm bồi thường, chi trả tiền cho gia đình bị hại N theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 03, quy định về Phạm vi bồi thường thiệt hại “Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra”. Trừ trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị định số 03, quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm “Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: 1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại…”.
Căn cứ vào mức trách nhiệm bảo hiểm mà bị can T mua, nếu Doanh nghiệp bảo hiểm A chi trả không đủ các chi phí hợp lý theo yêu cầu của gia đình bị hại N, thì bị can T phải có trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu đó cho gia đình bị hại N. Theo quy định tại Nghị định số 03 thì Doanh nghiệp bảo hiểm A phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn để thực hiện việc chi trả cho gia đình bị hại N, cụ thể trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của T, Doanh nghiệp bảo hiểm A phải tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm cho gia đình bị hại N… Nếu Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng là vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên Doanh nghiệp bảo hiểm A chỉ thanh toán bồi thường cho gia đình bị hại N căn cứ theo mức trách nhiệm bảo hiểm mà bị can T mua, được xác định theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 03. Trường hợp Tòa án quyết định mức bồi thường cao hơn quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 03, thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kháng cáo phần quyết định đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tuyên Quang cần có chỉ đạo, thống nhất trong việc đưa các Doanh nghiệp bảo hiểm vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, để việc giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nhiệp bảo hiểm.
Nguyễn Thúy Vân - VKSND tỉnh