Một số vướng mắc khi xử lý vật chứng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự
- Thứ hai - 28/10/2024 10:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc xử lý vật chứng, tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và giải quyết vụ án hình sự được quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS) và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và một số văn bản hướng dẫn có liên quan. Theo quy định, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, tác giả nhận thấy có một số vướng mắc trong việc xử lý vật chứng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự như sau:
Thứ nhất, quy định về việc xử lý vật chứng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và biểu mẫu chưa cụ thể.
Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS, “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Vì vậy, vật chứng đã phải được cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thu thập từ ngay giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin. Kết thúc việc giải quyết nguồn tin, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án để chuyển sang giai đoạn điều tra hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án (trừ những nguồn tin phải tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 148 BLTTHS). Trong trường hợp không khởi tố vụ án, cơ quan điều tra phải giải quyết những vật chứng đã thu giữ.
Trong hệ thống biểu mẫu về điều tra hình sự ban hành theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 0/12/2021 của Bộ Công an, thì biểu mẫu về điều tra bao gồm từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin đến kết thúc điều tra vụ án. Tại biểu mẫu sử dụng trong việc tiến hành các biện pháp điều tra (Mục 4) có biểu mẫu “Quyết định xử lý tài sản, đồ vật, tài liệu” (Biểu mẫu số 149) và biểu mẫu “Quyết định xử lý vật chứng” (Biểu mẫu số 158). Trong căn cứ pháp lý của hai biểu mẫu trên, đều áp dụng điều 106 BLTTHS. Thực tiễn hiện nay, cơ quan điều tra cũng áp dụng các biểu mẫu trên để xử lý vật chứng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin (trong trường hợp không khởi tố vụ án hoặc xử lý vật chứng mau hỏng, khó bảo quản hoặc vật chứng là động vật hoang dã, thực vật ngoại lai…). Tuy nhiên, tại biểu mẫu số 158, còn căn cứ quyết định khởi tố vụ án (số, ngày, tháng, năm) để xử lý vật chứng, tức là nếu theo quy định thì biểu mẫu số 158 chỉ áp dụng cho giai đoạn điều tra (từ khi khởi tố vụ án) còn biểu mẫu số 149 áp dụng khi xử lý tài sản, đồ vật, tài liệu (không phải là xử lý vật chứng), vì vậy, biểu mẫu xử lý vật chứng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm chưa được quy định cụ thể.
Điều 106 BLTTHS quy định “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra…”. Như vậy, việc xử lý vật chứng tại giai đoạn giải quyết nguồn tin không được BLTTHS quy định cụ thể.
Thứ hai, trong việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định: “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” mới tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy, nếu không thì phải xem xét trả lại cho bị cáo, chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, việc xác định vật chứng như thế nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội còn nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.
Ví dụ: Trong vụ án Mua bán trái phép chất ma túy, bị cáo sử dụng điện thoại để liên lạc với người có nhu cầu mua ma túy, sau đó nhắn tin trao đổi về phương thức, thủ đoạn giao ma túy. Có quan điểm cho rằng điện thoại trong trường hợp này là công cụ, phương tiện để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nên cần phải tịch thu. Tuy nhiên có quan điểm khác cho rằng: Bị cáo sử dụng điện thoại trên chủ yếu liên lạc trao đổi với gia đình, bạn bè, chỉ duy nhất 01 lần nhắn tin, trao đổi về việc mua bán ma túy nên không thể xác định đây là công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội nên không tịch thu cần trả lại cho bị cáo.
Thứ ba, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 thì vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Hiện nay, chưa có quy định hoặc có văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được” nên việc xử lý vật chứng còn tùy tiện, chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ tư, chưa có quy định pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn xác định “vật cấm lưu hành”.
Thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự, nhận thấy một số vụ án có quan điểm khác nhau về việc nhận diện, phân loại vật chứng, tài sản có phải vật cấm lưu hành hay không. Cụ thể như: Trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị cáo điều khiển xe Công nông tự chế (xe thuộc sở hữu của anh trai bị cáo) vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây ra tai nạn làm chết người. Chiếc xe do bị cáo điều khiển không có giấy đăng ký xe, không được cơ quan có thẩm quyền quản lý, cấp cấp phép lưu hành.
Có quan điểm cho rằng, chiếc xe Công nông tự chế trên thuộc loại “vật cấm lưu hành” bởi vì theo điểm a, mục 2, Nghị Quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông quy định: “Đình chỉ lưu hành… xe công nông, xe tự chế 03, 04 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ” và theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy”, vì vậy, cần phải tịch thu chiếc xe theo quy định.
Có quan điểm cho rằng, chiếc xe này không phải là vật cấm lưu hành theo điểm a khoản 2 Điều 106, BLTTHS quy định mà đây chỉ là loại phương tiện chưa đủ điều kiện về tham gia giao thông, tức là lỗi hành chính. Mặt khác, chiếc xe trên không thuộc sở hữu của bị cáo trong vụ án. Do đó, không thể tịch thu chiếc xe này mà trả lại cho chủ sở hữu.
Vì chưa có quy định pháp luật hoặc văn bản hướng dẫn nên việc xử lý, giải quyết vật chứng, tài sản đối với những vụ án như trên còn tùy nghi, không thống nhất giữa các địa phương, giữa các cơ quan tố tụng.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cá nhân có kiến nghị đề xuất một số nội dung sau:
- Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, đề xuất sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng bổ sung quy định về xử lý vật chứng tại giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm cũng như ban hành biểu mẫu xử lý vật chứng ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
- Đề nghị Liên ngành Trung ương xem xét, có văn bản quy định, hướng dẫn trong việc xác định cụ thể vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật không có giá trị sử dụng hoặc sử dụng không được; vật cấm lưu hành để từ đó thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
- Đề nghị Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, giải đáp cụ thể về việc xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự, nhằm thống nhất trong áp dụng pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và những người tham gia tố tụng khác.
Trên đây là ý kiến về một số vướng mắc trong việc xử lý vật chứng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Rất mong nhận được sự tham gia ý kiến của bạn đọc.
Vũ Phương Hà – VKSND tỉnh