Một số khó khăn bất cập trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- Thứ ba - 08/10/2024 18:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thấy: qua 05 năm triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận và ủng hộ của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, công tác triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự đã thực sự đi vào đời sống.
Về cơ bản, Luật Thi hành án hình sự đã đáp ứng được yêu cầu của công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng, Luật đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành án hình sự, cũng như quyền và nghĩa vụ của người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác thi hành án hình sự, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng. Luật Thi hành án hình sự đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án hình sự, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng Luật Thi hành án hình sự đối với người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc được quy định tại khoản 2 Điều 92, Điều 94 Luật THAHS năm 2019 như sau:
1. Vấn đề thứ nhất
Tại khoản 2, Điều 92 Luật THAHS quy định về giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo như sau:
“2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan”.
Tại Điều 94 Luật THAHS quy định về trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình đối với người được hưởng án treo như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
2. Gia đình người được hưởng án treo có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục và thông báo kết quả chấp hành án của người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục khi có yêu cầu; phải có mặt tại cuộc họp kiểm điểm người được hưởng án treo theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục”.
Theo đó, quy định người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã, trường hợp không đồng ý thì UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Như vậy, UBND cấp xã chỉ trả lời bằng văn bản trong trường hợp không đồng ý, còn trường hợp UBND xã đồng ý thì không được thực hiện bằng văn bản, quy định này dễ dẫn đến sự tùy nghi khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu trường hợp người được hưởng án treo đang chấp hành án có xin phép vắng mặt mà được sự đồng ý bằng miệng của UBND cấp xã sau đó quyền, lợi ích của người được hưởng án treo bị ảnh hưởng, họ có thể bị coi là vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên, bị UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị TAND có thẩm quyền buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 BLHS.
Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức giám sát giáo dục đối với người được hưởng án treo nhưng chưa cụ thể hoá về trách nhiệm của UBND cấp xã và CQTHAHS Công an cấp huyện phải báo cáo cho Toà án nhân dân có thẩm quyền về việc đã thi hành xong bản án hoặc lý do chưa thi hành được. Nếu việc quy định trách nhiệm báo cáo được quy định rõ ràng sẽ giúp Viện KSND và TAND có thẩm quyền nắm rõ tình hình, kết quả thi hành bản án có hiệu lực pháp luật có được thực hiện triệt để hay không, bên cạnh đó Luật THAHS chưa quy định trách nhiệm của TAND có thẩm quyền trong việc kiểm tra và hướng dẫn đối với các cơ quan, tổ chức được TAND giao quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo nhằm nâng cao trách nhiệm của TAND và khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, giáo dục người được hưởng án treo đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHS.
Hiện nay có hai quan điểm chưa được thống nhất như sau:
- Quan điểm thứ nhất: để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, cần cắt bớt các thủ tục không cần thiết, giảm bớt các khâu trung gian do đó khi người đang chấp hành án treo muốn vắng mặt khỏi nơi cư trú thì UBND cấp xã chỉ trả lời bằng văn bản trong trường hợp không đồng ý, còn trường hợp UBND xã đồng ý thì không được thực hiện bằng văn bản như hiện hành;
- Quan điểm thứ hai: khi người đang chấp hành án treo muốn vắng mặt khỏi nơi cư trú thì UBND cấp xã phải có văn bản đồng ý hoặc không đồng ý, nếu UBND xã đồng ý cho phép vắng mặt phải ấn định rõ thời hạn bao nhiêu ngày phải đến trình diện, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người đang chấp hành án treo tại cộng đồng;
- Quan điểm của tác giả: ủng hộ quan điểm thứ hai đó là khi người đang chấp hành án treo muốn vắng mặt khỏi địa phương phải xin phép, trường hợp UBND xã đồng ý hay không đồng ý phải được thể hiện bằng văn bản; trong trường hợp xảy ra việc UBND xã đã đồng ý cho người đang chấp hành án treo đi khỏi nơi cư trú sau đó lại không thừa nhận việc đã đồng ý cho họ đi khỏi nơi cư trú thì người chấp hành án treo đương nhiên vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án và nếu họ vi phạm nghĩa vụ lần thứ hai thì có thể bị TAND có thẩm quyền buộc họ phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo theo Điều 93 Luật THAHS, do đó để bảo vệ quyền lợi cho người đang chấp hành án treo khi họ xin phép vắng mặt tại nơi cư trú thì UBND xã đồng ý hay không đồng ý phải thể hiện bằng văn bản.
2. Vấn đề thứ hai
Tại khoản 2, Điều 65 BLHS quy định: “Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó”.
Như vậy, đối với người được hưởng án treo là công chức, viên chức vẫn còn được làm việc trong cơ quan, tổ chức thì trong bản án, Toà án đều giao người đó cho cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để quản lý, giám sát nhưng Luật THAHS chỉ quy định trách nhiệm phối hợp, không quy định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc trong việc thực hiện nghĩa vụ của người được hưởng án treo như: rút ngắn thời gian thử thách, việc kiểm điểm của người chấp hành án treo, xử lý việc vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo… mà chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, không liên quan đến cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc theo quy định từ Điều 84 đến Điều 93 Luật THAHS, như vậy là chưa thống nhất giữa Luật THAHS và BLHS.
Vấn đề này, hiện nay có hai quan điểm trái chiều chưa được thống nhất như sau:
- Quan điểm thứ nhất: theo quy định tại khoản 2, Điều 65 BLHS quy định thì việc giám sát giáo dục đối với người chấp hành án treo được giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú nhưng trong Luật THAHS không quy định cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc là cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Luật THAHS quy định về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự gồm:
“a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);
b) Ủy ban nhân dân cấp xã”
Như vậy cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc không phải là cơ quan được giao nhiệm vụ THAHS do đó việc Toà án nhân dân tuyên giao người hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục là không đúng quy định tại Điều 11 của Luật THAHS.
- Quan điểm thư hai: cần sửa đổi khoản 2, Điều 65 BLHS theo hướng bỏ việc giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc mà chỉ giao cho UBND xã nơi người đó cư trú là phù hợp quy định của Điều 11 Luật THAHS.
- Quan điểm của tác giả: theo quy định tại Điều 11, Luật THAHS chỉ quy định UBND cấp xã là cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS do đó cần có hướng dẫn Toà án nhân dân khi tuyên hình phạt là án treo chỉ tuyên giao cho UBND xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục là phù hợp vì trong khi chưa có hướng dẫn và các quy định khác của BLHS; đồng thời đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 65 BLHS theo hướng bỏ cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc có trách nhiệm giám sát giáo dục trong thời gian chấp hành án treo.
Từ những khó khăn, vướng mắc và những bất cập trên, đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có những sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong việc tuyên bản án; công tác thực hiện quản lý, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của người được hưởng án treo và xử lý đối với người chấp hành án treo vi phạm nghĩa vụ thi hành án nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay như đã trình bày ở trên./.
Tạ Văn Thiển - Phòng 8 Viện KSND tỉnh