Bàn về việc xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội và thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
- Thứ hai - 21/10/2024 16:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự nói riêng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương. Do vậy, việc xác định đúng thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chính xác thẩm quyền điều tra vụ án.
Về thẩm quyền điều tra vụ án, tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Toà án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc việc điều tra”.
Tham khảo Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của Tòa án nhân dân tối cao, tại mục 8 có giải đáp “…Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài đã kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm kết thúc; trường hợp hành vi phạm tội kéo dài chưa kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện”. Tại khoản 3, Điều 27 Bộ luật Hình sự quy định “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”.
Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, tác giả nhận thấy còn nhiều vướng mắc trong việc xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dẫn đến xác định thẩm quyền điều tra khác nhau, cần được cấp trên hướng dẫn, thống nhất đường lối giải quyết. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đưa ra một tình huống cụ thể để chúng ta cùng nghiên cứu, trao đổi như sau:
Nội dung vụ án: Ngày 06/12/2023, Trần Văn H, sinh năm 1991 đến nhà bạn là Lê Hữu B (cùng trú tại tổ 02, phường AT, thành phố TQ, tỉnh TQ) chơi. Quá trình ngồi nói chuyện, thấy anh B có chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave, biển số 22B1-073.XX ít dùng đến nên H hỏi mượn làm phương tiện đi lại, anh B đồng ý, giao xe cùng giấy tờ liên quan cho H. Sau đó, H sử dụng xe trên làm phương tiện đi lại hằng ngày. Đến ngày 05/3/2024, H nảy sinh ý định bán xe mô tô của anh B lấy tiền chi tiêu cá nhân, cùng ngày H điều khiển xe trên đến Cửa hàng mua bán xe mô tô cũ của Trần Văn L tại thôn 05, xã TM, huyện YS bán cho anh L với giá 5.000.000 đồng. Sau đó, H bỏ trốn khỏi địa phương, cắt mọi hình thức liên lạc với anh B. Ngày 10/3/2024, sau khi phát hiện H đã bán xe mô tô của mình, nhiều lần đến nhà tìm H nhưng không gặp, không liên lạc được với H nên anh B đã làm đơn trình báo đến Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ. Kết luận định giá tài sản xác định xe mô tô trên trị giá 9.000.000 đồng. Ngày 20/3/2024, Cơ quan điều tra triệu tập được H đến làm việc, H đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn H về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Thực tiễn giải quyết còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội của Trần Văn H và thẩm quyền điều tra đối với vụ án trên, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trần Văn H thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 05/3/2024 tại xã TM, huyện YS nên vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện YS. Do từ ngày 06/12/2023 đến trước ngày 05/3/2024, sau khi có được tài sản (xe mô tô trên của anh B) bằng hình thức mượn, H sử dụng xe của anh B làm phương tiện đi lại hằng ngày như đúng thỏa thuận nên chưa phát sinh tội phạm. Chỉ đến ngày 05/3/2024, tại địa bàn xã TM, huyện YS, H mới bán xe của anh B lấy tiền chi tiêu cá nhân, sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì mới phát sinh tội phạm. Đây là tội phạm kéo dài đã kết thúc nên vận dụng Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của Tòa án nhân dân tối cao như trên thì thời điểm thực hiện hành vi phạm tội chính là thời điểm tội phạm kết thúc. Do vậy, tội phạm xảy ra trên địa phận xã TM, huyện YS nên vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện YS.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trần Văn H thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 06/12/2023 tại phường AT, thành phố TQ nên vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ. Do thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra nơi phát sinh tội phạm, là địa điểm chủ tài sản giao tài sản cho H qua hình thức mượn tài sản, sau đó bị H chiếm đoạt. Thẩm quyền điều tra không phụ thuộc vào việc người phạm tội sau khi chiếm đoạt tài sản mang đi bán, cầm cố tại địa điểm trong hay ngoài phạm vi, địa phận điều tra của mình. Vì vậy, trong tình huống này xác định địa điểm, thời gian xảy ra tội phạm là ngày 06/12/2023 tại phường AT, thành phố TQ, nơi anh B giao xe cho H.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, Trần Văn H thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 06/12/2023 tại phường AT, thành phố TQ nên vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, về mặt ý thức chủ quan của hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có được tài sản sau khi chủ tài sản giao tài sản qua hình thức vay, mượn, thuê rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, qua đó thể hiện sự bội tín của họ với chủ tài sản.
Thứ hai, về địa điểm giao tài sản cũng đồng thời là nơi chủ tài sản giao quyền sử dụng, quyền quản lý tài sản của chủ tài sản cho người phạm tội (trừ quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản đó), sau khi có tài sản, người phạm tội nảy sinh ý định và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đó qua hình thức bán, cầm cố, sử dụng tài sản vào việc bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì tội phạm đã hoàn thành, còn việc cất giấu, bán, cầm cố, sử dụng tài sản bất hợp pháp…là bước tiếp theo của người phạm tội nhằm hoàn thành ý thức chiếm đoạt tài sản, nó không phụ thuộc vào việc tài sản đó được bán, cầm cố cho ai, ở đâu.
Thứ ba, xác định thời gian, địa điểm giao tài sản chính là thời gian, nơi phát sinh tội phạm. Khi chủ tài sản biết tài sản bị chiếm đoạt là thời điểm phát hiện tội phạm. Dấu hiệu đặc thù của tội phạm này là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ tài sản khi đang có tài sản của họ, nếu không có tài sản thì không thể thực hiện hành vi chiếm đoạt (nếu chiếm đoạt tài sản khi không quản lý tài sản đó thì hành vi trên phạm vào các tội khác như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).
Thứ tư, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong tình huống trên không phải là tội phạm kéo dài do tội phạm kéo dài được hiểu là hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong khoảng thời gian dài, chỉ chấm dứt khi tội phạm bị phát hiện hoặc khi người phạm tội tự thú nên không thể vận dụng tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của Tòa án nhân dân tối cao trên để áp dụng trong tình huống này. Bởi lẽ, trong tình huống trên, tuy tội phạm diễn ra trong khoảng thời gian dài, không bị gián đoạn (từ ngày 06/12/2023 đến ngày 05/3/2024) nhưng hành vi phạm tội đã kết thúc từ thời điểm H bán xe mô tô của anh B rồi bỏ trốn (ngày 05/3/2024), không phụ thuộc vào việc hành vi phạm tội của H có bị phát hiện hoặc H tự thú hay không. Cụ thể, từ ngày 06/12/2023 đến ngày 05/3/2024, sau khi nhận được tài sản, H vẫn sử dụng xe mô tô của anh B làm phương tiện đi lại hằng ngày như đã thỏa thuận, đến ngày 05/3/2024 H mới bán xe (chiếm đoạt tài sản), đến ngày 10/3/2024 anh B phát hiện và làm đơn trình báo cơ quan công an, nên trong khoảng thời gian từ ngày 05/3/2024 đến trước ngày 10/3/2024, anh B chưa phát hiện thì hành vi phạm tội của H cũng đã kết thúc từ ngày 05/3/2024.
Ngoài ra, thực tiễn xét xử án hình sự cho thấy đại đa số Tòa án nhân dân các cấp ở nhiều địa phương đều xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chính là thời gian, địa điểm bị cáo nhận được tài sản từ bị hại, như: Bản án số 37/2024/HS-ST ngày 23/8/2024 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; Bản án số 63/2024/HS-ST ngày 28/8/2024 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ,…
Như vậy trong tình huống trên: Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một chuỗi hành vi kể từ khi H mượn được tài sản (xe mô tô) đến khi H nảy sinh ý định và bán xe rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, các hành vi này có mối liên hệ mật thiết với nhau, hành vi trước là tiền đề để thực hiện hành vi sau. Do vậy, không thể bóc tách riêng lẻ từng hành vi của H để xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội. Ở đây, H thực hiện hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trong một khoảng thời gian bắt đầu kể từ ngày nhận được tài sản (06/12/2023) đến khi H bán rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản (ngày 05/3/2024); nơi phát sinh tội phạm đầu tiên là địa điểm anh B giao tài sản cho H thuộc địa phận phường AT, thành phố TQ, ngoài ra đây cũng là nơi anh B phát hiện xe mô tô của mình bị chiếm đoạt và trình báo Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ nên cũng xác định là nơi phát hiện tội phạm. Do vậy, nơi phát sinh tội phạm và nơi phát hiện tội phạm, nơi cư trú của Trần Văn H đều thuộc địa phận thành phố TQ nên vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ.
Hiện nay chưa có văn bản của liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Tuy nhiên, nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; theo tác giả, trong tình huống trên, sau khi tiếp nhận, thụ lý nguồn tin về tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an thành phố TQ cần có văn bản trao đổi, thống nhất với Cơ quan CSĐT Công an huyện YS về việc xác định thẩm quyền, thụ lý vụ việc nhằm tránh tranh chấp về thẩm quyền điều tra cũng như đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và nâng cao chất lượng công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm, giải quyết án hình sự.
Trên đây là quan điểm của tác giả về việc xác định thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội và thẩm quyền điều tra đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, thảo luận của các đồng chí, đồng nghiệp và hướng dẫn của cấp trên nhằm áp dụng, thực hiện thống nhất theo quy định./.
Trần Đức Hiệp - Nguyễn Thị Như Ngọc Viện KSND thành phố Tuyên Quang